Thực hiện đồng bộ giải pháp giảm nghèo bền vững 

16/08/2024 - 21:09

BDK.VN - Chiều 16-8-2024, đoàn giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về giảm nghèo của Văn phòng Quốc gia giảm nghèo thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) do Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ LĐ-TB&XH Phí Mạnh Thắng làm trưởng đoàn tiến hành giám sát CTMTQG về giảm nghèo tỉnh.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo.

Tiếp và làm việc với đoàn có Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thành Thưởng cùng lãnh đạo và đại diện lãnh đạo một số sở ngành tỉnh có liên quan.

Tại buổi giám sát, đoàn nghe báo cáo đánh giá kết quả thực hiện CTMTQG về giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Đoàn đặc biệt quan tâm kết quả cụ thể của các dự án, tiểu dự án hỗ trợ của chương trình, những khó khăn trong thực hiện giải ngân cho các dự án. Đồng thời lắng nghe ý kiến từ các đơn vị thực hiện dự án.

Qua nắm tình hình Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ LĐ-TB&XH Phí Mạnh Thắng đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã chung tay thực hiện có hiệu quả CTMTQG giảm nghèo.

Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Phí Mạnh Thắng phát biểu tại buổi giám sát.

Định hướng triển khai thực hiện tốt CTMTQG về giảm nghèo giai đoạn mới, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo lưu ý tỉnh cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Trong đó, ưu tiên, tập trung thực hiện tốt CTMTQG về giảm nghèo, đặc biệt việc giải ngân các nguồn vốn đã được hỗ trợ từ chương trình. Thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo khác để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 đã được Chính phủ phê duyệt.

Rà soát lại toàn bộ các dự án, nội dung hoạt động của chương trình đã được phân bổ nguồn vốn năm 2024 theo hướng với những dự án nào đang triển khai cần tăng tốc triển khai. Những dự án có đủ điều kiện tổ chức thực hiện phải thực hiện ngay, dự án còn khó khăn vướng mắc về quy trình, thủ tục… phải có giải pháp xử lý, tháo gỡ ngay. Đặc biệt phải phấn đấu đến hết tháng 12-2024, tối thiểu giải ngân 95% tổng nguồn vốn được giao theo yêu cầu của Chính phủ. Tiếp tục quan tâm, đầu tư hỗ trợ các cơ sở hạ tầng, sinh kế, việc làm cho người dân ở các xã đã thoát khỏi xã khó khăn để người dân có sinh kế, thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, tỉnh tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối, quản lý thực hiện CTMTQG về giảm nghèo trên địa bàn. Chương trình đảm bảo thực hiện có hiệu quả, đúng mục đích được phê duyệt. Trong năm 2024, tổng kinh phí thực hiện chương trình trên 1.180 tỷ đồng.

Các dự án, tiểu dự án thuộc CTMTQG giảm nghèo trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả. Hầu hết các dự án hỗ trợ thuộc chương trình đã chuyển kinh phí cho các huyện, thành phố. Đánh giá mức độ giải ngân từ 50% đến gần 90%. Riêng tiểu dự án 2 về cải thiện dinh dưỡng, dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình… giải ngân đạt gần 10 đến 30%. Dự kiến đến cuối năm các dự án giải ngân đạt 100%.

Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là chính sách tín dụng ưu đãi, việc làm, nhà ở, giáo dục, y tế, nước sạch… đã giúp cho người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Qua thời gian triển khai thực hiện chương trình, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn giảm 3,69% so với năm 2021 (từ 9,08% xuống còn 5,39%). Đến cuối tháng 4-2024, tỉnh có 4/21 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển được công nhân thị trấn và xã đạt chuẩn nông thôn mới (thị trấn Tiệm Tôm huyện Ba Tri, xã An Thuận, Bình Thạnh, Mỹ Hưng huyện Thạnh Phú).

Tin, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN