Chủ động kiểm soát nguồn nước ngọt, bài 2

Tiếp tục đầu tư khép kín các công trình thủy lợi

15/07/2024 - 05:27

BDK - Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bùi Văn Thắm, do đặc thù về vị trí địa lý nên tỉnh có nhu cầu lớn về đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi (CTTL), đê điều. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều công trình, dự án (CT, DA) phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí phân bổ còn hạn chế so với nhu cầu thực tế nên hệ thống CTTL của tỉnh hiện vẫn chưa được khép kín. Cụ thể, hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre đầu tư còn dở dang và DA Quản lý nước (JICA3) đang trong giai đoạn triển khai… Do đó, tỉnh chưa thể chủ động kiểm soát hoàn toàn được nguồn nước ngọt trong tình huống xâm nhập mặn diễn biến gay gắt.

Cống Sơn Đốc 2 là một trong những công trình cống lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre đang quản lý. Ảnh: T. Thảo

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi

Do hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa được khép kín nên xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến khu vực lấy nước của các nhà máy nước dẫn đến độ mặn sau xử lý tăng cao. Phạm vi cấp nước của các nhà máy rộng, dàn trải tại các khu vực nông thôn, dân cư ít tập trung dẫn đến hạn chế trong việc đầu tư nâng cấp mạng lưới cấp nước, lọc mặn. Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL tỉnh Phạm Quốc Phong, trong điều kiện hệ thống thủy lợi chưa khép kín, việc vận hành các CTTL phù hợp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt, hạn chế ô nhiễm môi trường. Hàng năm, công ty đã chủ động phối hợp với các địa phương vận hành CTTL theo lịch đã thống nhất và điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp điều kiện thực tế. Công ty phối hợp với các địa phương phổ biến lịch vận hành (kể cả các trường hợp điều chỉnh lịch vận hành) để thông báo người dân trên địa bàn có kế hoạch sử dụng nước phù hợp, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Tổ chức thực hiện vận hành CTTL theo lịch đã thống nhất, tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào hệ thống kênh, mương nội đồng, hồ chứa... Khẩn trương đóng cống ngăn mặn xâm nhập khi độ mặn lên cao bảo đảm đáp ứng nhu cầu về nước không bị nhiễm mặn của các địa phương. Khi độ mặn trên các sông giảm, công ty phối hợp với địa phương thực hiện ngay công tác vận hành CTTL, tăng cường mở lấy nước ngọt các cống đầu nguồn và tiêu xổ các cống cuối nguồn để rửa mặn và giải quyết ô nhiễm môi trường.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Thắm cho biết: Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, tạo điều kiện để tỉnh cơ bản kiểm soát được nguồn nước, chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn ở 2 Tiểu vùng Bắc - Nam Bến Tre, tỉnh đã kiến nghị Trung ương tiếp tục đầu tư một số CT trọng điểm như: Đối với tiểu vùng Bắc Bến Tre cần sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các CT cống An Hóa (Châu Thành), cống Bến Tre (TP. Bến Tre), cống Thủ Cửu (Giồng Trôm) thuộc DA Quản lý nước Bến Tre (JICA3) phục vụ kiểm soát mặn trong khu vực; đảm bảo ngọt hóa sông Ba Lai kết hợp với Trạm bơm Tân Phú (Dự án JICA3) để tạo nguồn cấp phục vụ sản xuất và phục vụ các nhà máy nước thuộc Công ty cổ phần Cấp thoát nước tỉnh, các nhà máy nước nông thôn trong khu vực và nguồn nước phục vụ sản xuất cho người dân.

