Thương mại điện tử xuyên biên giới cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng và sản phẩm dừa

24/08/2023 - 10:56

BDK.VN - Sáng 24-8-2023, Sở Công Thương Bến Tre đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị “Thương mại điện tử xuyên biên giới cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng và sản phẩm dừa - Cơ hội tăng trưởng bứt phá”. Đến dự có Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương Lê Hoàng Oanh, Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Quỳnh Nga.

Đại biểu tham dự hội nghị.

Đại biểu tham dự hội nghị.

Hội nghị nhằm giúp các doanh nghiệp (DN), người kinh doanh có thể nhanh chóng tiếp cận thị trường và nắm bắt cơ hội đưa sản phẩm của mình vươn ra toàn cầu thông qua sàn thương mại điện tử quốc tế.

Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành phương thức kinh doanh nổi bật hiện nay. Có thể nói, thương mại điện tử xuyên biên giới như một cánh tay nối dài, hỗ trợ hữu hiệu cho kênh phân phối truyền thống, giúp các DN, hợp tác xã tìm kiếm được đầu ra cho sản phẩm tới các thị trường tiềm năng nhờ kết nối trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới, quảng bá trực tiếp thương hiệu DN tại thị trường nhập khẩu.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các chuyên gia đến từ Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ tổng quan về thương mại điện tử xuyên biên giới và cơ hội cho DN thủ công mỹ nghệ, quà tặng của Việt Nam; hành trình bán hàng và những lưu ý quan trọng khi kinh doanh trên Amazon. Các vấn đề về xây dựng và bảo vệ thương hiệu toàn cầu của Amazon; giải pháp hoàn thiện đơn hàng và những lưu ý khi kinh doanh trên Amazon; các câu chuyện thực tế trong quá trình đồng hành cùng DN khi kinh doanh trên Amazon. Đồng thời, các DN tham dự hội nghị đã được Amazon Global Seeling Việt Nam hỗ trợ kết nối bán hàng trên Amazon.

Việc tham gia vào hệ thống xuất, nhập khẩu trực tuyến, kênh thương mại điện tử xuyên biên giới giúp DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, giảm thiểu tối đa các chi phí mà hình thức xuất khẩu truyền thống đang phải gánh vác như: Chi phí marketing, lưu kho, tiếp cận khách hàng… cũng như tạo cơ hội cho các DN giao lưu, cọ sát thực tế, tiếp cận được với thị trường thế giới một cách chuyên nghiệp hơn, để hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng cao năng lực DN và giá trị chất lượng hàng hóa, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.

Tin, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN