Chị Nguyễn Thị Minh đang se nhang bằng máy rút tăm và se nhang.
“Trước kia, tôi có trại cưa gỗ giúp tạo thu nhập chính cho gia đình bên cạnh nghề mộc của bản thân. Do sức khỏe giảm dần cùng bệnh tuổi già, tôi chuyển sang việc sản xuất nhang. Dù thu nhập không cao nhưng đủ sống nếu biết khéo léo “vun vén” chi tiêu cho gia đình”, ông Năm Dễ tâm sự.
Năm 2010, ông Nguyễn Văn Dễ bắt đầu sản xuất nhang truyền thống bằng máy đạp (1 cây/lần đạp) và tận dụng không gian trước sân nhà (tầm 350m2) làm sân phơi. Sau đó, ông đã truyền nghề lại cho con gái là chị Nguyễn Thị Minh, 35 tuổi, đã lập gia đình và sinh sống bên nhà chồng (KP Phước Lý, thị trấn Phước Mỹ Trung). Hiện tại, vợ chồng chị Minh đã nhập về 1 máy trộn bột (khối lượng bột trộn 5kg), 2 máy (rút tăm và se nhang), với tổng chi phí hơn 40 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Minh chia sẻ: Việc se nhang rất cực nhưng tự chủ được thời gian. Thời còn làm thủ công khá cực, khi đầu tư được máy móc đã giúp giảm công rất nhiều. Khách đặt hàng từ 500 - 600 thiên/tháng (1 ngàn cây/thiên), mọi nguyên liệu thì đơn vị đặt hàng đều cung ứng, gia công giá 5 ngàn đồng/thiên. Trung bình thu nhập của vợ chồng chị Minh từ việc nhận gia công se nhang hơn 6 triệu đồng/tháng. Trời nắng gắt thì mới có thể phơi nhang hiệu quả và tạm nghỉ những ngày mưa gió.
Hiện tại, vợ chồng chị Minh nhận gia công se nhang tại nhà ông Năm Dễ thông qua đơn đặt hàng và bán lẻ ở địa phương. Với các loại như: quế, thường, tùng, trầm (dầu và thiệt); kích cỡ từ 30 - 50cm/cây. Trung bình, vợ chồng chị Minh cùng đứa cháu chồng sản xuất từ 60 - 70 thiên nhang/ngày.
Phó chủ tịch UBND thị trấn Phước Mỹ Trung Trần Quang Khải cho biết: Trước kia, ở địa phương có 2 hộ dân (1 ở KP Phước Trung và 1 ở KP Thanh Hòa) chuyên sản xuất nhang. Hiện chỉ còn duy nhất hộ ông Nguyễn Văn Dễ duy trì và phát triển công việc se nhang tạo thu nhập ổn định cho gia đình. So với những công việc thương mại khác, se nhang không tạo thu nhập cao nhưng ổn định.
Bài, ảnh: Lê Đệ