Đối với tiểu vùng Nam Bến Tre, cần sớm hoàn thành đưa vào sử dụng cống Cái Quao (Mỏ Cày Nam) thuộc DA Quản lý nước Bến Tre (JICA3). Tiếp tục hỗ trợ đầu tư cống Vàm Nước Trong (Mỏ Cày Bắc), cống Vàm Thơm (Mỏ Cày Nam); 22 cống ngăn mặn thuộc các huyện Chợ Lách (13 cống: Rạch Cái, Ba Lẹ, Tám Sanh, Cầu Kênh Cũ, Cái Gà, Hòa An (Cống Đá), Vàm Mơn, Thanh Trung (Vàm Tắc), Rạch Cái Sơn, Rạch Cái Tre, Kênh Lai Phụng, Cầu 2 tháng 9, Huyện Lộ 33), huyện Mỏ Cày Bắc (5 cống: Rạch Thanh Hà, Ông Nhàn, Rạch Bà Liên, Bà Yến, Cầu Kênh số 2), huyện Mỏ Cày Nam (4 cống: Cái Bè Cạn, Tân Định, Thơ Đa, Thành Thới A). Mục tiêu nhằm khép kín, đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ diện tích cây ăn trái đặc sản, sản xuất cây giống, hoa kiểng trong khu vực (gồm khu thủy lợi Tây Chợ Lách và khu thủy lợi Chợ Lách - Mỏ Cày Bắc theo quy hoạch thủy lợi); hình thành trục dẫn ngọt từ Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú để cung cấp nước phục vụ sản xuất, phục vụ các nhà máy nước nông thôn trong khu vực.

Đảm bảo nguồn nước

Bộ NN&PTNT, các cơ quan Trung ương và các viện, trường hỗ trợ nghiên cứu, đánh giá tính khả thi DA cống điều tiết nước trên sông Hàm Luông, nhằm điều tiết nguồn nước, hạn chế tình trạng xâm nhập mặn tại tỉnh và các tỉnh lân cận.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi, hướng đến phục vụ đa mục tiêu, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo cấp đủ nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, tỉnh đã xác định danh mục các CTTL quan trọng kiến nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ đầu tư thực hiện trong giai đoạn đến 2030, nhằm đảm bảo đạt mục tiêu chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17-11-2023 (đầu tư mới, nâng cấp khoảng 230km để bao, bờ bao; 29 CT cống), ước tính nhu cầu kinh phí cần được hỗ trợ khoảng 6 ngàn tỷ đồng.

Cũng theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Thắm, giải pháp thực hiện trong thời gian tới là: Tiếp tục tăng cường công tác quan trắc, thông tin kịp thời về diễn biến, tình hình xâm nhập mặn. Tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước ngọt để phục vụ chăn nuôi và tưới cho cây trồng, nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả... Vào thời điểm diễn ra hạn mặn, tăng cường công tác thông tin, tuyên về diễn biến tình hình xâm nhập mặn; hướng dẫn biện pháp kỹ thuật, nhằm hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn cho người dân trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Nội dung tuyên truyền thiết thực, dễ hiểu để người dân thực hiện.

Các đơn vị cấp nước, quản lý khai thác CTTL có kế hoạch vận hành CT cấp nước, CTTL linh hoạt, hiệu quả; đảm bảo phương án cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, các khu công nghiệp... trong thời điểm mặn diễn biến gay gắt. Huy động, triển khai nguồn lực đầu tư đầu tư khép kín hệ thống thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh, nhằm khép kín hệ thống CT, phát huy hiệu quả các CTTL đã được đầu tư, đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Đến kiểm tra hiện trường các CT phục vụ công tác phòng chống hạn mặn trên địa bàn tỉnh vào đầu tháng 3-2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh trong phát huy hiệu quả các DA, CTTL đã đầu tư. Nổi bật là trong phòng chống hạn mặn năm 2023-2024. Bến Tre là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi hạn mặn và biến đổi khí hậu. Qua các lần phòng chống hạn mặn, tỉnh đã rút ra nhiều kinh nghiệm, kéo giảm được thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, một số CT, DA thuộc DA JICA chậm triển khai, tiến độ hoàn thành không đúng như cam kết đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện các vướng mắc từ nguồn vốn đầu tư JICA đã được tháo gỡ. Bộ sớm hoàn thiện các thủ tục để triển khai, trong đó có các DA, CT trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2026, các DA thuộc tiểu vùng Bắc Bến Tre cơ bản hoàn thành.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN