Thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới

05/08/2019 - 07:01

BDK - Theo Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy, đến năm 2020, ngoài các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), các xã còn lại đạt ít nhất 10 tiêu chí (TC), trong đó phấn đấu cơ bản đạt 4 TC: giao thông, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng và an ninh. Với mục tiêu này, các địa phương đã tập trung thực hiện Nghị quyết số 03, trong đó có TC thu nhập gắn với Kết luận số 30-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 (Đề án sinh kế).

Tư vấn, tạo điều kiện cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động là giải pháp giảm nghèo hiệu quả của nhiều địa phương.

Tư vấn, tạo điều kiện cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động là giải pháp giảm nghèo hiệu quả của nhiều địa phương.

Cách làm hiệu quả

Là một trong những xã điểm được tỉnh đầu tư triển khai Đề án sinh kế, thời gian qua, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm thực hiện có hiệu quả đề án này. Chủ tịch UBND xã Bùi Thành Hiếu cho biết: Năm 2016, qua rà soát, xã có 196 hộ nằm trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Khi áp dụng triển khai thực hiện đề án, qua vận động có 96 hộ đăng ký tham gia, với 4 mô hình như chăn nuôi bò, dê, may gia công và xuất khẩu lao động. Còn lại 100 hộ không tham gia mô hình nhưng đề nghị địa phương hỗ trợ việc làm. Sau 3 năm thực hiện đề án, xã có 70/96 hộ thoát nghèo, hiện đang phấn đấu đến cuối năm 2019, 26 hộ còn lại sẽ thoát nghèo.

Chia sẻ về giải pháp thực hiện, ông Bùi Thành Hiếu cho rằng: Công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân là quan trọng nhất. Đối với những hộ nghèo có người trong độ tuổi lao động, địa phương tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng để tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ). Xã đã vận động đưa trên 30 trường hợp tham gia XKLĐ. Những trường hợp không tham gia XKLĐ, không tham gia đề án, xã phối hợp với ngành chức năng đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.

Xã Tân Trung (Mỏ Cày Nam) cũng là địa phương thực hiện có hiệu quả Đề án sinh kế gắn với xây dựng NTM. Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Huỳnh Văn Thanh cho biết: Trong 3 năm qua, xã phối hợp với Dự án AMD xây dựng các tiểu dự án cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ để các hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn phát triển kinh tế. Nhờ đó, hộ nghèo xã giảm, hiện còn 90/2.460 hộ, tỷ lệ 3,66%.

Theo Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thành Thưởng, qua 3 năm triển khai thực hiện, đề án sinh kế được HĐND tỉnh đánh giá là hiệu quả, mang tính nhân văn. Đề án đã giúp 8.408/15.858 hộ thoát nghèo (đạt tỷ lệ 53%). Quan điểm và mục tiêu đề án thể hiện cách tiếp cận mới đối với người nghèo. Các giải pháp của đề án đề ra khoa học; trong thực hiện có phân công nhiệm vụ cụ thể. Cùng với đó là sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Ý thức vươn lên thoát nghèo của người nghèo được phát huy. Năng lực về công tác giảm nghèo của cán bộ, chính quyền cơ sở cũng được nâng lên. 

Các giải pháp hợp lý

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Dương Văn Phúc cho biết: Huyện đã tập trung thực hiện công tác giảm nghèo theo Đề án sinh kế đạt nhiều kết quả quan trọng. “Trên địa bàn huyện có một số hộ tham gia đề án nhưng khi đến vận động xây dựng đề án thì phát hiện số hộ này không đúng đối tượng theo yêu cầu của đề án. Huyện đã rà soát, điều chỉnh 123/1.559 hộ tham gia đề án và sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đến thời điểm này, huyện còn 3,43% hộ nghèo”, ông Dương Văn Phúc nhấn mạnh.

Để đề án đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thành Thưởng lưu ý: Các địa phương cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền rộng rãi đến người dân, nhất là hộ nghèo hiểu đầy đủ hơn về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện đề án sinh kế. Trong công tác tuyên truyền cần thực hiện đa dạng các giải pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, khơi dậy khát vọng thoát nghèo. Đồng thời, huy động sức mạnh của cộng đồng xã hội phê phán tư tưởng dựa dẫm vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ người nghèo. Nâng cao chất lượng các buổi họp mặt, đối thoại với hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó chú trọng công tác tư vấn, vận động đối tượng tham gia XKLĐ.

Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên ban chỉ đạo đề án, nhất là ban chỉ đạo cấp xã phải nắm được hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng hộ nghèo để xây dựng kế hoạch hỗ trợ sinh kế phù hợp. Kịp thời nhân rộng cách làm hay, các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Thực hiện tốt chính sách dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Khuyến khích người lao động tham XKLĐ. Từng địa phương phải kết nối các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn để tạo việc làm cho lao động địa phương, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, nhất là cấp cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện đề án.

Bài, ảnh: Phạm Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN