Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Hải Châu phát biểu tại buổi toạ đàm.
Đại tá Phạm Văn Ngót - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Đảng ủy Công an tỉnh cho rằng, mô hình “Công tác phối hợp với UBKT cấp trên trong triển khai công tác kiểm tra, giám sát (KT, GS) theo chương trình KT, GS của Đảng ủy Công an tỉnh thời gian qua là có hiệu quả. Thời gian qua, tình hình cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) của Đảng bộ Công an tỉnh sai phạm bị xử lý kỷ luật được kéo giảm, tuy nhiên tính chất, mức độ sai phạm nghiêm trọng, nhiều trường hợp là cán bộ lãnh đạo chỉ huy cấp đội, cán bộ có cấp bậc hàm cao. Nội dung sai phạm chủ yếu là vi phạm về đạo đức, lối sống, quy trình công tác, vi phạm chính sách dân số và mất thẻ đảng viên, thẻ ngành.
Để kéo giảm tỷ lệ CB, ĐV sai phạm bị xử lý kỷ luật, Đảng ủy Công an tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như sau: Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CB, ĐV. Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc thực hiện nghiêm quy chế làm việc, nội dung, quy trình sinh hoạt cấp ủy, chi bộ. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong tổ chức và sinh hoạt Đảng như tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ CB, ĐV. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ CB về mọi mặt, nhất là CB lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp. Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, KT, GS, bảo đảm chủ động, kịp thời, khách quan, mang tính giáo dục cao, lấy phòng ngừa sai phạm là chính; đúng theo phương châm “GS mở rộng - KT có trọng tâm, trọng điểm”, tập trung thanh tra, KT các lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tiêu cực, sai phạm; đặc biệt chú trọng KT ĐV khi có dấu hiệu vi phạm.
Theo Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Chợ Lách Lê Văn Tùng, cần đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Các cơ quan, đơn vị ngành huyện, các xã, thị trấn cần quản lý chặt chẽ ĐV nơi công tác gắn với việc nhận xét, đánh giá CB, công chức, viên chức phân tích chất lượng ĐV bảo đảm đúng thực chất. Định kỳ hàng quý, UBKT báo cáo tình hình ĐV bị xử lý kỷ luật, đề xuất thường trực cấp ủy chỉ đạo. Các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT, trước hết là người đứng đầu cấp ủy quan tâm quán triệt về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý, giáo dục ĐV, xây dựng đội ngũ CB, ĐV và tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Xử lý kịp thời từ khi mới có biểu hiện vi phạm và chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Thực hiện tốt các nội dung về công tác tổ chức, CB, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu CB ứng cử, đảm bảo đúng quy trình, quy định, đúng người, đúng chức danh, đi liền với tăng cường KT công tác CB, không để tình trạng có biểu hiện chạy chức, chạy quyền. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KT, GS. Cấp ủy, UBKT các cấp và chi bộ xử lý công minh, chính xác, kịp thời vi phạm của ĐV, xem đây là một trong những giải pháp nhằm giáo dục, thuyết phục để phòng ngừa vi phạm, tích cực góp phần kéo giảm tổ chức đảng, ĐV vi phạm kỷ luật.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú, huyện Châu Thành Trần Thanh Hùng, để thực hiện đồng bộ các giải pháp kéo giảm tỷ lệ ĐV vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, trong thời gian tới, Đảng ủy xã Tân Phú đề xuất một số giải pháp thực hiện như sau: Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới”; Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy “Về tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ CB, ĐV”, gắn với đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, XIII tiếp tục nhân rộng nhiều mô hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Củng cố kịp thời tổ chức đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở các chi bộ trực thuộc, nhất là đối với hoạt động của chi bộ và hệ thống chính trị ấp. Nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chuyên đề, lựa chọn nội dung sinh hoạt phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình cụ thể của từng chi bộ để việc sinh hoạt chuyên đề đi vào nền nếp, đạt hiệu quả cao. Coi trọng công tác phân tích, đánh giá chất lượng CB, ĐV. Thực hiện tốt KT ĐV có dấu hiệu vi phạm để góp phần ngăn ngừa ĐV vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, đồng thời kiên quyết và kịp thời xử lý các trường hợp ĐV sa sút ý chí phấn đấu, không còn tha thiết với đảng, không để tồn đọng kéo dài.
Theo Phó bí thư Đảng ủy - Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy thị trấn Bình Đại Nguyễn Thiện Nhân, để thực hiện nhiệm vụ giải pháp KT, GS khi có dấu hiệu vi phạm, chủ động phòng ngừa ĐV vi phạm đến mức xử lý kỷ luật, UBKT Đảng ủy cần phân tích, sàng lọc để xác định đối tượng, dấu hiệu, biểu hiện có thể dẫn đến vi phạm để tiến hành KT khi có dấu hiệu vi phạm nhằm ngăn chặn, phòng ngừa. Phối hợp với các tổ chức đảng nắm chắc tình hình ĐV, nhất là những trường hợp ĐV có dấu hiệu buông lơi sinh hoạt Đảng, buông bỏ nhiệm vụ, qua đó để giáo dục, động viên, tạo điều kiện giúp ĐV đó an tâm vượt qua khó khăn, hoặc tiến hành KT để uốn nắn, nhắc nhở. Mặt khác, phối hợp với chi ủy theo dõi, tìm hiểu việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm cuối năm hoặc qua việc thực hiện thông báo kết luận KT đối với ĐV được KT chấp hành để có giải pháp ngăn chặn phát sinh sai phạm.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do ĐV đều tốt”. Do đó, để tiếp tục xây dựng và phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ CB, ĐV, đồng thời hạn chế thấp nhất tỷ lệ ĐV vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong thời gian tới, các cấp ủy tiếp tục nâng cao nhận thức trong việc lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác KT, GS và thi hành kỷ luật trong Đảng; thực hiện toàn diện các nhiệm vụ KT, GS theo quy định của Điều lệ Đảng, đặc biệt là KT, GS các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, các vấn đề nổi cộm, dư luận quan tâm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, thực hiện tốt các nguyên tắc sinh hoạt Đảng. Nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, tự giác của CB, ĐV, nhất là CB chủ chốt, người đứng đầu. Chấn chỉnh, củng cố, kiện toàn các tổ chức cơ sở đảng sa sút, yếu kém, có dấu hiệu mất đoàn kết. Quản lý chặt chẽ ĐV nơi công tác và nơi cư trú gắn với việc nhận xét, đánh giá CB, công chức, viên chức phân tích chất lượng ĐV bảo đảm đúng thực chất”.
(Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến)
|
Bài, ảnh: Thu Huyền