 |
Giá sách đầy bụi bặm, chứng tỏ đã lâu không phục vụ bạn đọc |
Kho sách của TP. Bến Tre chỉ vỏn vẹn trên 2.000 bản sách, tất cả đều là sách được cho, bụi bặm và cũ. Vì thế, nơi đây chỉ được gọi là “phòng đọc” thay vì thư viện, nhiều năm trôi qua phòng đọc này vẫn luôn đóng cửa.
Vì sao thành phố
không có thư viện?
Toàn tỉnh hiện có 9 thư viện huyện, thành phố (mỗi thư viện
huyện, thành phố chỉ có một cán bộ), kinh phí hoạt động nằm trong kinh phí sự
nghiệp của trung tâm văn hóa - thể thao (VH-TT) các huyện, thành phố. Các thư
viện này có tổng cộng 72.923 tài liệu; báo, tạp chí có từ 6 - 25 loại; số sách
bổ sung trung bình hàng năm từ 200 - 350 tài liệu cho mỗi thư viện; phục vụ bạn
đọc trung bình 70 ngàn lượt/năm. Nhưng trên thực tế, thư viện thành phố chỉ tồn
tại trên danh nghĩa, cơ bản là một phòng đọc sách đã đóng cửa nhiều năm, không
tiếp bạn đọc, với số sách vỏn vẹn trên 2.000 bản (trích từ Đề án phát triển
ngành thư viện đến năm 2020 của UBND tỉnh ban hành năm 2014).
Chị Cao Hồng Liên, một cán bộ công tác nhiều năm ở thư viện
TP. Bến Tre cho biết: “Thư viện TP. Bến Tre thành lập năm 1984. Tôi tiếp nhận
công việc cán bộ thư viện vào năm 1992. Khoảng vài năm sau do bạn đọc ngày càng
ít nên thành phố có chủ trương cho hết 6.000 - 7.000 bản sách đang có, giống
như giải tán thư viện. Lúc này, thư viện chỉ còn lại một ít sách phục vụ bạn đọc
là học sinh, giáo viên, cán bộ và gọi là phòng đọc sách cho đến nay”.
Từ đó, chị Cao Hồng Liên được kiêm thêm nhiệm vụ văn thư
lưu trữ của Trung tâm VH-TT. Phòng đọc này số lượng sách rất hạn chế (do nhà xuất
bản cho), nên phải mượn sách của thư viện tỉnh để luân chuyển xuống xã, phường.
Toàn thành phố có khoảng 40 tủ sách bao gồm: tủ sách pháp luật, tủ sách bưu điện
văn hóa, tủ sách nơi thờ tự, tủ sách văn hóa, tủ sách các cơ quan, ban, ngành
và thư viện trường học.
Trao đổi với chị Lê Thị Thanh Huệ - Giám đốc Trung tâm
VH-TT thành phố, được biết phòng đọc sách hiện tại dùng chung làm phòng họp của
trung tâm và đóng cửa đã nhiều năm. Dự kiến cuối tháng 9 này, trung tâm sẽ dời
về trụ sở mới, phòng đọc sách cũng được bố trí mới khoảng 76m2, có bàn ghế, giá
sách, tủ sách. Kinh phí bổ sung sách hàng năm là không có, trung tâm chỉ đặt
mua một số báo, tạp chí.
Bài toán chưa lời giải
Mỗi tủ sách phục vụ một số đối tượng nhất định. Ông Dương
Ngọc Bình ngụ Phường 2, là hội viên đình An Hội (Phường 2, TP. Bến Tre) cho biết:
“Tủ sách đình An Hội có mặt khoảng 2 năm nay, với hơn 100 bản sách, phục vụ cho
người buôn bán và người lớn tuổi, tôi đã đọc được 2/3 số sách ở đây. Tôi thường
đến mượn sách về đọc mà không đến thư viện tỉnh vì mượn thư viện hạn trả ngắn
ngày, phải có thẻ và đi theo giờ họ mở cửa. Còn với tủ sách của đình, tôi rảnh
giờ nào thì lên mượn, tôi bận buôn bán nên đọc một quyển sách cũng mất mấy tuần,
chừng nào đọc xong thì trả. Cần phát huy thêm nhiều tủ sách, luân chuyển nhiều
sách để phục vụ người dân vì đó là món ăn tinh thần bổ ích”.
