Tiếp tục lãnh đạo thực hiện phương châm “nắm”

04/11/2020 - 07:05

BDK - Qua 4 năm triển khai thực hiện phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện năm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình”, hầu hết các cấp, các ngành đều khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, góp phần thúc đẩy phong trào hành động cách mạng ở địa phương, cơ sở. Đây cũng là sự đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sâu sát đối với hoạt động của hệ thống chính trị, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tình hình nhân dân trên địa bàn tỉnh thông qua đội ngũ cán bộ của tỉnh, huyện, xã.

Đại biểu chi bộ, đảng bộ cơ sở tại buổi họp mặt với Thường trực Huyện ủy Mỏ Cày Nam. Ảnh: Thạch Thảo

Đại biểu chi bộ, đảng bộ cơ sở tại buổi họp mặt với Thường trực Huyện ủy Mỏ Cày Nam. Ảnh: Thạch Thảo

Thúc đẩy phong trào cách mạng ở cơ sở

Năm 2016, để góp sức cùng cấp ủy xã, phường, thị trấn lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020, cũng như thực hiện đạt yêu cầu các chủ trương của Tỉnh ủy, huyện, thành ủy và cấp ủy xã, phường, thị trấn, theo phương châm: “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình”, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy có kế hoạch phân công các đồng chí trong Tỉnh ủy, trưởng, phó các sở, ban, ngành, MTTQ và đoàn thể tỉnh trực tiếp theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn (trừ các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, tỉnh ủy viên là bí thư huyện ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy). Nội dung theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn, gồm: Nắm tình hình hoạt động của hệ thống chính trị, công tác xây dựng Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên và tình hình nhân dân; tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm trên địa bàn; kết quả thực hiện quy chế và nội dung đăng ký thực hiện nghị quyết và Chỉ thị số 16-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới”. Định kỳ hàng tháng, quý, báo cáo tình hình kết quả theo dõi, hỗ trợ địa bàn cho đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy theo dõi huyện, thành phố, để tổng hợp báo cáo BTV Tỉnh ủy theo dõi chỉ đạo (trọng tâm là những vấn đề nổi lên cần lãnh đạo, chỉ đạo). 6 tháng, cuối năm có báo cáo kết quả theo dõi, hỗ trợ địa phương cho BTV Tỉnh ủy (qua Văn phòng Tỉnh ủy) để theo dõi, chỉ đạo và nhận xét cán bộ.

Thực hiện chủ trương trên, các huyện, thành phố cũng có kế hoạch phân công cán bộ cấp huyện theo dõi, hỗ trợ ấp, khu phố; xã phân công cán bộ theo dõi, hỗ trợ tổ nhân dân tự quản để nắm tình hình nhân dân.

Qua 4 năm triển khai thực hiện, hầu hết các cấp, các ngành đều thống nhất cao, khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, vận dụng kinh nghiệm từ phong trào Đồng khởi, đưa cán bộ về bám địa bàn, nắm dân để tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thúc đẩy phong trào hành động cách mạng ở địa phương, cơ sở. Thông qua đội ngũ cán bộ theo dõi, hỗ trợ giúp Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy triển khai nhanh, có trọng tâm các chủ trương, nghị quyết, cũng như những vấn đề cần tập trung thực hiện trong tháng, quý từ tỉnh đến cơ sở. Kịp thời nắm bắt tình hình cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết (nếu có vấn đề bức xúc phát sinh).

Sơ bộ đánh giá cho thấy, đa số đội ngũ cán bộ tỉnh, huyện, xã được phân công có nhiều nỗ lực trong sắp xếp công việc chuyên môn, dành thời gian dự các cuộc họp ở các địa phương, cơ sở được phân công theo dõi, hỗ trợ; có nhiều góp ý thiết thực cho địa phương cả trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, vận động hỗ trợ vật chất cho các địa phương chăm lo các vấn đề an sinh xã hội. Thường xuyên liên hệ với các địa phương, cán bộ huyện phụ trách địa bàn để trao đổi thông tin, nắm tình hình. Thực hiện tốt việc thông tin, báo cáo tình hình cơ sở cho đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện, Thường vụ Huyện ủy phụ trách địa bàn.

