Xanh ngát rừng dừa quê hương, bài 2:

Thu nhập ổn định từ “cây sự sống”

19/02/2020 - 07:30

BDK - Toàn tỉnh hiện có gần 200 ngàn hộ trồng dừa, với diện tích hơn 72 ngàn héc-ta; là tỉnh có tiềm năng và sản lượng dừa lớn nhất cả nước. Cây dừa đã trở thành cây trồng gắn bó lâu đời với người nông dân, với doanh nghiệp. Ngành du lịch xứ Dừa đang từng bước phát triển với định hướng “lấy hình ảnh dừa làm trung tâm”...

Vườn dừa hữu cơ của ông Phạm Văn Bảy ở xã Phú Vang, huyện Bình Đại.  Ảnh: Thanh Đồng

Vườn dừa hữu cơ của ông Phạm Văn Bảy ở xã Phú Vang, huyện Bình Đại.  Ảnh: Thanh Đồng

Trồng dừa hữu cơ

Chúng tôi tìm gặp ông Phạm Văn Bảy ở xã Phú Vang, huyện Bình Đại nghe ông kể chuyện trồng dừa hữu cơ năng suất cao. Với 5 héc-ta trồng dừa ta hữu cơ, một năm cho hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng. Ông Phạm Văn Bảy là một trong 20 nông dân tiêu biểu được tôn vinh tại Lễ hội Dừa lần thứ V năm 2019.

Câu chuyện trồng dừa của gia đình ông Bảy là câu chuyện về cái tình của người nông dân Bến Tre luôn đau đáu với cây dừa quê hương. Đứng trước những bấp bênh trong tiêu thụ dừa trái, phụ thuộc thương lái, ông Bảy đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới để trồng dừa, tiên phong liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Từ 3 - 4 năm về trước, với tập quán canh tác cũ ăn sâu vào tư duy nhiều đời nay, không phải ai cũng dám mạo hiểm như ông. Kết hợp với trồng dừa hữu cơ, ông Bảy bắt thêm bò và dê nuôi để tận dụng nguồn phân hữu cơ an toàn cho vườn dừa. Ông đầu tư cải tạo, chăm sóc vườn theo tiêu chuẩn, thiết kế hệ thống bọng, kênh dẫn thoát nước ra vào mương vườn để tránh bị ngập nước, ảnh hưởng mặn.

Nhìn thấy mảnh đất quê hương “sống dậy” khi chuyển đổi sang phương pháp hữu cơ, ông Bảy càng tin tưởng rằng con đường mình đang đi là đúng đắn. “Dù trồng dừa hữu cơ đòi hỏi mình phải chăm sóc nhiều hơn nhưng tôi thấy điều đó xứng đáng vì cây dừa trả lại những quả ngọt tương xứng với công mình chăm sóc. Hữu cơ là hướng đi bền vững, lâu dài của ngành nông nghiệp tỉnh nhà”, ông Bảy nói.

“Cây dừa là cây sinh kế hiệu quả của người nông dân Bến Tre. Từ đời cha tôi đến đời tôi và bây giờ là các con tôi tiếp nối cũng sẽ gắn bó với cây dừa. Cùng với đó, sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước với các chính sách phù hợp và kịp thời, tôi càng thêm kỳ vọng người trồng dừa tỉnh nhà sẽ phát triển kinh tế ổn định với cây dừa”, ông Bảy tâm huyết.

Cả xã Phú Vang có trên 570 héc-ta đất trồng dừa. Đến nay, có khoảng 60 héc-ta được chuyển đổi sang trồng theo phương pháp hữu cơ. 50 hộ trồng dừa đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp thu mua. Các chuyên gia đều nhận định, thổ nhưỡng vùng đất này phù hợp cho việc trồng dừa lấy dầu. Cây dừa lấy dầu trên đất Bình Đại cho năng suất vượt trội hơn bất kỳ địa phương nào.