Một số ý kiến cho rằng, do địa bàn thành phố đã có thư viện
tỉnh, người dân dễ dàng tiếp cận công nghệ thông tin nên thành phố không cần
thư viện riêng. Được biết, theo Quyết định số 49/2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa
- Thông tin, chức năng của thư viện huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh
là đơn vị sự nghiệp văn hóa - thông tin, do UBND cấp huyện thành lập; có chức
năng xây dựng và tổ chức việc sử dụng chung vốn tài liệu thư viện phục vụ nhiệm
vụ xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa
phương. Tùy theo quy mô tổ chức, hoạt động và điều kiện cụ thể của từng địa
phương, thư viện cấp huyện có thể trực thuộc UBND cấp huyện hoặc trung tâm
VH-TT.
Thư viện cấp huyện, thành phố có nhiệm vụ tổ chức phục vụ
và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người đọc sử dụng vốn tài liệu thư viện, tổ
chức các hình thức phục vụ, mở cửa thư viện theo ngày, giờ nhất định, phù hợp với
điều kiện công tác, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân địa phương. Xây dựng vốn
tài liệu phù hợp với trình độ, nhu cầu của nhân dân, với đặc điểm và yêu cầu
phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương. Thường xuyên tổ chức các
hoạt động thông tin, tuyên truyền giới thiệu sách, báo để thu hút người đọc đến
sử dụng vốn tài liệu thư viện; tổ chức các đợt vận động đọc sách, báo; xây dựng
phong trào và hình thành thói quen đọc sách, báo trong nhân dân địa phương.
Tham gia xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện, phòng đọc sách; hướng dẫn
nghiệp vụ cho các thư viện, phòng đọc sách trên địa bàn. Từng bước triển khai ứng
dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của thư viện…
Bà Huỳnh Duy Bích Thủy - Phó giám đốc Thư viện Nguyễn
Đình Chiểu tâm tư: Thành phố không có thư viện, do đó mọi hoạt động cần đến
sách đều phải nhờ thư viện tỉnh hỗ trợ. Thư viện cấp huyện, thành phố có chức
năng khác với thư viện cấp tỉnh, chúng tôi không thể nào phục vụ chu đáo cho 17
xã, phường với khoảng 40 tủ sách của thành phố. Mặt khác, một số dự án đến Bến
Tre như dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng
tại Việt Nam” do Bill & Melinda Gates Foundation (BMGF) tài trợ đến năm
2017 kết thúc, họ sẽ trao tặng hết số máy tính, máy in, camera cho mình, TP. Bến
Tre đã từ chối không nhận (do có những khó khăn riêng về cơ sở vật chất, kinh
phí duy trì hoạt động), còn lại tất cả các huyện đều nhận. Cũng theo bà Thủy,
khi kết thúc dự án cũ, nhà tài trợ sẽ có dự án mới, việc thành phố không có thư
viện là một thiệt thòi.
Theo lộ trình đầu tư xây dựng
thư viện thuộc Đề án phát triển ngành thư viện đến năm 2020 được UBND tỉnh
ban hành ngày 29-8-2014, đến năm 2020, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng thư viện tỉnh
và 6 thư viện cấp huyện là Giồng Trôm, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú,
Bình Đại, Mỏ Cày Nam, đồng thời cải tạo chống xuống cấp 2 thư viện Ba Tri và
Chợ Lách với tổng kinh phí 85 tỷ đồng. Trong đó không có đề cập đến thư viện
TP. Bến Tre. |