Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn liền với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương

04/12/2024 - 12:36

BDK.VN - Năm 2024, các cấp ủy, chính quyền nỗ lực, đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy, Chương trình công tác dân vận năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đời sống Nhân dân được cải thiện tích cực. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, đảm bảo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

Kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

Năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định về dân chủ gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được cụ thể hóa, triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực. Nhân dân đồng thuận với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, đô thị văn minh, các phong trào an sinh xã hội, đặc biệt là khi cấp ủy đảng, chính quyền triển khai xây dựng các công trình giao thông nông thôn với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” được người dân đồng thuận cao và tích cực tham gia hưởng ứng thực hiện.

Các nội dung công khai, hình thức công khai để dân biết được cấp ủy, UBND cấp xã, phường, thị trấn thực hiện đầy đủ, kịp thời tại Điều 11, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận và hiểu rõ những nội dung liên quan đến chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, các quyết định của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các quy định về thủ tục hành chính giải quyết các công việc liên quan đến Nhân dân; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Các nội dung trong thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới (NTM) được Nhân dân bàn, thảo luận và tích cực tham gia ý kiến, đóng góp nhiều giải pháp hay, linh hoạt; huy động Nhân dân đóng góp với số tiền 120,804 tỷ đồng và hiến 197.503 m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng. Các cấp ủy, chính quyền quan tâm tổ chức tọa đàm dân chủ gắn với các tiêu chí xây dựng NTM, góp phần xây dựng xã NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Công tác giảm nghèo được thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp thiết thực, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi người có công và công tác chăm lo cho các đối tượng. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, bình đẳng giới được quan tâm thực hiện tốt.

Việc tổ chức cho người dân bàn và tham gia ý kiến, biểu quyết trước khi cấp có thẩm quyền quyết định đã được thực hiện khá tốt. Các công trình, dự án liên quan đến lợi ích của người dân đều được các cấp chính quyền quan tâm, phối hợp với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động, lấy ý kiến Nhân dân, tạo được sự đồng thuận của người dân trước khi thực hiện.

Việc thực hiện nội dung Nhân dân giám sát thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng từng bước đi vào nề nếp, đã thực hiện 2.301 cuộc giám sát. Qua giám sát, Nhân dân đã phát hiện, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kịp thời những yêu cầu, đề xuất chính đáng của Nhân dân, từ đó hạn chế tình trạng khiếu nại, thắc mắc trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo niềm tin trong Nhân dân.

Về xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Bến Tre đến năm 2030, đã xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về các phương án sắp xếp ĐVHC và phát triển đơn vị hành chính đô thị đến năm 2030, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm 2024. Ban hành quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã đối với 3 xã. Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận 46 xã an toàn khu và 5 vùng an toàn khu, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 57 xã an toàn khu và 6 vùng an toàn khu.

Công tác tiếp công dân, đối thoại với Nhân dân của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được tổ chức thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai, dân chủ, đúng pháp luật, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân; lắng nghe và quan tâm giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị, bức xúc của Nhân dân. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng và triển khai thực hiện các quy chế, quy định theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc; chủ động cụ thể hóa văn bản cấp trên và tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương.

Thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị

Cùng với thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị  được tập trung thực hiện. Các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là việc thực hiện công khai, dân chủ các chế độ, chính sách; rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn chỉnh các quy định, quy chế làm việc cho phù hợp với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị.

Tổ chức thực hiện tốt dân chủ trong hoạt động nội bộ của cơ quan, đơn vị và dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan; phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện các nội dung công khai tại cơ quan, đơn vị; 1.047/1.047 cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định. Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân; tinh thần chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.

Công tác cải cách hành chính (CCHC) và cải cách chế độ công vụ, công chức được các cấp chính quyền tăng cường thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. UBND tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án CCHC giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh vào nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đảm bảo đúng kế hoạch, lộ trình đã đề ra; trong năm 2024, sắp xếp giảm được 7 đơn vị sự nghiệp công lập. Công tác tổ chức, bộ máy được tập trung thực hiện nghiêm túc theo Nghị định số 107, 108 và 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã sắp xếp được 26 đầu mối thuộc sở. Năm 2023, kết quả đánh giá Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh đứng vị trí thứ 52/61 tỉnh/thành. Ban hành phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của tỉnh giai đoạn 2023 - 2025; nội dung sắp xếp ĐVHC cấp xã đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, sau khi sắp xếp, tỉnh Bến Tre có 148 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 132 xã, 6 phường, 10 thị trấn (giảm 9 đơn vị).

Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng và triển khai thực hiện các quy chế, quy định theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc, chủ động cụ thể hóa văn bản cấp trên và tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị.

Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ quan, đơn vị hoạt động có hiệu quả, xây dựng mối liên hệ và phối hợp chặt chẽ với người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan, đơn vị, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định; thực hiện tốt việc giám sát dân chủ ở cơ quan, đơn vị, nhất là giám sát việc thực hiện quy chế, nội quy cơ quan, chi tiêu nội bộ,...

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị được thực hiện gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tác động tích cực đến việc thay đổi phong cách lãnh đạo, điều hành luôn bám vào quy chế, các vấn đề quan trọng được tập thể bàn bạc thống nhất trước khi thực hiện; cải tiến lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; ý thức trách nhiệm, tinh thần làm việc được nâng lên rõ rệt; thực thi nhiệm vụ với chất lượng, hiệu quả ngày càng tốt hơn; việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí được các cơ quan, đơn vị quan tâm tiếp tục thực hiện.

Thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động

Các doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH triển khai, quán triệt và thực hiện tốt các quy định mới về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Hướng dẫn số 11/HD-TLĐ, ngày 14-3-2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc Công đoàn tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở. Có 7/7 doanh nghiệp nhà nước tổ chức hội nghị người lao động và ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; có 7/7 doanh nghiệp nhà nước ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Các quy định, quy chế của công ty, doanh nghiệp từng lúc được chấn chỉnh, bổ sung phù hợp với điều kiện lao động. Qua đó, tạo sự đoàn kết và xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị và hạn chế tình trạng đình công, lãn công, khiếu nại; trong năm, chưa phát sinh vụ việc đình công, lãn công theo quy định của pháp luật.

Người sử dụng lao động chủ trì, phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn, đại diện tập thể lao động tại cơ sở tổ chức hội nghị người lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể để trao đổi, thảo luận về các vấn đề sản xuất, kinh doanh, việc thực hiện hợp đồng lao động, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc. Từ đó, các doanh nghiệp đã giải quyết những kiến nghị chính đáng của người lao động, đặc biệt là các chế độ liên quan đến tiền lương, bảo hiểm, nghỉ đau ốm, thai sản,...; xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

 Bài, ảnh: Huỳnh Long

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN