Tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ

24/06/2022 - 05:28

BDK - Bến Tre là một trong những tỉnh có diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ (NNHC) khá lớn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 14 ngàn ha, chủ yếu là dừa, lúa, rau màu... Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam vừa ký quyết định ban hành Đề án phát triển NNHC tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là tiền đề để tập trung đẩy mạnh phát triển diện tích sản xuất NNHC trên địa bàn tỉnh.

Chế biến dừa xuất khẩu tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới.

Chế biến dừa xuất khẩu tại Công ty CP đầu tư dừa BEINCO.

Lợi thế nông nghiệp hữu cơ

Dừa và bưởi da xanh là hai cây trồng chủ lực của tỉnh, với diện tích hữu cơ (HC) khá lớn. Đến nay, tỉnh đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa HC, với trên 15.300ha, trong đó đã chứng nhận trên 13.700ha, chiếm 17,8% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh.

“Với lợi thế về tính thích nghi và chất lượng sản phẩm dừa của tỉnh kết hợp với doanh nghiệp (DN) tham gia liên kết tiêu thụ và xây dựng phát triển vùng nguyên liệu HC với quy mô sản xuất lớn, công nghệ chế biến dừa chuyên sâu và khả năng khai thác thị trường khá tốt như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (BEINCO)… là những thuận lợi để Bến Tre phát triển sản xuất dừa HC”, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết.

Công ty Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới hiện đã xuất khẩu sản phẩm đến hàng chục quốc gia trên thế giới. Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Cù Văn Thành cho hay: Nhận biết được tầm quan trọng hàng đầu của vùng nguyên liệu dừa HC đối với thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường khó tính, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã chú trọng xây dựng tiêu chuẩn HC, bằng cách liên kết với nông dân, tổ hợp tác và hợp tác xã. Qua đó, định hướng, hỗ trợ người trồng dừa về kỹ thuật, tiêu thụ và có cam kết thu mua dừa HC với giá cao hơn dừa sản xuất truyền thống. Điều này đã giúp người trồng dừa an tâm, tin tưởng đồng hành với DN, cùng mục tiêu phát triển dừa HC theo hướng bền vững.

Về cây bưởi da xanh, thời gian qua, ngành nông nghiệp (NN) đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn. Trọng tâm là chuyển giao kỹ thuật ứng dụng HC sinh học vào sản xuất, sử dụng thiên địch như: kiến vàng, ong mắt đỏ, nấm đối kháng tricoderma… để quản lý dịch hại, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón, thuốc hóa học tạo sản phẩm đạt chất lượng an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế. Toàn tỉnh hiện có gần 400ha bưởi da xanh đạt chứng nhận VietGAP, chiếm 4% diện tích bưởi toàn tỉnh (tổng diện tích trên 9,4 ngàn ha). Các mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn HC PGS đã được thực hiện với quy mô 5ha, tại xã Tân Trung (Mỏ Cày Nam) và 5ha tại xã Sơn Phú (Giồng Trôm).

Vùng canh tác lúa - tôm huyện Thạnh Phú là điểm thuận lợi để phát triển sản xuất lúa HC của tỉnh. Thạnh Phú đã xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 100ha và được cấp chứng nhận nhãn hiệu Lúa sạch Thạnh Phú. Mô hình sản xuất lúa HC trên vùng đất lúa - tôm rất phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, khai thác được lợi thế của vùng, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn của người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả kinh tế.

Trên địa bàn tỉnh đã phát triển vùng chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường trên các sản phẩm chủ lực như: bò, heo, gia cầm. Ứng dụng các quy trình chăn nuôi theo VietGAP tạo sản phẩm sạch, chất lượng cung cấp cho thị trường. Từ năm 2018 - 2020, đã xây dựng được 30 trang trại chứng nhận VietGAP. Đây là một trong những giải pháp để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định bền vững trong thời gian tới.

Mục tiêu đến năm 2025 và 2030

Định hướng giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh sẽ phát triển NNHC có giá trị tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế NN tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm NNHC được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn NNHC của khu vực và thế giới, đưa Bến Tre trở thành tỉnh có trình độ sản xuất HC trong khu vực và cả nước.

Cụ thể, tỉnh sẽ hình thành nhóm đất NN sản xuất HC đạt khoảng 11 - 13%/tổng nhóm đất NN, đến năm 2030 đạt 16 - 18%. Trong đó, dừa HC đến 2025 là 20 ngàn ha, đến năm 2030 là 30 ngàn ha. Bưởi da xanh tiêu chuẩn HC PGS đến năm 2025 là 50ha, năm 2030 là 200ha. Tôm rừng đạt tiêu chuẩn EU Organic đến năm 2025 là 1 ngàn ha, đến năm 2030 là 4 ngàn ha. Tôm lúa đạt tiêu chuẩn ASC đến năm 2025 là 2 ngàn ha, đến năm 2030 là 6 ngàn ha...

Về giải pháp, cần khuyến khích, thu hút các DN trong và ngoài nước đầu tư sản xuất và kinh doanh các sản phẩm NNHC; các sản phẩm đầu vào. Hình thành những DN có vai trò đầu tàu về mô hình sản xuất HC, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất có sức lan tỏa đến các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã và hộ sản xuất. Đồng thời, tỉnh còn hỗ trợ các DN đưa sản phẩm NNHC vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện tích và chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn trong và ngoài nước.

Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng, triển khai các chương trình khoa học và công nghệ phục vụ cho sản xuất HC giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh.

 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các mô hình thí điểm sản xuất NNHC trên địa bàn và nhân rộng mô hình. Hỗ trợ chứng nhận sản phẩm HC, chứng nhận OCOP, xây dựng nhãn hiệu, xây dựng các mô hình liên kết chuỗi HC từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức khẳng định: Tới đây, nếu Bến Tre không có vùng sản xuất nguyên liệu HC thì không thể xuất khẩu. Các nước đều xây dựng hàng rào kỹ thuật, với các tiêu chuẩn sản xuất sạch, nông sản an toàn, đảm bảo sức khỏe. Xây dựng vùng trồng HC là điều kiện cần đầu tiên để mở rộng thị trường, phát triển xuất khẩu.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN