|
Giới trẻ “xin chữ”. |
Trong những nét văn hóa cổ xưa mà nhân dân ta gìn giữ và lưu truyền lại, thư pháp đang ngày càng được giới trẻ quan tâm. Các cụ cao niên kể rằng, thuở xưa, vào mỗi dịp xuân về, người dân hay đến nhà thầy đồ để “xin chữ” về treo trong nhà như một bức tranh, vì nét chữ của các ông đồ thường được khen là đẹp như rồng bay, phượng múa. Những ông đồ “cho chữ” viết chữ Hán trên một tờ giấy lớn với nội dung là lời chúc tụng hay giáo dục nhân cách sống ở đời. Thư pháp là nghệ thuật viết chữ xuất phát từ Trung Hoa và được lưu truyền sang các nước Nhật, Triều Tiên, Việt Nam…
Nói đến thư pháp, người ta thường nghĩ đến việc viết chữ Hán bằng kiểu cách đặc biệt với cây bút lông, mực mài và giấy. Cụ Phan Văn Kiêm - hội viên Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu là một trong số ít người ở Bến Tre biết viết thư pháp bằng chữ Hán cho biết thêm: Thư pháp của Đông phương nói chung thì có những kiểu cách viết đẹp theo qui định (chứ không phải viết tự do), chữ Hán tự nó đã là một loại chữ có tính chất họa trong đó nên người ta gọi là thư họa. Vì thế, người ta thường trang trí chữ thư pháp trong phòng khách hoặc nơi học tập… Ngoài việc trang trí cho đẹp, lồng trong thư pháp còn có ý nghĩa của những câu đối, danh ngôn, chúc tụng, người ta treo để lấy hên. Thư pháp Hán ngày nay so với ngày xưa không khác, chỉ khác về mực và giấy. Ngày nay, người ta viết bằng mực nước để không tốn nhiều thời gian, còn giấy, ngày trước chỉ sử dụng giấy bạc hoặc giấy dó có đặc điểm viết xong chữ ráo mực liền, bây giờ tuy mẫu mã giấy có phần đẹp hơn nhưng viết xong thì còn đọng mực nên đôi khi dễ bị chảy lem. Cụ Tấn Tài - hội viên Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu - một trong những bậc thầy ở Bến Tre viết thư pháp bằng chữ Hán có chung nỗi lo với nhiều đồng môn khác - ông chia sẻ: Giới trẻ hiện nay chỉ có thể thưởng thức loại hình nghệ thuật này mà rất ít người học được, rất khó tìm ra người thừa kế. Bởi muốn viết được đòi hỏi người viết phải am hiểu về ngôn ngữ Hán, biết nguyên tắc viết và phải có hoa tay.
Thư pháp Việt có mặt trên nhiều phương tiện.
Hiện nay, ngoại trừ một số vị cao niên, còn lại rất ít người đọc và viết được chữ Hán, nên lối viết thư pháp bằng chữ Hán được thay thế dần bởi thư pháp Việt. Theo quan điểm nhiều người, chữ Việt vẫn đẹp như chữ Hán. Thư pháp Việt phổ biến nhất là trên điện thoại (tải qua mạng điện thoại), trên đá cuội (đá viên dùng để dằn giấy nơi bàn làm việc, học tập) hoặc trên tập giấy… Em Trần Thị Yến Nhi và em Huỳnh Thị Hoài Thu - học sinh lớp 12A2 Trường THPT Võ Trường Toản cho biết: “Chúng em rất thích thư pháp nên đã xin chữ Phúc - Lộc - Thọ bằng chữ Hán và dán ở bàn học với mong muốn được nhiều may mắn trong học tập và cuộc sống”. Ở Bến Tre hiện nay, việc viết và trưng bày thư pháp cũng đã được đưa vào góp mặt trong các lễ hội (Lễ hội Dừa, Lễ hội Thơ…) và sản phẩm thư pháp cũng đã có mặt ở nhiều nhà sách lớn nhỏ trong tỉnh.