Tích cực hành động vì môi trường xanh

08/06/2022 - 05:40

BDK - Thời gian qua, các sở, ngành tỉnh và địa phương đã có những bước chuyển tích cực trong công tác quản lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, theo dự báo lượng rác phát sinh tiếp tục gia tăng đến năm 2025 ước tính sẽ hơn 1.500 tấn/ngày. Nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ tiếp diễn nếu chúng ta không thay đổi nhận thức và hành động góp phần bảo vệ môi trường (BVMT).

Bộ đội Biên phòng tham gia thu gom rác tại bãi biển Thừa Đức (Bình Đại).

Bộ đội Biên phòng tham gia thu gom rác tại bãi biển Thừa Đức (Bình Đại).

Lượng rác gia tăng

Theo thống kê của ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT), tổng lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh ước tính có hơn 1 ngàn tấn/ngày. Tỷ lệ được thu gom và xử lý tập trung chỉ chiếm 35% tổng lượng rác thải. Trong đó, rác thải có thể tái chế, gồm cả rác thải nhựa chiếm khoảng 13% và chưa được phân loại. Bên cạnh đó, hệ thống sông, rạch trên địa bàn tỉnh hiện đang phải tiếp nhận lượng lớn chất thải từ hoạt động sản xuất của các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản ven sông, ven biển, hoạt động chăn nuôi và sinh hoạt.

Các khu đô thị, dân cư hầu như chưa có hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung. Nước thải được thải trực tiếp ra hệ thống sông, rạch. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi không đầu tư hệ thống xử lý hoặc có đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng vận hành chưa hiệu quả đã gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Tại các địa phương, vẫn còn bộ phận không nhỏ người dân vẫn giữ thói quen bỏ rác xuống sông, rạch, đặc biệt là tại các khu du lịch tự phát ven biển.

Ghi nhận thực tế tại bãi biển Thừa Đức (Bình Đại) ngày 5-6-2022, nhiều trường hợp sử dụng và bỏ rác thải nhựa sử dụng 1 lần, nhựa khó phân hủy như: túi nylon, hộp xốp, ống hút nhựa… bừa bãi chưa được thu gom, xử lý triệt để. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho rằng, các vấn đề này không chỉ gây mất vẻ mỹ quan của hệ sinh thái ven biển mà còn gây ra tình trạng ô nhiễm cục bộ, nguy cơ suy thoái môi trường, giảm đa dạng sinh học, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của địa phương.

“Lượng rác phát sinh tiếp tục gia tăng đến năm 2025 ước tính sẽ hơn 1.500 tấn/ngày. Chúng ta còn rất nhiều vấn đề, thách thức. Do đó, công tác kiểm soát, giải quyết ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động sinh hoạt tại khu vực đô thị và chăn nuôi ở nông thôn cần phải quan tâm thực hiện để hạn chế nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái, giảm đa dạng sinh học”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh lưu ý.

Chuyển biến hành động

Giám đốc Sở TN&MT Bùi Minh Tuấn cho biết: Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực thi hành vào ngày 1-1-2022. Năm 2022 sẽ là giai đoạn hành động tạo sự chuyển đổi mạnh mẽ trong việc BVMT, giảm thiểu phát thải, giảm thiểu ô nhiễm; khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên hướng tới mục tiêu cao nhất - cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng hệ sinh thái và phát triển kinh tế bền vững.

Lực lượng thanh niên trường học trên địa bàn huyện Bình Đại thu gom rác bảo vệ môi trường.

Lực lượng thanh niên trường học trên địa bàn huyện Bình Đại thu gom rác bảo vệ môi trường.

Với vai trò ngành chuyên môn, Sở TN&MT sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành tỉnh và địa phương tập trung nghiên cứu, ứng dụng, triển khai và nhân rộng các mô hình tiêu biểu về BVMT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về BVMT cũng như những hành vi khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên, làm mất cân bằng hệ sinh thái, đe dọa đến đa dạng sinh học. Ngành sẽ triển khai quyết liệt các nội dung có liên quan để công tác quản lý môi trường trên địa bàn cải thiện tích cực trong thời gian tới. Các sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là người dân hãy chung tay với ngành TN&MT để BVMT sống, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đề nghị, chính quyền các cấp tập trung, quyết tâm lãnh đạo, tuyên truyền người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh có những thay đổi về nhận thức, biến chuyển về hành động. Các sở, ban, ngành tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương và nhân dân cần chung tay triển khai ngay các kế hoạch, hành động thiết thực BVMT, hệ sinh thái, giảm thiểu tối đa phát thải gây ô nhiễm môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học hướng đến lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, lối sống xanh hơn, sạch hơn.

Từng cơ quan, đơn vị trong cả hệ thống chính trị của tỉnh, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và nhân dân cần làm tốt công tác tuyên truyền, đề cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, tích cực tham gia phong trào BVMT bằng những hành động thiết thực. Cụ thể, tham gia có hiệu quả đề án trồng 10 triệu cây xanh, đề án “Bến Tre xanh”, giữ vệ sinh môi trường nơi cư trú, phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định. Chung tay giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa, từng bước nói không với sản phẩm nhựa. Tăng cường tái chế, tái sử dụng rác thải hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch.

“Các ngành chức năng cần tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nóng về môi trường trên địa bàn. Đặc biệt lưu ý các khu vực cửa sông, ven biển, khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động du lịch tự phát, đặc biệt là khu vực ven biển. Triển khai, nhân rộng các mô hình phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt”.

(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN