BDK - Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở; đặc biệt là qua 1 năm tổ chức triển khai, thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo Kế hoạch số 4005/KH-UBND ngày 5-7-2023 của UBND tỉnh về triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đạt nhiều kết quả. Qua đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Bia - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ QCDC và phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh phát biểu tại buổi kiểm tra việc thực hiện dân chủ cơ sở tại Viễn thông Bến Tre. Ảnh: Phạm Tuyết
Triển khai thực hiện hiệu quả
Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC và phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp thể hiện tốt tinh thần trách nhiệm, tham mưu với cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát. Từ đó, đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức CT-XH, hội quần chúng; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân, tạo sự đồng thuận, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tiến bộ. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở nhiều nơi hoạt động khá hiệu quả, phát huy được dân chủ trực tiếp của nhân dân tại địa bàn dân cư. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH đạt nhiều kết quả, một số nơi đã tổ chức được các hoạt động phản biện xã hội ở cấp huyện và cơ sở.
Nhân dân tham gia tích cực hơn vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền. Quyền làm chủ của nhân dân, các hình thức dân chủ đại diện được phát huy; dân chủ trực tiếp được mở rộng; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó tạo thêm động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Bia - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC và phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ, coi đây là một khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chỉ đạo thực hiện đầy đủ, sâu sắc các văn bản của Đảng, Nhà nước, các quy chế, quy định về các loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở đã ban hành, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.
Tiếp tục triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đúng theo Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 6-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 4005/KH-UBND ngày 5-7-2023 của UBND tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND ngày 12-7-2024 của HĐND tỉnh và Kế hoạch số 6632/KH-UBND ngày 7-10-2024 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND ngày 12-7-2024 của HĐND tỉnh về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; nhất là Công văn số 5052-CV/TU ngày 26-6-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở”. Từng cơ quan được giao trách nhiệm phải chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ để đưa luật sớm đi vào cuộc sống.
Hiện nay, tỉnh đang triển khai nhiều chủ trương, định hướng phát triển mang tính đột phá, sáng tạo và rất mới mẻ, với khát vọng sớm đưa tỉnh bứt phá đi lên và tất nhiên sẽ có nhiều thách thức, khó khăn. Do vậy, hơn lúc nào hết, phải phát huy thật tốt vai trò chủ thể trong tham gia, hưởng ứng và tích cực thực hiện của các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà. Việc thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở là phương pháp, hình thức dân vận quan trọng, mang tính quyết định đến việc tập hợp, huy động sức mạnh, nguồn lực to lớn trong dân để triển khai các nhiệm vụ đó.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận của chính quyền, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, trong mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi để nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp cơ sở đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH; thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp, gắn với trách nhiệm của từng cá nhân được phân công phụ trách địa phương và các lĩnh vực. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở các loại hình, quan tâm những ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân...
“Việc đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở để người dân thật sự là chủ thể của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH, lực lượng vũ trang, sẽ đưa việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày càng đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả, không ngừng phát huy dân chủ, khơi dậy tiềm năng, sức mạnh của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.