
Mô hình nuôi bò hộ gia đình.
Kết quả phòng chống
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại tỉnh, bệnh VDNC được xác định lần đầu tiên vào tháng 8-2021, tại một hộ chăn nuôi thuộc ấp Phú Lợi, xã Phú Lễ (Ba Tri) sau đó bệnh lây lan ở 563 hộ, 148 ấp, 53 xã thuộc 8 huyện, thành phố, với tổng số bò bệnh là 833 con, trong đó chết và tiêu hủy là 226 con, tổng trọng lượng tiêu hủy là 32.869kg. Tính từ ngày con bệnh cuối cùng bị tiêu hủy (1-2022) đến nay không có ca bệnh mới phát sinh và các huyện, thành phố đã thực hiện đảm bảo các giải pháp chống dịch, dịch bệnh đã được kiểm soát.
Riêng bệnh DTLCP, phát sinh tại 10 hộ, 9 ấp, 7 xã, 6 huyện, thành phố gồm Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại và TP. Bến Tre. Buộc phải tiêu hủy 1.083 con, tổng trọng lượng tiêu hủy là 48.902kg. Tính từ ngày con bệnh cuối cùng bị tiêu hủy (1-2022) đến nay có 6 huyện, thành phố gồm Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm và TP. Bến Tre đã qua 21 ngày không có ca bệnh mới phát sinh và thực hiện đảm bảo các giải pháp chống dịch, cho thấy dịch bệnh đã được kiểm soát.
Các giải pháp triển khai phòng chống dịch bệnh đã được thực hiện đảm bảo đủ điều kiện hết dịch bệnh VDNC trên trâu, bò và kết thúc dịch bệnh DTLCP trên địa bàn 4/6 huyện, thành phố, gồm Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành và TP. Bến Tre. Cụ thể, bệnh VDNC đã qua 21 ngày không có ca bệnh mới phát sinh. Đã tiêm vắc-xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò với 175.653 con/tổng đàn 200.339 con, đạt 87,7% so với tổng đàn và đạt 97,8% so với diện tiêm...
Đối với bệnh DTLCP, tính từ ngày 14-1-2022 đến nay, có 6/6 huyện, thành phố có dịch đã qua 21 ngày không có ca bệnh mới phát sinh bệnh DTLCP. Qua theo dõi giám sát, các ổ dịch bệnh DTLCP tại huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành và TP. Bến Tre đã được kiểm soát, không có ca bệnh mới phát sinh, đủ các điều kiện kết thúc dịch bệnh. Riêng ổ dịch của xã Lương Phú (Giồng Trôm), xã Thạnh Phước (Bình Đại) chưa đủ điều kiện kết thúc ổ dịch theo quy định do chưa hoàn tất việc thực hiện giải pháp tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi theo quy định.
Đề phòng nguy cơ tái phát
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội cho biết, qua giám sát cho thấy bệnh VDNC, DTLCP tại các huyện, thành phố cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh vẫn có thể tái phát do mầm bệnh hiện vẫn còn lưu hành ngoài môi trường. Chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ chưa áp dụng biện pháp an toàn sinh học trong khi đó véc-tơ truyền bệnh VDNC tồn tại và phát triển. Thời tiết nắng nóng và mặn xâm nhập sâu làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi. Riêng bệnh DTLCP chưa có vắc-xin phòng bệnh, do đó nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh là rất cao.
Nhằm kịp thời khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh và phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh tái phát gây thiệt hại kinh tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh, tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi tiếp tục tổ chức tiêm phòng bổ sung cho tất cả các con trâu, bò chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh VDNC hoặc các con đã được tiêm phòng cần tiêm mũi tăng cường theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tập trung tuyên truyền hướng dẫn và triển khai thực hiện Nghị định số 13/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, trong đó tập trung triển khai và thực hiện việc đăng ký chăn nuôi theo quy định nhằm đảm bảo cho công tác quản lý chăn nuôi, giám sát dịch bệnh cũng như đảm bảo thực hiện chính sách hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh theo đúng quy định. Triển khai thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và triển khai Quyết định số 205 của Cục Chăn nuôi về Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học phòng chống bệnh DTLCP cho trang trại quy mô vừa, nhỏ và chăn nuôi nông hộ.
Ngoài ra, đối với ổ dịch bệnh dại động vật tại huyện Châu Thành, TP. Bến Tre và bệnh DTLCP tại huyện Bình Đại, Giồng Trôm tiếp tục triển khai, thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh và xem xét các điều kiện chống dịch đã được UBND tỉnh chỉ đạo.
Bài, ảnh: Thanh Lê