Thoát nghèo bền vững từ nguồn vốn đa dạng sinh kế

25/11/2022 - 05:43

BDK - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Long Mỹ (huyện Giồng Trôm) Phạm Văn Thi cho biết: Năm 2018, từ nguồn vốn đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững của huyện đã hỗ trợ giúp cho 10 hộ nghèo trên địa bàn xã thoát nghèo bền vững chỉ sau 2 năm nhờ mô hình chăn nuôi dê sinh sản. Từ thành công của mô hình, với sự quan tâm sâu sát và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể từ xã đến ấp, Long Mỹ đã kéo giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo, góp phần hướng đến xây dựng thành công xã nông thôn mới trong thời gian tới.

Nhờ chăn nuôi dê sinh sản mà hộ anh Ngô Văn Chạy thoát nghèo bền vững.

Nhờ chăn nuôi dê sinh sản mà hộ anh Ngô Văn Chạy thoát nghèo bền vững.

Long Mỹ là xã thuộc tiểu vùng III của huyện Giồng Trôm, có 7 ấp với 2.338 hộ dân, 7.316 nhân khẩu. Đời sống thuần nông với nghề canh tác vườn, chủ yếu trồng các loại cây có múi. Long Mỹ nổi tiếng với “Quýt đường Long Mỹ”, một loại trái cây đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, địa bàn khá rộng và bị chia cắt bởi kênh rạch, mặc dù trong những năm gần đây, với sự quan tâm, hỗ trợ của trên, các mạnh thường quân ủng hộ, Long Mỹ đã cơ bản hoàn chỉnh dần hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, giúp cho việc đi lại thuận tiện, vận chuyển hàng nông sản của bà con được thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Theo số liệu năm 2018, toàn xã còn 287 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,03%, 37 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,55%. Công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể đặc biệt quan tâm, nhất là khi Long Mỹ đang bắt tay xây dựng xã nông thôn mới. Với Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững, huyện đã hỗ trợ cho địa phương xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản với 10 hộ nghèo tham gia. Theo Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Long Mỹ Phạm Văn Thi, với sự cần cù, chí thú làm ăn, chỉ sau hơn 2 năm, các hộ nghèo tham gia mô hình đã có dê sinh sản, tạo nguồn thu nhập rất ổn định và thoát nghèo bền vững. Nhiều hộ còn nhân đàn, mở rộng chăn nuôi. Từ hiệu quả của mô hình, địa phương đã nhân rộng cho những năm tiếp theo. Cụ thể, năm 2020, toàn xã có 149 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,37%, 51 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,18%. Năm 2022, qua rà soát, thống kê, toàn xã còn 138 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,9%, 27 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,15%. Hiện nay, địa phương được hỗ trợ xây dựng 2 mô hình chăn nuôi dê cho 69 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia và đạt hiệu quả cao. Qua khảo sát, theo dõi của các đoàn thể phụ trách, nhiều hộ có khả năng thoát nghèo bền vững…

Hộ anh Ngô Văn Chạy ở ấp Linh Lân, xã Long Mỹ là một trong 10 hộ nghèo được xã Long Mỹ chọn tham gia mô hình chăn nuôi dê sinh sản đầu tiên từ năm 2018. Theo Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Long Mỹ Phạm Văn Thi, hoàn cảnh anh Chạy lúc bấy giờ do thiếu đất canh tác, thiếu vốn sản xuất, gia đình lại đông con và đang ăn học. Anh sống bằng nghề làm thuê, chài lưới ven sông… cuộc sống gặp nhiều khó khăn. “Được chọn tham gia mô hình sinh kế, gia đình tôi rất phấn khởi. Lúc bấy giờ được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua 2 con dê sinh sản về nuôi, tôi mừng lắm, quyết tâm làm ăn”, anh Ngô Văn Chạy nhớ lại.

Theo anh Phạm Văn Thi, anh Chạy là người rất chí thú làm ăn. Tham gia mô hình chỉ một năm sau thì đã có dê sinh sản, đến năm 2019, hộ anh đã thoát nghèo. Dù vậy, từ nguồn vốn ban đầu, mô hình chăn nuôi dê sinh sản được anh phát triển, mở rộng, có lúc trong chuồng dê gia đình có hơn chục con và duy trì cho đến bây giờ. Hôm chúng tôi xuống thăm hộ anh Chạy, hiện còn 6 con dê, trong đó có 3 con dê sinh sản.

Anh Chạy cho biết: Đã có 1 con vừa đẻ được 3 con dê con, 2 con dê nái kia cũng đang chuẩn bị. Nhờ vào chăn nuôi dê mà anh lo cho con được ăn học. Gia đình thoát nghèo. Anh Chạy cho biết thêm, gia đình vừa mua thêm 1,8 công đất để tăng gia sản xuất, giúp gia đình anh vươn lên trong cuộc sống. Với hiệu quả mang lại từ mô hình nuôi dê sinh sản, Long Mỹ được đánh giá rất cao trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN