
Lồng đèn gáo dừa cho trẻ em vui tết Trung thu của Công ty TNHH MTV tự động hóa Tùng Phát. Ảnh: C. Trúc
Khai thác tối đa công dụng
Chúng tôi đến xã Quới Thành, huyện Châu Thành để thăm xưởng sản xuất gáo dừa trồng lan của chị Trần Thị Hồng Yến. Bắt đầu từ việc tự làm cho mình những chiếc chậu bằng gáo dừa được đục lỗ tròn để trồng lan rừng “coi cho đẹp”, chị Hồng Yến đã phát triển gáo dừa trồng lan thành một sản phẩm khởi nghiệp độc đáo. “Thấy mình trồng lan trong gáo dừa cũng hay hay nên người này người kia hỏi rồi mình bắt đầu làm nhiều hơn để bán cho ai có nhu cầu. Sau đó, cũng từ chính yêu cầu có được những chiếc gáo trồng lan đẹp hơn, tinh tế hơn của khách, mình lại nghĩ đến những mẫu hoa văn mới để trang trí cho chiếc gáo. Nhu cầu ngày càng nhiều, kiểu dáng cũng từ đó mà đa dạng hơn”.

Chị Hồng Yến và sản phẩm gáo dừa trồng lan. Ảnh: Thanh Đồng
Những chiếc gáo dừa được chị Hồng Yến chọn lựa kỹ càng, khéo léo chạm, đục những họa tiết rất khác biệt, không có hai chiếc gáo nào hoàn toàn giống nhau, đặt để vào từng đường nét là tâm huyết và sự mày mò sáng tạo của cô giáo trẻ Hồng Yến. Hiện “Gáo dừa Hồng Yến” đã được đăng ký nhãn hiệu tại Sở Khoa học và Công nghệ, được nhiều vườn trồng lan trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, tiêu thụ ổn định. Từ chiếc gáo dừa đơn sơ, sự sáng tạo của cô giáo trẻ đã thổi hồn vào đấy một sức sống mới, mang lại giá trị cao hơn cho cây dừa.
Nói đến sáng tạo với dừa, chị Lê Thị Huế My - Giám đốc Công ty TNHH MTV Tự động hóa Tùng Phát (huyện Châu Thành) nêu ý kiến: “Ai cũng biết những công dụng của dừa, tuy nhiên vấn đề là người sản xuất có biết khai thác, phát huy nguồn tài nguyên bản địa này để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng hay không”.
Thử ngồi kiểm đếm lại mới nhận thấy sự phát triển ngày càng đa dạng của những ứng dụng từ dừa. Đơn cử với vỏ dừa, nếu như trước đây, vỏ dừa dùng để ủ gốc cây, làm chất đốt hoặc bỏ đi thì sau này, vỏ dừa được xử lý thành mụn dừa và chỉ xơ dừa. Mụn dừa sẽ được ép thành viên để bón cây còn xơ dừa sau khi xe sợi thô còn được bện hoặc đan thành lưới, xơ dừa chưa xe sợi thì được ép thành thảm để phủ gốc cây… Với đặc tính hữu dụng của cây dừa, có thể nói ai đến với dừa cũng có thể thỏa sức sáng tạo.
Thân thiện với môi trường
Vừa qua trong chuyến khảo sát của lãnh đạo tỉnh đến thăm các cơ sở chế biến sâu các sản phẩm từ dừa, câu chuyện của anh Lê Tân Kỳ (xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre) sản xuất tấm xơ dừa gói rau phân phối cho các hệ thống siêu thị lớn ở TP. Hồ Chí Minh (Lotte, Aeon) đã gây được sự chú ý. Trao đổi với anh Lê Tân Kỳ về những hướng đi mới cho dòng sản phẩm này, chúng tôi thấy mở ra vô vàn những ứng dụng mới của xơ dừa, nhất là trong xu thế phát triển xã hội theo hướng thân thiện với môi trường.
