Tìm mộ thân mẫu cụ Ðồ Chiểu

29/06/2018 - 07:33

BDK - “Nhìn nấm mồ thấp bé của bà Trương Thị Thiệt, thân mẫu cụ Đồ nằm khiêm khổ ở cánh đồng Hữu Nhơn, không ít người không khỏi chạnh lòng”.

Tác giả bên bia mộ bà Trương Thị Thiệt, thân mẫu cụ Đồ Chiểu.

Tác giả bên bia mộ bà Trương Thị Thiệt, thân mẫu cụ Đồ Chiểu.

Năm 1843, lúc 21 tuổi, Nguyễn Đình Chiểu đỗ tú tài ở Trường thi Gia Định. Năm 1846, ông ra Huế học tập chờ khoa thi Hương Kỷ Dậu năm 1849. Nhưng vào ngày 10-12-1848 (nhằm ngày rằm tháng 11 năm Mậu Thìn), mẹ Nguyễn Đình Chiểu mất ở Gia Định. Được tin mẹ mất, ông bỏ kỳ thi, dẫn em trai là Nguyễn Đình Tựu, theo đường bộ về Nam chịu tang.

Trên đường từ kinh thành Huế trở về Gia Định, vì quá thương khóc mẹ, vì gian nan vất vả, thời tiết thất thường, Nguyễn Đình Chiểu lâm bệnh nặng. Ông đã nghỉ lại chữa bệnh, học nghề thuốc tại nhà ông thầy Trung, vốn dòng dõi ngự y ở Quảng Nam. Căn bệnh nan y làm hai mắt ông bị mù. Lâm cảnh mù lòa, bỏ kỳ thi Hương, hôn thê bội ước, gia cảnh sa sút... Những bi kịch nghiệt ngã của đời người chọn đến ông. Nguyễn Đình Chiểu đóng cửa chịu tang mẹ cho đến năm 1851 mở trường dạy học và làm thầy thuốc ở Bình Vi (Gia Định). Truyện thơ bất hủ Lục Vân Tiên có thể ông sáng tác trong thời gian này.

Quân Pháp đánh chiếm cửa Hàn (Đà Nẵng) năm 1858 và tháng 2-1859, chúng đánh lấy Cần Giờ. Ngày 17-2-1859, thành Gia Định cũng thất thủ. Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình rời bỏ Gia Định về sống quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc (Long An).

Sau Hòa ước Nhâm Tuất (5-6-1862), ký tại Sài Gòn, ba tỉnh Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường mất luôn vào tay giặc Pháp. Phong trào “tỵ địa” không sống chung, bất hợp tác Pháp nổi lên, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình rời Thanh Ba, Cần Giuộc về sinh sống tại Ba Tri, Bến Tre.

Bà Trương Thị Thiệt, thân mẫu Nguyễn Đình Chiểu, sinh ngày 15-10-1800, ở Tân Triêm, làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Khi mất, bà được gia tộc, bà con an táng cũng tại nơi này; giờ đây là phường Cầu Kho, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Vì sao hiện nay cụ bà Trương Thị Thiệt lại an nghỉ ở cánh đồng ấp Hữu Nhơn, xã Hữu Định, huyện Châu Thành (Bến Tre)?

Em Lê Trần Hoàng Tiến, sinh viên, quê ấp Phú Chiến, xã Phú Hưng, TP. Bến Tre, cùng bạn đi đặt bẫy chim cúm núm ở cánh đồng ấp Hữu Nhơn, phát hiện và cho chúng tôi biết phần mộ bà Thiệt và nhiều người thân an nghỉ nơi đây. Chúng tôi đã chứng kiến, ghi lại hình ảnh, tư liệu để cung cấp cho quý độc giả gần xa.

Theo Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (tập 2, trang 447), khi về Ba Tri (1862), Nguyễn Đình Chiểu xây nhà nơi đâu chưa tìm nơi chốn đó được. Chỉ biết đến năm 1877, Nguyễn Đình Chiểu dời nhà đến làng An Bình Đông (trước đây cùng xã An Đức, đã được chia ra nay là thị trấn Ba Tri). Từ 1862 - 1877 là 15 năm.

