Tìm hiểu về kỹ thuật đọc sách

22/04/2019 - 07:01

BDK - Nhân sự kiện Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6 năm 2019 (21-4), xin trân trọng giới thiệu với quý bạn đọc 2 tựa sách bàn về kỹ thuật đọc nhanh, đó là cuốn “Kỹ thuật đọc nhanh” của Nguyễn Huy Côn và “Đọc sách siêu tốc” của Christian Grüning (do nhóm HANUO9 dịch).

Bìa của 2 tựa sách. Ảnh: H. Linh

Bìa của 2 tựa sách. Ảnh: H. Linh

Văn hóa đọc đã và đang là vấn đề được nêu ra để bàn luận, trao đổi rất nhiều trên các diễn đàn. Khi mà số liệu thống kê trung bình về số người đọc sách ở nước ta những năm gần đây chỉ từ 0,8 - 4 cuốn sách/năm, lợi ích của việc đọc đối với sự phát triển của con người được nhắc đi nhắc lại hầu mong muốn xây dựng nên thói quen đọc sách cho người dân Việt. Ở một khía cạnh khác, nhiều người cho rằng “không có nhiều thời gian” để đọc sách. Vậy làm sao để có thể đọc được nhiều sách hơn với quỹ thời gian eo hẹp?

Cần kỹ thuật đọc

Mục đích chính của kỹ thuật đọc nhanh mà các tác giả xác định trong 2 tựa sách trên hiển nhiên là để giúp người đọc có thể đọc được nhiều sách, nhiều tài liệu hơn. Tuy nhiên, đọc nhanh mà tác giả hướng tới “không có nghĩa là đọc qua loa, hời hợt. Đọc nhanh được hiểu là một quá trình nhận thức chủ động, tự giác. Trong quá trình đó, người đọc phân tích các sự kiện suy lý rồi mới tiến hành tổng hợp những khái niệm riêng và đặt cơ sở cho những tri thức mới… Đọc nhanh là kỹ thuật đọc đảm bảo rút ra từ tài liệu đã đọc những thông tin hay với tốc độ nâng cao”, tác giả Nguyễn Huy Côn viết.

Nói đến hiệu quả của đọc nhanh, tác giả Nguyễn Huy Côn cũng phân tích: “… Đối với sinh viên, người nghiên cứu thì có điều kiện chủ động nắm nhanh bài đọc, đối với thầy giáo thì có điều kiện tổ chức hợp lý và tốn ít thì giờ soạn bài, giảng dạy ở trường học, còn đối với người lãnh đạo, quản lý thì khai thác được tối đa thời gian hiếm có của mình để đọc”. Tác giả cũng nêu lên các tiêu chuẩn để đánh giá tốc độ đọc nhanh theo các nghiên cứu của Mỹ gồm: đọc bình thường 200 - 300 từ/phút, đọc nhanh từ 300 - 500 từ/phút, đọc rất nhanh trên 500 từ/phút. Mức độ hiểu bài tính bằng 70% toàn bộ nội dung thông tin của bài đọc. Tỷ số giữa tốc độ đọc với mức độ hiểu bài gọi là hiệu quả đọc và là chỉ tiêu để đánh giá kỹ năng đọc.

Là một luật sư, một nhà kinh tế học đồng thời còn là người điều hành một học viện và một nhà xuất bản, cùng tham gia công tác giảng dạy, với lịch làm việc dày đặc, Christian Grüning thấu hiểu tình trạng “không có đủ thời gian đọc” mà nhiều người chia sẻ. Ông viết: “Niềm ham thích và niềm vui đọc sách dù lớn đến đâu cũng bị cản trở bởi quỹ thời gian quá eo hẹp. Ngoài ra, phải thú nhận rằng khi nhìn chính giá sách của mình, ngoài một vài ý nhỏ, tôi không thể kể lại những gì tôi đã đọc trong các cuốn sách đó, kể cả khi tôi đã dành 20, 30 tiếng đồng hồ hay thậm chí còn nhiều hơn để đọc chúng. Dần dần tôi nhận ra rằng, chỉ có việc cải thiện kỹ năng đọc mới giúp tôi giải quyết được vấn đề của mình…”.

Cần biết mục đích đọc sách

Trong “Đọc sách siêu tốc”, Christian Grüning giúp người đọc xác định được mức độ đọc sách hiện tại cũng như chia sẻ kinh nghiệm của ông, đồng thời hướng dẫn việc tăng cường khả năng tập trung khi đọc sách, tăng cường khả năng đọc hiểu, ghi nhớ, hồi tưởng nội dung đã đọc. Theo Grüning, cần xem mỗi cuốn sách như là một dự án cần hoàn thành và muốn hoàn thành một cách hiệu quả thì cần biết mục đích đọc sách là gì. Tác giả viết: “Xác định mục đích đọc sách chính là điểm khởi đầu của bạn. Bạn hãy tự đặt cho mình ít nhất 4 câu hỏi dưới đây: Tôi đọc cuốn sách này vì mục đích gì? Cuốn sách này có ý nghĩa quan trọng thế nào đối với tôi? Tôi muốn lĩnh hội được những thông tin gì từ cuốn sách này? Tôi muốn áp dụng những kiến thức thu được vào lĩnh vực nào?”.

Còn đối với Nguyễn Huy Côn, trong “Kỹ thuật đọc nhanh”, tác giả phân tích cụ thể các đặc điểm của quá trình đọc, các nhược điểm của kiểu đọc truyền thống. Tác giả cũng giới thiệu 5 phương pháp đọc gồm: đọc sâu, đọc nhanh, đọc chọn lựa, đọc lướt và đọc điểm. Tất cả 5 phương pháp này đều nhằm mục đích đọc nhanh theo quan điểm có chương trình xử lý những điều mới đã đọc được.

Đọc nhanh hơn để đọc được nhiều hơn và hiệu quả hơn. “Nhưng đọc nhanh có những giới hạn của nó cần lưu ý khi áp dụng. Về thời gian, không nên đọc nhanh suốt ngày và về phương pháp thì không nên cứ theo một kiểu… Chưa ai dám khẳng định rằng phương pháp đọc nhanh là vạn năng, là phương pháp tối ưu để thu nhận thông tin. Do vậy, điều quan trọng là phải nắm được phương pháp và lý giải được để áp dụng trong quỹ thời gian có được mà có hiệu quả cao nhất”, tác giả Nguyễn Huy Côn lưu ý.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích