
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Nguyễn Trúc Sơn phát biểu chỉ đạo.
Nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021 của tỉnh được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế của địa phương đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19. Ngay từ đầu năm, toàn ngành đã tập trung đánh giá, lập kế hoạch và triển khai từng nhiệm vụ đến từng cơ quan, bộ phận ngành nhằm chủ động trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Kết quả, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2021 vẫn vượt chỉ tiêu dự toán trung ương và địa phương giao, thậm chí cao hơn so với năm 2020. Trong đó, một số khoản thu lớn như: thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh; thu thuế thu nhập cá nhân… đều đạt và vượt so với chỉ tiêu dự toán địa phương được giao.
Năm 2021, Sở Tài chính đã tham mưu cấp có thẩm quyền về công tác huy động nguồn kinh phí để kịp thời thực hiện giải phóng mặt bằng dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận và thực hiện giải phóng mặt bằng dự án Hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre. Tham gia phối hợp thẩm định nguồn vốn khả năng cân đối vốn các công trình, dự án; phương án sử dụng nguồn vốn vay và trả nợ của các chương trình, dự án.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, địa phương đã tập trung toàn bộ nguồn lực, thực hiện cắt giảm tiết kiệm chi thường xuyên và thu hồi các khoản chi chưa cần thiết, triển khai chậm để đáp ứng kịp thời nhu cầu kinh phí phòng chống dịch. Qua thực hiện các biện pháp cắt giảm, tiết kiệm và thu hồi các khoản chi thường xuyên, ngân sách cấp tỉnh đã tiết kiệm và thu hồi về dự phòng ngân sách để tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, Sở Tài chính cũng đã chủ trì, phối hợp với các ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật quy định các nội dung về giá đối với việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, sử dụng đất và một số nội dung khác trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Nguyễn Trúc Sơn hoan nghênh và biểu dương Ban Giám đốc Sở Tài chính, các phòng, ban, bộ phận, các ngành, các huyện, xã đã phối hợp với ngành tài chính trong một năm phấn đấu đầy khó khăn, thách thức, phức tạp do dịch Covid-19 để “về đích” thành công, vượt chỉ tiêu đề ra.
Về nhiệm vụ năm 2022, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị ngành tài chính, ngành thuế và các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, ngành tài chính phối hợp chặt chẽ với ngành thuế, UBND các huyện, thành phố và các xã, thị trấn tập trung quyết liệt điều hành công tác thu ngân sách nhà nước ngay từ đầu năm để đạt chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết của Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh. Điều hìanh tốt các nguồn thu, phối hợp nắm chắc số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nguyên tắc là tạo điều kiện nhưng đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Năm 2022 là năm tập trung tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết hợp các gói kích cầu phát triển kinh tế - xã hội Chính phủ đề ra và được Quốc hội thông qua. Do đó, cần tạo điều kiện, kích thích doanh nghiệp vươn lên, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Đối với các nguồn thu, đặc biệt là nguồn thu lớn, tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng, tạo điều kiện thật tốt; khuyến khích doanh nghiệp hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh và điều tiết nguồn thu thuế cho địa phương.
Liên quan đến dự án đầu tư và phát triển đô thị, đề nghị ngành tài chính chủ trì, phối hợp với ngành tài nguyên và môi trường thẩm định, xác định giá đúng và chống thất thu ngân sách, đẩy nhanh tiến độ triển khai để góp phần tăng thu từ các dự án đô thị.
Đối với công tác quản lý thuế, khi xác định các thành phần doanh nghiệp, đề nghị kịp thời xác định đúng loại hình sản xuất, để đảm bảo thu đúng, chống trốn thuế, chuyển giá .
Về quản lý chi, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị: Ngành tài chính và các địa phương quản lý chặt dự toán, không để phát sinh ngoài dự toán; tiếp tục theo dõi các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội để chủ động điều tiết một cách phù hợp; đảm bảo chi cho đầu tư phát triển, chi cho mục tiêu quốc gia, an sinh xã hội; tiến dần giảm chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập có điều kiện tự chủ chi thường xuyên, tạo điều kiện cho các đơn vị có khả năng thu đúng dịch vụ, thu đúng giá để tăng dần khả năng tự đảm bảo chi; giảm dần bù lỗ, cấp bù.
Tập trung, khẩn trương sắp xếp, quản lý nhà đất công, tài sản công đúng quy định. Phối hợp thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra về tài chính; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực....
Tin, ảnh: Trương Hùng