Thông báo Cuộc thi viết “Tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre (1930 - 2015) và phong trào Đồng khởi năm 1960”

20/01/2019 - 21:10

BDK - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa ban hành kế hoạch tổ chức Cuộc thi viết cấp tỉnh “Tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre (1930 - 2015) và phong trào Đồng khởi năm 1960” như sau:

* Đối tượng: Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, giáo viên, sinh viên và các tầng lớp nhân dân hiện đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Bến Tre và người Bến Tre hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại các tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra, những người hiện đang sinh sống, học tập, công tác ngoài tỉnh Bến Tre nếu có bài dự thi, sẽ được Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh nhận, chấm điểm và xét thưởng.

* Nội dung: Cuộc thi là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre qua các thời kỳ với điểm nhấn là phong trào Đồng khởi năm 1960, có tác dụng giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 - 17-1-2020) và 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020).

* Thời gian

Thời gian bắt đầu cuộc thi từ tháng 1-2019, kết thúc trong tháng 1-2020.

Thời gian chấm và trao giải cuộc thi cấp huyện đến hết ngày 30-9-2019.

Thời gian Ban tổ chức cuộc thi cấp huyện báo cáo tổng kết và gửi bài dự thi chọn lọc về Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh: trước 17 giờ ngày 5-10-2019.

Thời gian nhận bài dự thi cấp tỉnh, hạn chót: trước 17 giờ ngày 5-10-2019.

Thời gian tổ chức trao giải cuộc thi cấp tỉnh vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 - 17-1-2020) và 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020).

* Địa chỉ nhận bài dự thi:

Đối với cấp tỉnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (số 2, đường 3 tháng 2, Phường 3, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre).

Đối với cấp huyện: Người thi gửi bài dự thi về cấp ủy cơ sở nơi công tác. Cấp ủy cơ sở tập hợp gửi bài dự thi về Ban tổ chức cuộc thi cấp huyện (thí sinh tự do của địa phương nào thì nộp bài dự thi tại ban tuyên giáo cấp ủy của địa phương đó).

* Cơ cấu giải thưởng

Cấp tỉnh

- Giải tập thể: gồm giấy chứng nhận và tiền thưởng, được trao cho đơn vị tổ chức cuộc thi đạt kết quả tốt và có nhiều bài dự thi cấp tỉnh đạt giải cao. Gồm 13 giải: 1 giải nhất (8.000.000 đồng), 1 giải nhì (6.000.000 đồng), 1 giải ba (4.000.000 đồng), 10 giải khuyến khích (1.000.000 đồng/giải).

- Giải cá nhân: gồm giấy chứng nhận và tiền thưởng, được trao cho bài dự thi của cá nhân có bài viết xuất sắc, lấy theo điểm từ cao xuống thấp. Gồm 29 giải, trong đó: 1 giải nhất (6.000.000 đồng kèm bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh), 3 giải nhì (4.000.000 đồng/giải), 5 giải ba (3.000.000 đồng/giải), 20 giải khuyến khích (2.000.000 đồng/giải).

Cấp huyện: do Ban tổ chức cuộc thi cấp huyện phân bổ với cơ cấu tương tự cấp tỉnh nhưng số lượng giải và số tiền thưởng của từng giải thấp hơn cấp tỉnh.

Câu hỏi Cuộc thi viết “Tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre (1930 - 2015)
và phong trào Đồng khởi năm 1960”

Câu 1. Hãy nêu hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử của việc thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Câu 2. Phân tích bối cảnh lịch sử, diễn biến, ý nghĩa của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở tỉnh Bến Tre. Ý nghĩa lịch sử của sự kiện này?

Câu 3. Sự gắn bó máu thịt giữa ý Đảng và lòng dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trên quê hương Bến Tre? Bài học kinh nghiệm và ý nghĩa lịch sử?

Câu 4. Phân tích bối cảnh tình hình Bến Tre trước khi Đồng khởi nổ ra. Diễn biến, ý nghĩa lịch sử của phong trào Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre? Từ “Đồng khởi” xuất hiện từ khi nào và vì sao nói Bến Tre là quê hương Đồng khởi?

Câu 5. Theo anh (chị), nhũng điểm độc đáo và khác biệt của Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre so với các địa phương khác ở miền Nam, miền Trung là gì? Chúng ta cần phải làm gì để gìn giữ, phát huy tinh thần Đồng khởi trong giai đoạn hiện nay?

Câu 6. Vai trò của “Đội quân tóc dài” trong phong trào Đồng khởi năm 1960? Tại sao nói “Đội quân tóc dài” là một sáng tạo lịch sử độc đáo của chiến tranh nhân dân ở Bến Tre? Theo anh (chị), chúng ta cần phải làm gì để phát huy tốt vai trò của phụ nữ trong phong trào thi đua “Đồng khởi mới” trong giai đoạn hiện nay?

Câu 7. Hãy phân tích diễn biến, ý nghĩa lịch sử của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) của quân và dân Bến Tre.

Câu 8. Hãy nêu những thành tựu nổi bật của tỉnh từ sau khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (năm 1986) đến nay? Ý nghĩa của những thành tựu đó?

Câu 9. Những sự kiện mà anh (chị) tâm đắc trong 85 năm Đảng bộ tỉnh Bến Tre xây dựng, trưởng thành và phát triển (1930 - 2015)? Vì sao? Anh (chị) hãy đề xuất giải pháp để xây dựng Đảng bộ tỉnh Bến Tre ngang tầm với nhiệm vụ mới và những định hướng cho phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới theo hướng nhanh và bền vững.

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN