Cơ cấu kinh tế Chợ Lách: nông nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Căn cứ tình hình thực tế, huyện Chợ Lách xác định cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo thứ tự ưu tiên: nông nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trong năm 2010, chỉ tiêu phấn đấu của huyện là: tốc độ tăng trưởng kinh tế 12,8% trở lên, thu nhập bình quân đầu người 16 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 – 3%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn 15%, tạo việc làm cho 3.200 lao động. Giữa năm 2010, 100% xã, thị trấn đạt danh hiệu văn hóa. Đến năm 2015, 90% tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy đạt trong sạch vững mạnh, 10% hoàn thành nhiệm vụ, 100% tổ chức đoàn thể huyện đạt vững mạnh, 95% xã, thị trấn vững mạnh.
Nhiệm kỳ 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện là 12%/năm trở lên. Đến cuối nhiệm kỳ, thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất kinh tế vườn đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: tiểu học 80%, THCS 50% và THPT 100%. Năm 2012, Chợ Lách phấn đấu đạt tiêu chí huyện văn hóa…
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be thống nhất cơ cấu kinh tế mà huyện đã xác định. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được xếp ở vị trí thứ 3 nhưng phải có giải pháp để phát triển, đặc biệt là công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Khu nông nghiệp kỹ thuật cao tiếp tục hoàn thiện để tập trung trí tuệ của nông dân và kỹ sư phổ biến rộng rãi ra dân. Bên cạnh việc khuyến khích người dân nhân rộng các chủng loại cây trồng, vật nuôi, huyện cần phải hỗ trợ đầu ra. Huyện cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút doanh nghiệp đầu tư khai thác tiềm năng du lịch. Các hợp tác xã cây giống cần củng cố và đảm bảo hoạt động đúng Luật Hợp tác xã. Về xây dựng hệ thống chính trị, huyện phải quan tâm và đảm bảo tính dân chủ. Về vấn đề cán bộ, huyện cần xây dựng đề án đội ngũ cán bộ phục vụ trước mắt và lâu dài. Thường trực Tỉnh ủy cũng lưu ý huyện việc hoàn chỉnh các bước để tiến đến đại hội, trong đó quan tâm nhất là nội dung văn kiện đảm bảo sát tình hình thực tế.
Mỏ Cày Bắc, quan tâm nâng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Trong năm 2010, các chỉ tiêu cơ bản huyện hướng đến là: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,46% trở lên, thu nhập bình quân đầu người từ 13 triệu đồng/năm trở lên, giới thiệu việc làm 2.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%; trên 90% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh, phát triển 170 đảng viên mới; xây dựng 2 xã văn hóa, 10 cơ sở thờ tự văn minh, 100% cơ quan văn hóa.
Định hướng đến năm 2015, Mỏ Cày Bắc có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12,12%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2- 3%/năm; trên 90% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh, phát triển 800 đảng viên mới. Phấn đấu đến năm 2012, huyện không còn gia đình chính sách và hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Năm 2015, Mỏ Cày Bắc đạt huyện văn hóa…
Định hướng về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị Mỏ Cày Bắc, Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be chỉ đạo: Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp đứng vị trí số 1 nhưng về lâu dài, huyện phải quan tâm nâng tỷ trọng công nghiệp. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở khu vực Khánh Thạnh Tân có quy mô lớn, đang có chiều hướng tăng về số lượng; khu công nghiệp Thanh Tân, Hòa Lộc đang nhen nhóm phát triển là những tiền đề tốt cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện. Về nông nghiệp, xã Phú Mỹ có ưu thế phát triển cây giống hoa kiểng; cây dừa ở Hòa Lộc và Tân Thành Bình cho trái có chất lượng cao; chăn nuôi heo huyện nên khuyến khích người dân phát triển đàn để chiếm tỷ trọng lớn trong nông nghiệp; khuyến khích người dân nuôi tôm càng xanh xen trong mương vườn dừa, nuôi bò và gà thả vườn… để tạo thêm thu nhập. Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với huyện Mỏ Cày Bắc khảo sát tình hình thực tế và lập dự án để được xem xét nguồn kinh phí đầu tư các công trình mang tính cấp thiết.
Giồng Trôm, cây dừa, lúa là cây chủ đạo trong nông nghiệp
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Giồng Trôm ngày 11-3, Thường trực Tỉnh ủy nhất trí các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cơ bản của huyện năm 2010-2015. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân từ 14 - 15%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt từ 25-26 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế khu vực I: 48,5%; khu vực II: 22,2%; khu vực III: 29,3%; tổng đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 1.956 tỷ đồng; đạt 99% hộ sử dụng điện, 85% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, 35% hộ sử dụng nước máy; hoàn thành bê-tông, nhựa hóa giao thông và xóa cầu tạm trên địa bàn huyện; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5-2%/năm; giải quyết việc làm cho 3.000 lao động/năm; xây dựng 100% xã, thị trấn văn hóa, 98% hộ gia đình văn hóa, 35% gia đình thể thao, xây dựng và hoàn chỉnh các tiêu chí huyện văn hóa; xây dựng 80% cơ sở Đảng trở lên trong sạch vững mạnh, 20% đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu và kết nạp 1.000 đảng viên mới.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đã đóng góp rất nhiều ý kiến giúp Ban Thường vụ Huyện ủy Giồng Trôm triển khai thực hiện nhiệm vụ, đạt mục tiêu và chỉ tiêu đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be chỉ đạo tại buổi làm việc, trong giai đoạn 5 năm tới, Giồng Trôm cần xác định trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp là chính, trong đó, cây dừa là chủ đạo. Đồng thời, huyện cần phát triển diện tích trồng cây ca cao xen trong vườn dừa vì hiện nay cây ca cao cho nguồn thu rất lớn, phấn đấu trên 12.000 ha diện tích đất trồng dừa thì có 4.000 ha được trồng xen cây ca cao. Giồng Trôm cũng tập trung giữ vững 4.000 ha lúa, đẩy mạnh cơ giới hóa trên đồng ruộng. Huyện phải giữ cây mía, trồng mía dưới ruộng để tăng diện tích và tiện việc tưới tiêu. Đối với các công trình thủy lợi nội đồng, cũng phải tính đến chuyện Nhà nước xây cống, nạo vét kênh thì nhân dân phải có trách nhiệm bảo dưỡng. Để phát triển du lịch, huyện chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, phải có quy họach cụ thể. Về hệ thống chính trị, huyện cần xây dựng đề án quy hoạch cán bộ, lãnh đạo; trong các kỳ đại hội, quan tâm xây dựng văn kiện với các mục tiêu, phương hướng cụ thể; đồng thời, tập trung giáo dục tư tưởng trong đảng viên, trong dân….Đồng chí Bí thư cũng đề nghị, sau buổi họp này, Ban Thường vụ Huyện ủy Giồng Trôm tổ chức họp, phân công cán bộ đảm trách theo từng lĩnh vực; trực tiếp chỉ đạo thực hiện những vấn đề trước mắt và lâu dài.