Tiếp sức cho nông dân

05/12/2007 - 13:41

Đảng và Nhà nước đã quan tâm nhiều đến sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Internet

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm nhiều đến sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn nhằm nâng cao đời sống cho nông dân. Nhà nước đã đầu tư số vốn rất lớn để xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, trường học, đường điện, công trình văn hóa, thực hiện chính sách miễn thuế nông nghiệp theo Di chúc của Bác Hồ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư…

So với trước đây, cuộc sống của bà con nông dân chúng tôi đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, nếu so sánh với cư dân đô thị thì vẫn còn khoảng cách rất xa. Đến nay ở nông thôn sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu. Chi phí sản xuất sản phẩm, dịch vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản đang đứng ở mức rất cao do giá cả vật tư đầu vào (như giống, phân bón…) liên tục tăng, tình trạng hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh xảy ra liên tục. Mặt khác, do quá trình đô thị hóa và phát triển các khu công nghiệp diện tích đất đai sản xuất bình quân đầu người ngày một giảm. Hiện tại ở xã tôi, mỗi lao động sản xuất nông nghiệp chỉ được canh tác khoảng một sào ruộng (360m2). Trong khi đó, người nông dân vẫn còn phải đóng góp nhiều khoản để xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng ở nông thôn. Có một nghịch lý đã tồn tại ở nước ta là người dân thành phố không phải mất tiền làm đường đi, làm hệ thống thoát nước, xây dựng hệ thống điện; song cư dân nông thôn phải bỏ tiền đóng góp để làm đường đi, làm hệ thống thoát nước, xây dựng lưới điện cho địa phương. Tính bình quân một hạt thóc nông dân chúng tôi làm ra đã phải "gánh" hàng chục các khoản phí, lệ phí, tiền đóng góp…


Chúng tôi rất mừng khi được biết từ ngày 1-1-2008, Nhà nước sẽ miễn thu thủy lợi phí cho bà con nông dân. Chúng tôi coi chính sách này như là một hình thức tiếp sức cho nông dân. Thế nhưng để rút ngắn được khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, Nhà nước cần đầu tư để sớm hoàn chỉnh hạ tầng nông thôn, bao gồm điện, đường, trường, trạm, đồng thời giảm tối đa các khoản đóng góp của nông dân, miễn học phí ở bậc mầm non, trung học cơ sở cho học sinh nông thôn, miền núi… Làm như thế cũng là để thực hiện ý nguyện của Bác Hồ: "Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".

Theo QĐND

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN