|
Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (bên trái) làm việc tại Bến Tre. |
Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre về phương án tài chính, cơ chế đầu tư BOT Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên trên quốc lộ 60. Tiếp và làm việc với Thứ trưởng, có ông Võ Thành Hạo - Phó Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Bến Tre.
Theo Bộ Giao thông vận tải, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên trên QL.60, Bộ đã phê duyệt điều chỉnh Dự án gồm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 gồm cầu Cổ Chiên (2.144 tỷ đồng), được đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT; Dự án thành phần 2 gồm đường và cầu trên đường dẫn (996 tỷ đồng), được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương. Đến nay, Dự án thành phần 1 đang đàm phán Hợp đồng BOT; Dự án thành phần 2 đã được khởi công xây dựng từ năm 2011. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Dự án thành phần 1 (cầu Cổ Chiên) theo hình thức Hợp đồng BOT đang gặp một số khó khăn vướng mắc về hiệu quả tài chính của Dự án. Cho nên, để thực hiện thành công Dự án, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị với Chính phủ phương án cơ cấu nguồn vốn đầu tư mới như về nguồn vốn đầu tư đề nghị vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 49% (tương đương 1.051 tỷ đồng), vốn Nhà đầu tư huy động 51% (tương ứng 1.093 tỷ đồng). Cho phép tách Dự án đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên theo hình thức Hợp đồng BOT (Dự án thành phần 1) thành một dự án độc lập để thuận tiện cho việc huy động vốn của các nhà đầu tư, bố trí nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Giá thu phí đường bộ đề nghị được áp dụng từ năm 2016 với mức 3,5 lần so mức giá cơ bản tại Thông tư 90 ngày 7-9-2004 của Bộ Tài chính, điều chỉnh tăng 3 năm một lần với mức tăng 12%.
Được biết, cầu Cổ Chiên phần tuyến phía Bến Tre dài 10,53km đã bồi thường giải phóng mặt bằng 396 hộ với số tiền 54,16 tỷ đồng. Phần mở rộng nút giao thông số 1 đầu tuyến đã bồi thường bổ sung thêm 29 hộ với số tiền 800 triệu đồng. Cầu Tân Điền đã thi công hoàn thành phần mố, trụ cầu và sàn giảm tải mố A, đang thi công sàn giảm tải mố B và đúc 2 dầm. Hiện đơn vị thi công đang tổ chức lao dầm. Khi Dự án hoàn thành cùng với Dự án phà Đại Ngãi (nối Trà Vinh với Sóc Trăng) thì tuyến phía Đông của Khu vực Tây Nam Bộ sẽ được thông thương từ Tiền Giang đến Sóc Trăng) và rút ngắn cự ly từ TP. Hồ Chí Minh đến Trà Vinh, Sóc Trăng khoảng 70 km, đồng thời giảm áp lực giao thông trên QL.1A.