Ứng dụng từ dừa hoàn toàn phù hợp với xu hướng thân thiện môi trường, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng ngày nay. Xét về trị giá các sản phẩm sáng tạo, ứng dụng từ dừa khi bán ra thị trường cũng cao hơn dạng chế biến thô nhiều lần. Một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm ứng dụng từ dừa cho biết, tính theo giá dừa hiện tại, doanh nghiệp này thu mua gáo dừa nguyên liệu là khoảng 50% giá của 1 trái dừa, tức là khoảng từ 2 ngàn đồng/cái gáo. Sau khi gia công, hoàn thiện qua các công đoạn như chà, đánh bóng, chạm đục hoặc khắc laser họa tiết… cho ra một chiếc tô gáo dừa thành phẩm, bán ra thị trường Mỹ, châu Âu có giá từ 15 - 20 USD. “Nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng thay thế đồ nhựa bằng đồ dùng thân thiện với môi trường nên việc khai thác tiềm năng nguyên liệu từ dừa để thay thế đồ nhựa là rất lớn”, chị Huế My nhận xét.
Hay đối với mô hình thắt lá dừa nghệ thuật của chị Đinh Thị Kim Ngân (Câu lạc bộ thắt lá dừa Bến Tre) cũng đã tạo nên giá trị mới cho dừa. Có lẽ với nhiều người, ít ai nghĩ rằng từ một trò chơi dân gian ở miền quê lại có thể làm kinh doanh được và mang lại việc làm, thu nhập cho lao động nhàn rỗi ở địa phương như vậy. Câu lạc bộ thắt lá dừa của chị Kim Ngân hiện nay đã thành lập được cơ sở chuyên thắt lá dừa nghệ thuật Nét Việt (xã Sơn Đông, TP. Bến Tre) với trên 20 thành viên làm việc theo thời vụ, gồm học sinh, sinh viên, phụ nữ và cả người già. Chị Kim Ngân cùng nhóm của mình đã tái hiện lại nét đẹp văn hóa truyền thống của xứ Dừa khi thiết kế các mô hình cổng cưới từ lá dừa. Tùy theo mẫu mã, tính chất công phu của cổng cưới mà mỗi cổng có giá từ 3 - 5 triệu đồng. Có những mẫu kết hợp gắn kết các loại trái cây đặc sản để vừa làm đẹp, vừa làm nên nét độc đáo của vùng đất trù phú giàu cây trái ngon. Riêng mẫu hoa kết từ lá dừa được khách hàng chuộng sử dụng làm hoa cưới cầm tay, hoa bó để tặng, hoa để bàn trang trí sự kiện. Mỗi bó hoa cưới cầm tay có giá khoảng 150 - 300 ngàn đồng/bó. Những bó hoa kết từ lá dừa được tặng cho du khách hoặc trong các sự kiện, hội nghị của tỉnh đã tạo nên nét riêng độc đáo của chủ nhà Bến Tre, không nơi đâu có được. Thắt lá dừa còn biến tấu thành vô vàn những món đồ chơi xinh xắn, những con chim, cào cào, hoa, giỏ, nón lá, vòng tay… thắt từ lá dừa được nhiều du khách ưa thích.
“Dù sản xuất dòng sản phẩm nào đi nữa, cần có cái nhìn xa hơn về hướng đi cho ngành nghề thì sẽ khác rất nhiều. Nếu như từ trước tới nay nhiều người đã quá quen thuộc với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ dừa phục vụ trong ngành du lịch thì bây giờ, mình có thể đi theo hướng sản xuất vật dụng gia đình từ dừa để thay thế cho vật liệu nhựa, đồ dùng từ nhựa sẽ mở ra hướng phát triển mới rộng đường hơn cho dừa. Hướng đi khác biệt sẽ dẫn đến cách phát triển sản phẩm cũng khác”, chị Huế My nhận xét.
C. Trúc - Ph. Hân - T. Đồng