Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Hữu Hiệp
Phía tỉnh Bến Tre có Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ; Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến; Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.
Tại cuộc họp, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đã báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết (NQ) Đại hội XIII của Đảng, NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và tình hình thực hiện NQ Tỉnh ủy năm 2022. Với tinh thần “Đồng khởi mới”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã tập trung, nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện NQ đạt được một số kết quả quan trọng.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hữu Hiệp
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt kết quả tốt. Xây dựng, tăng cường đoàn kết, thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ và nhân dân trong thực hiện NQ của Đảng, của Tỉnh ủy và các cấp ủy. Năm 2022, GRDP đạt 7,33%, đây là mức tốt hơn sau nhiều năm, trong đó có 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; thu nhập bình quân đầu người đạt 49 triệu đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 80,19%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 là 5.635 tỷ đồng, đạt 106,4% so với dự toán Trung ương, so với địa phương giao đạt 100,2% và bằng 98,7% so với cùng kỳ năm trước.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy. Ảnh: Hữu Hiệp
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết thêm: Chủ trương lớn của tỉnh là phát triển về hướng Đông, hướng biển, để khai thác hết tiềm năng lợi thế sẵn có, Bến Tre sẽ có chương trình lấn biển (khoảng 50 nghìn ha), gắn với tuyến đường ven biển. Tỉnh cũng xác định, phấn đấu đến năm 2025 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 là kinh tế mũi nhọn của tỉnh…
Cùng với duy trì, phát triển các thế mạnh về nông nghiệp, Bến Tre đang nỗ lực hoàn thành các khu, cụm công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp chế biến thuỷ sản, nông sản, dừa… Năng lượng tái tạo cũng là một động lực tăng trưởng mới của tỉnh. Tỉnh có Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất Hydro xanh. Về hạ tầng, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông (sớm hoàn thành cầu Rạch Miễu 2; tuyến đường ven biển). Phát triển 40 dự án đô thị đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thông qua, theo định hướng là điều tiết phát triển đều ở các huyện, thành phố…
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Vĩnh phát biểu xoay quanh vấn đề cầu Rạch Miễu 2. Ảnh: Hữu Hiệp
Để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre nhanh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao mức sống của người dân, mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng, sớm đạt mục tiêu đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực và của cả nước, UBND tỉnh Bến Tre kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ các kiến nghị liên quan tới chỉnh lý hồ sơ địa chính đất lúa, đất rừng, đất quốc phòng… Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tỉnh, sớm triển khai dự án tuyến đường ven biển; đồng thời, đồng thuận cho tỉnh triển khai hoạt động lấn biển, mở rộng không gian phát triển tỉnh…
Phát biểu của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương. Ảnh: Hữu Hiệp
Trao đổi tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự trăn trở đối với động lực mới cho sự phát triển của Bến Tre. Theo Thủ tướng Chính phủ, dịch bệnh Covid-19, khủng hoảng chính trị trên thế giới… buộc các địa phương phải có cách ứng xử mới, theo đó, việc xác định động lực mới là vấn đề rất quan trọng hiện nay.
Kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đã phấn đấu đạt những kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh, điều kiện tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Hữu Hiệp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý: Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, với Bến Tre để tổng hợp các ý kiến, sớm hoàn chỉnh trình Chính phủ ban hành thông báo kết luận của buổi làm việc. Thủ tướng nhận định những lợi thế của Bến Tre có vị trí đặc biệt trong kết nối giao thông đường bộ, điều kiện thuận lợi phát triển các ngành kinh tế biển, đất nông nghiệp phù sa phì nhiêu; rừng ngập mặn rộng lớn. Bên cạnh, văn hóa đa dạng, phong phú, văn minh sông nước độc đáo là cơ hội, tiềm năng lớn phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái.
Tuy nhiên, tỉnh lại có những trở ngại là vùng đất cù lao chia cắt về giao thông, khó khăn về hạ tầng giao thông; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao… Do đó, tỉnh cần tăng tốc, nỗ lực để bù lại những điểm tỉnh chưa đạt được do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Bám sát những NQ của Đảng, NQ 13 về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cơ cấu lại nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững; nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, công nghiệp mà tỉnh đã có kế hoạch, trong đó, tập trung đa dạng hóa cây dừa, tăng năng suất con tôm; về dịch vụ khai thác lợi thế tối đa vùng sông nước, truyền thống văn hóa, lịch sử; hiện đại hóa nông thôn.
Xác định ưu tiên chiến lược, nhất là hạ tầng. Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bến Tre rà soát lại với các trường cao đẳng để nâng cấp các trường, đề xuất thành lập trường đại học; nâng cấp các trường nghề. Đột phá về thể chế, cần rà soát lại để đề xuất với Chính phủ.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc. Ảnh: Hữu Hiệp
Tỉnh phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, phát huy vùng đất, con người của địa phương. Linh hoạt, sáng tạo, đoàn kết thống nhất, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình thực tiễn. Tăng cường kết nối vùng, bám sát thực tiễn.
Tăng tiêu dùng trong nội địa; đầu tư công quyết liệt, mãnh mẽ, thu hút được đầu tư tư nhân vào ngành chế biến nông sản, tăng xuất khẩu. Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển; quy hoạch, xác định lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Nâng cao hiệu quả đánh bắt, phát triển nuôi trồng gắn với chế biến, xuất khẩu, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Đồng thời, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia, không dàn trải.
Tăng cường hợp tác, liên kết vùng, trọng tâm là tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long (Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang) để mở rộng, tối ưu hóa nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh; chú trọng xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản của Bến Tre. Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và theo chuỗi (cây dừa); phát triển các sản phẩm OCOP.
Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, hỗ trợ nông nghiệp, ngành công nghiệp có lợi thế, tạo tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tập trung phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút các dự án công nghiệp; chú trọng các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, thân thiện môi trường. Đa dạng hóa nguồn lực và phương thức đầu tư cho phát triển hạ tầng chiến lược. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh với lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Hữu Hiệp
“Tin tưởng với định hướng, chiến lược phát triển đúng đắn, cùng với sự tâm huyết, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh, Bến Tre sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, tư duy đột phá, “đứng dậy” làm chủ và “vươn lên” mạnh mẽ, làm nên cuộc “Đồng khởi mới” để Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Liên quan đến đề xuất của Bến Tre về việc lấn biển, Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến, phát triển về hướng Đông là định hướng đúng. Tuy nhiên, việc lấn biển cần cân nhắc, tính toán thận trọng bởi sẽ có những tác động nhất định đến môi trường. Bên cạnh đó, nguồn vốn để lấn biển cũng cần phải tính đến. Thủ tướng đề nghị trước mắt cần tập trung khai thác hết các lợi thế trong đất liền, tự nhiên sẵn có. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành xem xét giải quyết các kiến nghị của tỉnh về quy hoạch điện, giao thông, cầu Rạch Miễu, đường ven biển….
Ánh Nguyệt