 |
Nhân dân xã Tam Phước (Châu Thành) họp bàn việc làm lộ giao thông của xã. Ảnh: K.Thanh |
Quán triệt tinh thần nội dung Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Tỉnh ủy đã đề ra kế hoạch 10-KH/TU, tập trung chỉ đạo triển khai quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. 100% tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn triển khai quán triệt Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị, các Nghị định của Chính phủ, Pháp lệnh 34 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (khóa XI) về thực hiện dân chủ xã, phường, thị trấn.
Đến nay, có 160/164 xã, phường xây dựng quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; 905/938 số ấp, khu phố đã xây dựng và thực hiện quy ước nông thôn. Trong thực hiện, nhiều cơ sở Đảng phân công đảng viên phụ trách và sinh hoạt tổ nhân dân tự quản, vừa là hạt nhân lãnh đạo quần chúng thực hiện qui chế dân chủ, vừa chịu sự giám sát của quần chúng; đồng thời tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tham gia tích cực các phong trào hành động ở địa phương. Người dân thông qua tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý và bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND; cán bộ chính quyền các cấp cũng quan tâm lắng nghe và tích cực hơn trong việc giải quyết tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt là phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thực hiện ngày càng tốt hơn, đã phát huy được sức mạnh của nhân dân tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến nhu cầu cuộc sống của nhân dân. Ý thức tự chủ của người dân ngày càng rõ hơn, cụ thể như nhân dân tham gia các phong trào đóng góp xây dựng giao thông nông thôn, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa… Từ năm 1998 đến nay, tỉnh đã huy động xây dựng trên 18.000 km đường nông thôn; xây dựng trên 8.000 nhà tình nghĩa, tình thương, với số tiền nhân dân đóng góp trên 100 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 75/164 xã văn hóa, 905/938 ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hóa, trên 98% gia đình văn hóa. Qua đó, đã góp phần làm cho bộ mặt kinh tế - văn hóa nông thôn không ngừng khởi sắc.
Hoạt động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp đều gắn nội dung thực hiện quy chế dân chủ cơ sở với cải cách hành chính. Toàn tỉnh có 499/532 cơ quan xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ. Dân chủ đối với nội bộ cơ quan, vai trò trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng đơn vị được nâng cao trong quản lý điều hành. Lề lối làm việc của các cơ quan được cải tiến, quyền làm chủ của đảng viên, công chức trong cơ quan được phát huy; thực hiện khá tốt các vấn đề cán bộ công chức được biết, được bàn, được quyền kiểm tra, giám sát. Qua đó, đã phát huy tối đa trí tuệ tập thể trong việc tham gia bàn bạc, quyết định các vấn đề quan trọng của cơ quan như: chương trình, kế hoạch công tác, xây dựng cơ quan văn hóa, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quan liêu, quy chế chi tiêu nội bộ. 100% chi bộ xây dựng quy chế làm việc; 100% cơ quan hành chính, sự nghiệp thực hiện cơ chế “một cửa” công khai các thủ tục hành chính đối với dân, tổ tiếp dân và giải quyết khiếu nại của dân… Đặc biệt, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được tập trung chỉ đạo giải quyết; trong 10 năm đã giải quyết được 9.874/10.002 đơn, đạt 98,72%. Nhiều cơ quan, đơn vị tích cực nghiên cứu, rút ngắn thời gian giải quyết các vụ việc, hồ sơ của dân. Có thể nói việc thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ quan hành chính là động lực để thúc đẩy từng đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị của và tạo sự đoàn kết thống nhất nội bộ ngày càng cao.
Các công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn đã triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ, quyền làm chủ của người lao động ngày càng được phát huy thông qua đại hội công nhân viên chức, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đại hội cổ đông… Các chế độ chính sách liên quan đối với người lao động như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động công tác đào tạo, bồi dưỡng đều được thực hiện tốt. Người lao động cũng nhận thức rõ hơn trách nhiệm và quyền lợi của mình, tích cực tham gia góp ý trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, tham gia các phong trào thi đua hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị với hiệu quả cao nhất.
Thời gian qua, dù đứng trước những khó khăn thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn tiếp tục phát triển, một số chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội đều đạt và vượt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, từ năm 2006 đến nay bình quân đạt 9,97%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 12,26 triệu đồng/người/năm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh đều đạt những kết quả đáng kể, góp phần thay đổi diện mạo quê hương, chất lượng cuộc sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Kết quả đó có phần đóng góp tích cực của việc thực hiện tốt quy chế dân chủ.
Tuy nhiên, công tác này cũng còn những hạn chế nhất định. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chưa thật sự nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, có nơi, có lúc dân chủ chưa được phát huy đúng mức. Các thiết chế dân chủ như: qui ước, qui chế làm việc, qui chế phối hợp, nhất là qui ước nông thôn chưa được chấn chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp với địa phương. Ban thanh tra nhân dân ở một số cơ quan đơn vị hoạt động còn hình thức, tổ nhân dân tự quản hoạt động chưa đều. Việc công khai thực hiện một số chính sách của Nhà nước, quyết định của chính quyền liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của dân ở một số cơ quan, doanh nghiệp, địa phương chưa đúng, tạo bức xúc cho người dân. Ý thức tự nguyện đóng góp phát triển giao thông nông thôn, xây dựng nếp sống văn hóa nông thôn, văn minh đô thị… của một bộ phận nhân dân chưa cao.
Hạn chế trên là do một số cấp ủy, chính quyền thiếu thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ. Vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập về nội dung quy chế dân chủ trong quần chúng thiếu sâu sát, đi vào từng đối tượng cụ thể. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, tiên phong trong phong trào vận động quần chúng; trình độ năng lực cán bộ còn hạn chế…
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện quy chế dân chủ một cách thiết thực, hiệu quả, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII). Các Chỉ thị, Thông báo của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với các chương trình trọng tâm của Tỉnh ủy; gắn thực hiện quy chế dân chủ đi đôi với việc đẩy mạnh các phong trào cách mạng ở cơ sở; tăng cường và nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp; thực hiện tốt việc công khai các công trình dự án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của dân để nhân dân tham gia ý kiến; đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính; bổ sung các qui ước, qui chế cho phù hợp với tình hình mỗi địa phương cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện quy chế dân chủ; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các Ban chỉ đạo và vai trò cá nhân thành viên Ban chỉ đạo các cấp.