Tiến tới kỷ nguyên hải quan số

17/12/2021 - 06:07

BDK - Đất nước ta đang hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. Nếu như năm 2000, xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ là con số khiêm tốn 30 tỷ USD thì đến năm 2019 đạt 500 tỷ USD và đạt mốc 600 tỷ USD vào đầu tháng 12-2021. Kết quả đó đã đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế có trị giá xuất nhập khẩu lớn nhất trên phạm vi toàn cầu và tăng hạng khá nhanh so với các nước khác, chỉ 4 năm sau khi gia nhập top 30 vào năm 2016. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam vững vàng ở vị trí thứ 2 sau Singapore, đây là một kết quả ấn tượng cho sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong thời gian qua.

Ông Mai Xuân Thành - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Ông Mai Xuân Thành - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Phóng viên Báo Đồng Khởi đã có cuộc trò chuyện với Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành xung quanh vấn đề DN Việt Nam đang quan tâm. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

* Phóng viên: Xin Phó tổng cục trưởng cho biết đánh giá của ngành hải quan (HQ) về thực trạng nền kinh tế của chúng ta trong giai đoạn hiện nay và định vị ngành HQ trong đó như thế nào?

- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành: Trong thời gian vừa qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, cuộc cách mạng 4.0… tác động đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của nước ta. Thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và DN, HQ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện hài hòa nhiệm vụ vừa tạo thuận lợi thương mại, vừa làm tốt công tác quản lý nhà nước về HQ. Theo đó, sự định vị của ngành HQ trong nền kinh tế chính là tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó một trong các giải pháp chính là thực hiện hải quan số (HQS).

Năm 2021, Tổng cục HQ được giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 315 ngàn tỷ đồng, Ban cán sự đảng Bộ Tài chính giao chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN năm 2021 là 335 ngàn tỷ đồng. Tổng thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu lũy kế từ đầu năm đến ngày 8-12-2021 đạt 359.703 tỷ đồng, bằng 114,2% dự toán thu NSNN (315 ngàn tỷ đồng), tăng 23,9% (tương đương tăng 69.600 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước (290.085 tỷ đồng), góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách, tăng trưởng kinh tế đất nước.

* HQS có những đặc trưng nào, thưa ông?

- HQS là sự quản lý thu NSNN trong hoạt động xuất nhập khẩu, có những đặc trưng riêng. Đó là sự quản lý biên giới thông minh, triển khai mô hình quản lý biên giới tích hợp nhằm giảm yêu cầu tham gia trực tiếp của công chức HQ, đơn giản thủ tục hành chính (TTHC), giảm thời gian chờ tại biên giới, thực hiện phân luồng hàng hóa, hành khách, phương tiện, ủy quyền kiểm tra tại cửa khẩu. Đó cũng là sự quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số, triển khai mô hình quản lý chuỗi cung ứng tích hợp theo hướng dẫn tại khung an ninh và tạo thuận lợi thương mại (SAFE) của Tổ chức HQ thế giới. Các TTHC của các bộ ngành có liên quan như: cấp phép, kiểm tra chuyên ngành, các chứng từ thuộc hồ sơ HQ sẽ được chuẩn hóa, số hóa dữ liệu và được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, phi giấy tờ, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cấp độ cao.

Bên cạnh đó, HQS còn là sự cung cấp dịch vụ tối ưu, thiết lập môi trường dịch vụ số thân thiện, dễ dàng tiếp cận, có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện, linh hoạt có thể đáp ứng sự thay đổi về quy định và chính sách, đảm bảo sự liền mạch, không đứt gãy trong hoạt động thương mại. Đó cũng là sự kết nối và xử lý thông minh, ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ như: kết nối Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata), phân tích thông minh (BI), điện toán đám mây (ICloud), di động (Mobility)… đảm bảo cơ quan HQ trong việc tự động phân tích, xử lý thông tin; làm chủ công nghệ, thích ứng kịp thời với những thay đổi về môi trường hoạt động. Sẵn sàng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, DN trong nước để phục vụ công tác quản lý.

Cuối cùng đó là sự minh bạch, công bằng, nhất quán. Cải cách TTHC theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức HQ thế giới như: Công ước về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục HQ; Khung tiêu chuẩn về an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu… đảm bảo hàng hóa được thông quan, giải phóng nhanh chóng, giảm chi phí cho DN.

* Vậy Tổng cục HQ đã thực hiện HQS tới cấp độ nào, thưa ông?

- Bắt đầu từ năm 2020, đặc biệt là năm 2021, tình hình dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, diễn biến hết sức phức tạp tại nước ta, Tổng cục HQ đã chủ động thực hiện các giải pháp để bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa. Theo đó, để tiếp tục cải cách TTHC, Tổng cục HQ luôn xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần được thực hiện thường xuyên với các giải pháp đồng bộ, lấy sự hài lòng của người dân và DN làm mục tiêu phục vụ. Trong các năm 2020, 2021, công tác cải cách hành chính càng được đẩy mạnh.

Tổng cục HQ cũng đã tham mưu đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa quốc gia. Việc đổi mới phương thức kiểm tra chuyên ngành được kỳ vọng sẽ giúp DN giảm chi phí, giảm đầu mối tiếp xúc giữa DN với các cơ quan, tổ chức. Theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ, ước tính trong một năm tiết kiệm gần 1.376 tỷ đồng (xấp xỉ 59,1 triệu USD) cho DN và 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu USD) cho nền kinh tế.

Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cộng đồng. Tổng cục HQ đã chỉ đạo các đơn vị HQ trong cả nước triển khai thông quan nhanh hàng hóa viện trợ, biếu, tặng phục vụ công tác phòng chống dịch theo cơ chế thông quan hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thông quan nhanh các lô hàng vật tư, thiết bị y tế... do các tổ chức, cá nhân nước ngoài viện trợ cho Việt Nam và ngược lại hoặc do các DN Việt Nam nhập khẩu để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Chấp nhận phiếu kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc có chữ ký điện tử của nhà sản xuất khi thực hiện thủ tục HQ nhằm đảm bảo chất lượng của hàng hóa phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong tình hình dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, HQ Việt Nam đã phối hợp với HQ các nước có chung đường biên giới tạo điều kiện thông quan nhanh cho xuất khẩu hàng nông sản, tránh ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.

Ngoài ra, năm 2021, tất cả thủ tục HQ cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS với 100% đơn vị HQ trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, Tổng cục HQ đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 215/237 TTHC, chiếm 91% tổng số TTHC do cơ quan HQ thực hiện, trong đó có 209 TTHC đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%). Tổng cục HQ thực hiện tích hợp 26 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.   

* Xin cảm ơn Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan!

 Hoàng Hải Trà (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN