Dừa khô nguyên liệu sắp vào vụ thu hoạch.
Tiêu thụ sản phẩm trồng trọt chậm do dịch Covid-19
Các loại trái cây, rau màu được thương lái tiêu thụ, tuy nhiên vẫn còn chậm và giá thấp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các tổ chức chính trị - xã hội đã hỗ trợ liên kết tiêu thụ đã giải quyết phần nào sản lượng nông sản trên thực tế. Đối với các loại cây ăn trái, do rải vụ và có thể kéo dài thời gian thu hoạch người dân hạn chế thu hoạch, hoặc không thu hoạch nên sản lượng tiêu thụ chưa cao.
Điển hình, sản lượng trái cây các loại (cam, bưởi, chôm chôm, mít...) tiêu thụ từ ngày 20-7-2021 đến ngày 31-7-2021 trên 1.833 tấn. Trong đó, chôm chôm là 633 tấn, nhãn 533 tấn, bưởi da xanh 238 tấn, xoài 90 tấn, sầu riêng 60 tấn và các loại cây ăn trái khác (cam, quýt, mít chuối, măng cụt) 247 tấn.
Tuy nhiên, đến thời điểm này các loại cây ăn trái có sản lượng lớn đang thu hoạch hoặc sắp thu hoạch có sản nhãn sản lượng ước khoảng 660 tấn tập trung chủ yếu ở huyện Bình Đại, Châu Thành và Chợ Lách; chôm chôm khoảng 300 tấn, sầu riêng 50 tấn chủ yếu 2 huyện Châu Thành và Chợ Lách. Bưởi da xanh sản lượng khoảng 1.200 tấn phân bố các huyện. Đối với dừa uống nước sản lượng tiêu thụ khoảng 952.056 trái; dừa công nghiệp khoảng 460.556 tấn.
Đến thời điểm này, sản phẩm dưa hấu, đậu phộng của huyện Bình Đại còn sản lượng khá lớn đang trong kỳ thu hoạch trong tháng 8, như: Dưa hấu ước khoảng 100 tấn, đậu phộng 60 tấn.
Chăn nuôi, thủy sản tương đối ổn định
Việc tiêu thụ các sản phẩm thịt, trứng thông qua các thương lái phân phối sản phẩm chăn nuôi tại các chợ, siêu thị khá ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn một số sản phẩm tiêu thụ chậm hoặc khó tiêu thụ như: Vịt thịt và dê. Ngành chăn nuôi đã đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ trong tỉnh thông qua các hoạt động thu mua, giết mổ gia súc, gia cầm tại các địa phương trong tỉnh. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ hoạt động lưu thông phân phối sản phẩm chăn nuôi tại các chợ, siêu thị, quầy sạp kinh doanh sản phẩm động vật tại các địa phương trong tỉnh.
Đối với cá tra hầu hết là của doanh nghiệp nên đến cở thu hoạch thì thu về công ty chế biến. Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm cá tra khó khăn trong xuất khẩu do tình hình dịch bệnh Covid-19, trong những ngày qua lượng cá nguyên liệu các doanh nghiệp thu rất ít để chế biến.
Tổng sản lượng tôm nước lợ đạt kích cở thương phẩm là 3.765 tấn đã thu hoạch và tiêu thụ là 1.911 tấn. Sản lượng còn lại khoảng 1.853 tấn. Tuy sản lượng còn khá lớn (size có thể thu hoạch được từ 40 đến 100 con) nhưng nhiều hộ nuôi tiếp tục nuôi để tăng lợi nhuận.
Đối với tôm càng xanh tổng sản lượng tôm đạt kích cở thương phẩm nuôi chuyên là 60 tấn, đã tiêu thụ được 18,7 tấn. Hiện nay sản lượng còn đang nuôi ước gần 50 tấn. Các đối tượng thuỷ sản nuôi truyền thống như: Cá lóc, rô phi, diêu hồng hiện nay các hộ bán lẻ tại các chợ trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, sò huyết sản lượng đến thời điểm thu hoạch trong tháng 8 là 295 tấn (Giao Thạnh 122,5 tấn; Thạnh phong 147 tấn; Thạnh Hải 22,5 tấn). Sò từ 70 đến 110 con/kg, hiện chưa có thương lái thu mua cần kết nối tiêu thụ.
Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử
Có thể nói, kết quả tiêu thụ nông sản thời gian qua chỉ đạt 20 đến 50% so với sản lượng trên thực tế do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19 và việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg nhưng đã thể hiện sự quan tâm hỗ trợ rất tích cực của các ngành, các cấp.
Trong đó phải kể đến sự quan tâm theo dõi lãnh chỉ đạo từ Trung ương đến cấp cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ tiêu thụ nông sản kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt là Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản xuyên suốt trong ngành dọc từ cấp Bộ đến các tỉnh, thành phố.
Giải pháp hướng tới, Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh cho biết: Sở tập trung chỉ đạo, tuyên truyền mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Nhất là yêu cầu tuân thủ “5K” và thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa tăng cường hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Đồng thời, cần tuyên truyền hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ thiết yếu nhanh chóng phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng như: Giống, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; vật tư thiết bị phục vụ duy trì sản xuất.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, tiêu thụ nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh; thường xuyên rà soát, cập nhật và kịp thời đề xuất giải pháp hỗ trợ người dân khi có khó khăn về tình hình tiêu thụ nông sản; cập nhật danh sách đầu mối cung ứng một số sản phẩm nông sản; xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản cho người dân hạn chế tồn đọng, ùn ứ trong thời gian tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách.
Phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ nông sản trên Sàn thương mại điện tử của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn postmart.vn) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (sàn voso.vn), kể cả các sản phẩm thông thường chưa phải là sản phẩm OCOP. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các điểm bán hàng bình ổn và hàng hóa thiết yếu; hỗ trợ người dân các xã tiêu thụ nông sản trong mùa dịch nhất là sản phẩm nông sản có sản lượng lớn.
Đặc biệt, Sở NN&PTNT phối hợp UBND các huyện, thành phố lập danh sách và ưu tiên tiêm vắc-xin cho các đối tượng tham gia chuỗi sản phẩm nông nghiệp, hoạt động trong cơ sở chế biến, sơ chế, đóng gói, giết mổ, đầu mối thu gom nông sản, thủy sản và thương lái thu mua nông sản trên địa bàn.
Bài, ảnh: Cẩm Trúc