Chúng tôi ghi nhận thêm rằng, cả việc tìm chọn nền nhà cũ của cụ Nguyễn Đình Chiểu để đặt bia kỷ niệm cũng chấp nhận thế thôi. Chuyện là ngày 2-12-1972, đoàn sưu tìm tài liệu về Nguyễn Đình Chiểu do Hồ Hữu Tường dẫn đầu đến Ba Tri và chọn nơi đặt bia kỷ niệm cụ Đồ. Đoàn gặp một số nhân sĩ, trong đó có cụ Trần Đơn Quế, sinh năm 1891, tức 3 năm sau ngày Nguyễn Đình Chiểu qua đời, một danh nho, danh y ở Ba Tri; cùng cháu nội cụ Đồ... nhưng cũng không xác định rõ. Vì địa điểm nền nhà cũ chưa được xác định nên Quận trưởng Ba Tri lúc ấy đề nghị ghi là nền nhà cũ của Nguyễn Đình Chiểu nằm trên khu này thay vì chỉ định hẳn một nơi (Theo tài liệu của Hội Ái hữu cựu học sinh Trung học Kiến Hòa). Bia kỷ niệm đó hiện nay chúng ta được thấy, cách đầu chợ Ba Tri khoảng 100m.

15 năm khi Nguyễn Đình Chiểu ở Cần Giuộc đã về Ba Tri, mới dời nhà đến làng An Bình Đông (An Đức). Trước đó, ông ở nơi nào đất Ba Tri? Chúng tôi tìm hiểu phần mộ thân mẫu ông không biết thời gian nào, ai đã cải táng, di dời về an nghỉ tại làng Mỹ Hòa, thuộc Mỹ Chánh Hòa trước đây. Phần mộ bà Thiệt nằm trên đất giồng gần nhà ông Năm Niếu, ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hòa (Ba Tri). Ngày 6-4-2008 (ngày 1-3 năm Mậu Tý) cháu sơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu là Nguyễn Văn Phước (Đình Phước), Nguyễn Thị Nữ cùng con cháu đã cải táng, di dời về ấp Hữu Nhơn, xã Hữu Định, huyện Châu Thành (Bến Tre). Cùng đợt cải táng, di dời này, ngoài bà Trương Thị Thiệt, còn có bà Nguyễn Thị Thành, em gái và 2 con cụ Nguyễn Đình Chiểu là bà Nguyễn Thị Ngọc Hương và ông Nguyễn Đình Ngưỡng (con trai út cụ Nguyễn Đình Chiểu), cũng từ các xã Mỹ Hòa, Mỹ Chánh, Mỹ Nhơn (Ba Tri).

Xin được nhắc lại: con gái Nguyễn Đình Chiểu là bà Sương Nguyệt Anh, mất ngày 20-1-1921, hưởng dương 58 tuổi. Bà được an táng nơi chôn nhau cắt rốn - xã Mỹ Nhơn. Năm 1959, bà được họ hàng, bà con cải táng về nằm bên phần mộ của cha, mẹ tại ấp Giồng Cụt, xã An Đức (Ba Tri) như hiện nay.

Việc tưởng niệm, tri ân đối với các bậc tiền nhân không chỉ một sớm một chiều... Với gia tộc Nguyễn Đình - Nguyễn Đình Chiểu và bà Trương Thị Thiệt, thân mẫu của ông cũng như thế, phải thế. Sao mà nhìn nấm mồ thấp bé của bà Trương Thị Thiệt thân mẫu cụ Đồ nằm khiêm khổ ở cánh đồng Hữu Nhơn, không ít người không khỏi chạnh lòng!

Bài, ảnh: Minh Trấn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • Phan Sơn Cách đây 19 năm

    Bài viết lan man, không tập trung vấn đề chính. Minh Trấn vẫn là MT