PV: Bến Tre có mạng sông ngòi chằng chịt và bờ biển dài 65km với hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Những năm qua tỉnh nhà đã đánh thức tiềm năng thủy sản như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hiếu:
- Bến Tre có 3 vùng nước ngọt, lợ và mặn, cả 3 vùng đều có thể nuôi thủy sản với các đối tượng nuôi khác nhau. Tổng diện tích nuôi thủy sản năm 2008 đạt 42.106 ha (so kế hoạch đạt 100%), trong đó nuôi tôm sú đạt 31.462 ha, chiếm 74, 72% diện tích nuôi thủy sản trên toàn tỉnh (nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh là 5.421 ha, năng suất bình quân 5
tấn/ha mặt nước nuôi; nuôi quảng canh, tôm lúa, tôm rừng 25.865 ha, năng suất bình quân 200 kg/ha). Số diện tích còn lại nông dân, các doanh nghiệp nuôi cá tra và các loại cá khác, tôm càng xanh, các HTX, tập đoàn tại vùng ven biển Bến Tre thì nuôi nghêu, sò…Tổng sản lượng nuôi thủy sản năm 2008 là 158.995 tấn, đạt 148,6% so kế hoạch.
Hiện nay, Bến Tre đặt mục tiêu phát triển thị trường cho cho ngành nuôi thủy sản như thế nào?
- Ngành thủy sản Bến Tre lấy đối tượng xuất khẩu làm gốc, đồng thời mở rộng đối tượng tiêu thụ nội địa có giá trị kinh tế cao, có thị trường rộng mở. Hiện nay, tỉnh tập trung 5 đối tượng nuôi chủ yếu: tôm sú, cá tra, nghêu, tôm chân trắng và tôm càng xanh. Ngoài ra còn chú ý phát triển một số đối tượng nuôi khác như: cá chẽm, cá mú, cá bống tượng, cá kèo, cá đồng, cá điêu hồng, cá rô phi dòng Gift, cua biển, sò huyết, baba, cá sấu…
Bến Tre có coi con tôm chân trắng là đối tượng nuôi chủ lực, thay thế con tôm sú không?
- Đây là đối tượng nhập nội, được Bộ NN&PTNT cho phép thả nuôi tại các tỉnh ĐBSCL từ tháng 2-2008, do đó diện tích nuôi tại Bến Tre chưa nhiều. Đến nay, diện tích thả nuôi tôm chân trắng chỉ khoảng 170 ha, chủ yếu trên diện tích ao nuôi không còn phù hợp với nuôi tôm sú. Hiện tại tôm nuôi phát triển khá tốt và đang được xem là đối tượng để thay thế cho tôm sú ở những vùng nuôi không thuận lợi.
Nghề nuôi nghêu của Bến Tre hiện phát triển mạnh. Vị trí của con nghêu trong cơ cấu ngành thủy sản Bến Tre hiện nay ra sao, thưa ông?
- Theo tôi biết, có rất ít tỉnh nuôi được nghêu. Chúng tôi không chú ý diện tích lớn hay nhỏ mà chú ý đến hiệu quả của nó. Với Bến Tre, diện tích tiềm năng phát triển nhuyễn thể khá lớn, khoảng 15.000 ha đất bãi bồi, cồn nổi. Diện tích đã nuôi và khai thác nghêu: 4.200/7.800 ha đất được Nhà nước giao. Sản lượng thu hoạch: Nghêu thịt: bình quân 9.000 tấn/năm, cao điểm lên đến 37.000 tấn/năm; nghêu giống: bình quân hơn 400 - 500 tấn/năm, cao điểm hơn 1.000 tấn/năm và ngày càng phát triển với mật độ dày và qui mô rộng hơn.
Được biết, các vùng nuôi nghêu tại Bến Tre đang kiện toàn để có được chứng nhận thương hiệu MSC. Xin ông cho biết tiêu chuẩn MSC mang mục đích, ý nghĩa như thế nào?
- Mục đích của chương trình là khuyến khích phát triển mô hình sinh thái bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Đánh giá xem nghề khai thác nghêu ở Bến Tre (Việt Nam) có đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý nghề cá bền vững như trong bản Các nguyên tắc và tiêu chuẩn của Hội đồng bảo tồn biển quốc tế (Marine Stewardship MSC) hay không.
Chỉ trong trường hợp nghề khai thác nghêu được đánh giá là đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc và tiêu chuẩn của MSC thì vùng nuôi của nó mới được sử dụng logo MSC trên các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ nghề khai thác này. Dĩ nhiên là phải đăng ký để được chứng nhận.
Vậy còn ý nghĩa của việc áp dụng tiêu chí MSC là gì, thưa ông?
- Đó là nâng cao nhận thức để ngày càng hoàn thiện hơn lộ trình phát triển bền vững đối tượng con nghêu dựa vào cộng đồng và thông qua mô hình này vận dụng cho việc phát triển bền vững các đối tượng nuôi khác như: tôm sú, cá tra, tôm càng xanh …
Bến Tre xem lộ trình phát triển bền vững dựa vào cộng đồng là việc làm thường xuyên để góp phần cùng MSC xây dựng thêm nhiều mô hình mang ý nghĩa cho việc bảo vệ môi trường sống của nhân loại và nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống không chỉ cho các cộng đồng nghèo ven biển của Bến Tre mà còn cho cộng đồng nghèo của cả nước và của các quốc gia trên thế giới.
Bù đắp cho sự nỗ lực cống hiến vì mục tiêu chung đó, Bến Tre đã và đang được khách hàng quan tâm tiêu thụ sản phẩm nghêu Bến Tre với giá cả và thị phần ngày càng cao hơn. Các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản của Bến Tre có điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, giải quyết tốt việc làm cho ngư dân nghèo...
Ông đánh giá thế nào về cung cách quản lý và bảo tồn con nghêu tại tỉnh nhà?
Qua mô hình tổ chức, quản lý cộng đồng, các HTX nuôi nghêu tại Bến Tre càng được củng cố phát triển, làm tốt trong bảo vệ môi trường thiên nhiên, liên kết được giữa vùng nguyên liệu với các nhà máy chế biến xuất khẩu. Đặc biệt, nguồn lợi từ con nghêu đã góp phần lớn trong xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng ven biển Bến Tre… Có thương hiệu MSC, con nghêu Bến Tre sẽ sẵn sàng cho bước đi xa hơn nữa trên thị trường thế giới.
Tiêu chí MSC sẽ được đánh giá chứng nhận lại sau 5 năm. Do vậy, điều quan trọng là ngành, địa phương, các cộng đồng ngư dân phải làm thế nào để duy trì tốt các công việc đã làm có hiệu quả trong thời gian qua, tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm để duy trì việc quản lý và quảng bá tên tuổi của con nghêu mang tiêu chí MSC trên thị trường thế giới.
Xin cảm ơn ông!