Để cây dừa “vươn ra” thế giới

 Để có nhiều nông dân làm giàu từ cây dừa như ông Phạm Văn Bảy không phải là điều xa vời. Điều này đang đặt ra cho tỉnh bài toán phát triển kinh tế từ dừa với sự đồng bộ từ cơ chế chính sách, vai trò của Nhà nước và sự đồng lòng của nhân dân.

Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy đã xác định hướng đi của tỉnh đối với cây dừa chính là đổi mới cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa, tạo ra giá trị gia tăng mạnh mẽ, có lợi cho người trồng dừa, giải quyết lao động, tăng thu nhập của công nhân trong các nhà máy sản xuất, chế biến dừa; phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp, tham gia chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm dừa, không để người trồng dừa thua thiệt trên thương trường.

`Riêng đối với du lịch, ngành công nghiệp không khói được xem là một trong các trụ cột chính phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà và vai trò của cây dừa được xác định là hình ảnh cốt lõi để ngành xây dựng giá trị riêng, đặc thù. Ngành du lịch xứ Dừa đang nỗ lực khai thác tối đa giá trị ý nghĩa biểu tượng độc đáo của cây dừa. Cùng với đó là chú trọng tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hình ảnh quê hương với môi trường sinh thái trong lành, một vùng đất địa linh nhân kiệt với văn hóa miệt vườn độc đáo, có nhiều di tích, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị.

Giữa các sở, ngành đang từng bước có sự phối hợp với nhau để khai thác giá trị cây dừa trong du lịch. Ngành du lịch và ngành văn hóa cùng nhau bình tuyển các vườn dừa đạt chuẩn phục vụ du lịch, tổ chức các hoạt động trải nghiệm về quy trình canh tác, chế biến các sản phẩm từ dừa. Ngành công thương củng cố, xây dựng các làng nghề chế biến sản phẩm từ dừa, phối hợp với du lịch để xây dựng các tour, tuyến du lịch sinh thái gắn kết với việc tham quan vườn dừa, các cơ sở sản xuất chế biến, chế tác các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa...

Chế biến sản phẩm từ dừa của tỉnh rất đa dạng. Hiện có các nhà máy chế biến với quy trình hiện đại, xây dựng sản phẩm du lịch không chỉ dừng lại ở việc tham quan các làng nghề thủ công truyền thống mà có hướng mở rộng để du khách đến tham quan các nhà máy với quy trình hiện đại. Đây cũng là một loại hình du lịch góp phần phát huy giá trị của dừa, quảng bá các sản phẩm từ dừa của tỉnh mang tính chuyên nghiệp, hiện đại hơn.

Du lịch Bến Tre tiếp tục phát triển, nâng giá trị các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, xây dựng hệ thống cửa hàng kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa, đặc sản từ dừa để phục vụ du lịch. Cả các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ dừa trong tỉnh cũng cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm để tăng tiêu dùng trong tỉnh, để người dân ưa chuộng sử dụng các sản phẩm từ dừa của tỉnh. Văn hóa dừa thật sự lan tỏa trong đời sống hiện đại của cư dân xứ Dừa, để khi du khách đến đây được “đắm mình” trong văn hóa xứ Dừa.

“Tôi mong rằng trong tương lai không chỉ hợp tác sâu rộng, chặt chẽ giữa các tỉnh trồng dừa trong nước mà chúng ta cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước có ngành dừa phát triển, để ngành dừa của chúng ta có nhiều sản phẩm mới, đa dạng về chủng loại, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và thế giới; để cây dừa và các sản phẩm từ dừa ngày càng đóng góp quan trọng hơn cho nền kinh tế Bến Tre, cho khu vực và cả nước và gia tăng thêm các chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ra các thị trường rộng hơn và khắc nghiệt hơn của thế giới”.

(Trích phát biểu của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Lễ hội Dừa tỉnh lần thứ V năm 2019)

A. Nguyệt - Th. Đồng - Ph. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN