
Khánh thành cầu giao thông nông thôn. Ảnh: Nguyễn Sơn
Tập trung công tác tuyên truyền
Sau khi đưa ra thảo luận, tiếp thu ý kiến bổ sung, Huyện ủy đã ký ban hành Chương trình hành động số 38-CTr/HU thực hiện NQ 33. Theo đó, các chi bộ, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch tổ chức học tập quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện NQ 33 ở địa phương, đơn vị theo hướng tập trung vào các vấn đề trọng tâm, những khâu đột phá phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội của từng địa phương.
Để việc tuyên truyền, quán triệt học tập NQ 33 đạt chất lượng, trong quá trình triển khai, quán triệt, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các ngành chức năng của huyện, các cấp ủy tập trung làm rõ những nội dung trọng tâm và những vấn đề mới của NQ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, ban hành công văn chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền những chuẩn mực văn hóa, đạo đức con người Bến Tre, trong đó có người dân Mỏ Cày Bắc; cấp phát 1.835 quyển tài liệu tuyên truyền.
Kết quả tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên đạt 75%; quần chúng nhân dân đạt trên 70%. Các nội dung NQ và các văn bản liên quan được đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên lồng ghép vào các bài báo cáo, tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được cấp ủy các cấp quan tâm, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục công dân, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, của quê hương.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò, vị trí của văn hóa, nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới luôn gắn với việc học tập và làm theo Bác; biểu dương gương người tốt, việc tốt; đấu tranh ngăn chặn việc lưu hành các sản phẩm văn hóa độc hại trên địa bàn với ít nhất 1 lần/tháng.
Những điểm sáng văn hóa
Theo Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mỏ Cày Bắc Phạm Văn Truyền, tinh thần NQ 33 đã cơ bản lan tỏa, thấm sâu, tạo những chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện. Qua 5 năm có trên 1,3 ngàn hộ gia đình văn hóa tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng. Đáng lưu ý, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy.
Nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực phát huy được truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng; góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa. Các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện chú trọng việc đấu tranh phê phán, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng đến xây dựng đời sống văn hóa và nền văn hóa tiên tiến.
Xã Tân Thành Bình được xem điểm sáng trong xây dựng văn hóa con người ở huyện Mỏ Cày Bắc. Xã có 9/9 ấp đạt ấp văn hóa 5 năm liên tục; 4 trường học, 5 cơ quan, các nơi thờ tự trên địa bàn đều đạt danh hiệu văn hóa. Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lê Văn Linh cho biết: “Trong qua trình triển khai, Đảng ủy bám xác nội dung của NQ 33 và các kế hoạch của Huyện ủy. Trong đó, trọng tâm chăm lo, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc. Đồng thời, xây dựng văn hóa và con người phát triển toàn diện, hướng đến chân thiện mỹ cũng như đảm bảo quy chế dân chủ, phát huy tinh thần tương thân tương ái”. Xã Tân Thành Bình đã thành lập các tổ giúp nhau về ngày công lao động, cây giống để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,89%, với 116 hộ.
Không riêng Tân Thành Bình, cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành tạo điều kiện và phối hợp với các trường học, tổ chức đoàn, hội, đội... tổ chức các buổi về nguồn để giáo dục truyền thống lịch sử cho đoàn viên, thanh niên, học sinh. Triển khai có hiệu quả các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, các chính sách an sinh xã hội, hình thành lễ hội “Đền ơn đáp nghĩa” vào ngày 27-7 hàng năm; phong trào thi đua Đồng khởi mới, Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh thành các phong trào ý nghĩa.
Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Phạm Văn Truyền cho biết: “Trong quá trình lãnh đạo, yếu tố đặc thù cũng rất được các cấp ủy, chính quyền coi trọng, việc tận dụng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và đề ra những giải pháp thực hiện NQ dựa vào tính chất, đặc thù của địa phương chính là một trong những yếu tố quan trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa, con người và quản lý các hoạt động văn hóa trên địa bàn huyện”.
Theo ông Truyền, huyện sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đối với lĩnh vực văn hóa. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là triển khai, quán triệt thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào tại các địa phương, đơn vị.
Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, nhất là các loại hình thông tin trên mạng internet, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, thanh thiếu niên. Quyết tâm đoàn kết và phát huy sức mạnh của người dân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người; trong đó có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn, truyền dạy những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dòng họ cho các thế hệ tiếp theo.
Trong 5 năm qua, huyện đã vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp để xây dựng mới, sửa chữa các bia tưởng niệm, lưu niệm với tổng kinh phí trên 2,7 tỷ đồng. Hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm xây dựng, nâng chất gắn với việc nâng chất gia đình, ấp, cơ quan, đơn vị, xã văn hóa và phong trào xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, toàn huyện có trên 31.000/32.895 hộ gia đình văn hóa, đạt 94,85% theo tiêu chuẩn mới; tỷ lệ người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan đạt từ 80% trở lên. Toàn huyện có 102/102 ấp đạt chuẩn văn hóa, 13/13 xã văn hóa, 4/13 xã nông thôn mới. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đều phấn đấu để xây dựng môi trường làm việc, học tập, sinh sống lành mạnh.
Ngoài ra, các cấp ủy đảng luôn coi trọng công tác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền vận động nhân dân, người có đạo thực hiện tốt phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”.
|
Thiên Di