Tháng 2-2022, công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm và tai nạn, tệ nạn xã hội tập trung các nội dung chủ yếu sau:
1. Mùa khô, mọi người cần cẩn thận khi tham gia các hoạt động vui chơi tại các địa điểm tắm sông, tắm biển. Tuyệt đối không được ra những nơi nước sâu; tránh xa các khu vực bãi bồi dễ sụt lún hoặc có nước chảy xiết; luôn lưu ý các biển cảnh báo, biển cấm để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
2. Căn cước công dân (CCCD) gắn chip là một trong những loại giấy tờ quan trọng góp phần kiến tạo chính phủ điện tử. Trong thời gian tới, chíp điện tử trên thẻ CCCD có thể cập nhật thêm các thông tin cá nhân như bảo hiểm, ngân hàng, giấy phép lái xe, dữ liệu tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19… Tuy nhiên, nhiều người đã chia sẻ hình ảnh CCCD gắn chíp của mình trên mạng xã hội. Việc làm này sẽ bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể như dựa vào thông tin quét được trên mã QR hoặc thông tin in trên thẻ CCCD, các đối tượng xấu sẽ biết rõ nơi ở của công dân, từ đó có thể theo dõi để phục vụ cho ý đồ của chúng. Ngoài ra, việc vay tiền tại các tổ chức tín dụng bằng việc người vay chỉ cần cung cấp số CCCD, số điện thoại… Từ hình ảnh CCCD do người dùng chia sẻ trên mạng xã hội, các đối tượng xấu có thể lợi dụng thông tin này để vay tiền và chủ nhân số CCCD sẽ trở thành con nợ mà không hề hay biết.
Đề nghị người dân không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD gắn chíp trên mạng xã hội. Khi bị mất CCCD gắn chíp, công dân cần trình báo lên cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ và phòng ngừa các rủi ro khác từ việc bị mất CCCD.
3. Thời gian qua đã xảy ra trường hợp có người tự xưng là cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) và liên hệ với các cơ quan, doanh nghiệp để vay, mượn tiền. Đối tượng cũng ra điều kiện hứa hẹn giúp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến công tác PCCC&CNCH; hoặc bán các bộ tài liệu về công tác PCCC&CNCH. Công an tỉnh khẳng định không có bất cứ quy định, chủ trương nào cho phép cán bộ, chiến sĩ của đơn vị thực hiện các hành vi nêu trên. Đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân và nhân dân trong tỉnh đề cao cảnh giác.
4. Trên địa bàn các tỉnh miền Tây, trong đó có Bến Tre đã xuất hiện tội phạm “làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Đề nghị mọi người nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn của tội phạm tiền giả. Trong lúc trao đổi mua bán, cần kiểm tra kỹ các đặc điểm nhận dạng của tiền, có thể nhận biết tiền thật, tiền giả bằng một số cách:
- Tiền thật được in trên chất liệu Polymer, có độ đàn hồi và độ bền cao, có thể kiểm tra bằng cách nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và khi mở ra, tờ tiền sẽ đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm.
Tiền giả khi nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và mở ra sẽ không đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm; khi kéo, xé nhẹ ở cạnh tờ tiền sẽ dễ bị giãn hoặc rách.
- Soi tờ tiền trước nguồn sáng, kiểm tra hình bóng chìm và hình định vị:
+ Hình bóng chìm: Bên trái mặt trước hoặc bên phải mặt sau tờ tiền nhìn thấy rõ từ hai mặt tờ tiền được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo và sáng trắng; đối với mệnh giá 500 ngàn đồng và 20 ngàn đồng là hình ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; mệnh giá 10 ngàn đồng là hình ảnh chùa Một Cột.
+ Hình định vị: Tờ mệnh giá 10 ngàn đồng và 20 ngàn đồng phía trên bên trái mặt trước hoặc phía trên bên phải mặt sau tờ tiền; tờ mệnh giá 50 ngàn đồng và 500 ngàn đồng phía trên bên phải mặt trước hoặc phía trên bên trái mặt sau tờ tiền nhìn thấy hình ảnh trên hai mặt khớp khít, tạo thành một hình ảnh hoàn chỉnh, các khe trắng đều nhau.
Ở tiền giả, hình bóng chìm chỉ là hình ảnh mô phỏng, không tinh xảo; hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau.
L.Truyền - H.Đức