Đa số cán bộ được phân công đều cho rằng, qua thực tiễn theo dõi, hỗ trợ địa phương giúp bản thân ngày càng trưởng thành hơn, nhất là nắm toàn diện các lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh từ cơ sở.

Theo dõi, hỗ trợ toàn diện

Bên cạnh mặt tích cực còn những hạn chế cần khắc phục từ nhiều phía. Đó là cán bộ tỉnh, huyện, xã theo dõi, hỗ trợ thường chỉ góp vấn đề chuyên môn mình phụ trách, các vấn đề khác rất hạn chế hoặc ít tham gia góp ý, chỉ nắm tình hình. Mối liên hệ giữa cán bộ tỉnh theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn ít liên hệ với cán bộ huyện phụ trách địa bàn. Cán bộ huyện phụ trách ấp ít liên hệ cán bộ xã, phường trên địa bàn. Thông tin báo cáo giữa các đồng chí phụ trách xã, phường, thị trấn với đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện chưa thường xuyên. Phía địa phương thì chưa cung cấp đầy đủ, kịp thời tình hình địa phương cho cán bộ theo dõi, hỗ trợ, nhất là tình hình dư luận trong nhân dân, những hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ để cán bộ tỉnh, huyện hỗ trợ…

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện, thành phố nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình”, cán bộ tỉnh, huyện, xã theo dõi, hỗ trợ cơ sở cần đầu tư nghiên cứu, nắm chắc các quy định, quy chế, yêu cầu nội dung đối với việc thực hiện phương châm. Cán bộ theo dõi, hỗ trợ cơ sở cần tự nghiên cứu nắm chắc công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, cũng như kiến thức về kinh tế - xã hội, nắm chắc chủ trương, nghị quyết của tỉnh, huyện, xã ở tất cả các lĩnh vực mới có thể trao đổi, góp ý cho địa phương. Qua đó, đáp ứng yêu cầu và nâng chất việc hỗ trợ địa phương; đồng thời, nâng cao năng lực toàn diện của bản thân. Vì yêu cầu của phương châm là cán bộ phải hỗ trợ toàn diện, nắm toàn diện, phản ánh toàn diện, mà trọng tâm là các vấn đề nổi lên để giúp Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo, giải quyết. Đối với địa phương cũng mạnh dạn báo cáo đầy đủ tình hình, nhất là hạn chế, yếu kém (không nên giấu giếm, chạy theo thành tích) để cán bộ theo dõi, hỗ trợ nắm, nghiên cứu, giúp sức tháo gỡ khó khăn.

Đặc biệt, ngay đầu nhiệm kỳ, các xã, phường, thị trấn, các huyện, thành phố đã và đang tập trung triển khai cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025, sắp tới là Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nên cán bộ tỉnh, huyện, xã theo dõi, hỗ trợ địa phương, cơ sở cần chủ động tiếp cận nội dung các văn kiện để góp sức hỗ trợ cho các địa phương quán triệt, cụ thể hóa thực hiện nghị quyết. Nghiên cứu chọn những vấn đề cụ thể đưa vào Nghị quyết năm 2021 để tập trung lãnh đạo thực hiện. Hỗ trợ xây dựng kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Đồng khởi mới” giai đoạn 2020 - 2025 với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, tổ chức phát động phong trào thi đua trong toàn hệ thống chính trị, đến từng hộ dân, không hô hào chung chung.

Đối với cấp ủy địa phương cần xác định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của mình trước Đảng bộ và nhân dân trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở địa phương là chính, cán bộ theo dõi, hỗ trợ chỉ là góp sức, tạo thêm sức mạnh cho địa phương hoàn thành nhiệm vụ.

T.A (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN