Tình hình lao động việc làm đầu năm 2023

06/02/2023 - 07:07

BDK - Nhu cầu tuyển dụng lao động (LĐ) của các doanh nghiệp (DN) trong quý I và II-2023 trên địa bàn tỉnh khá dồi dào, với gần 5 ngàn người, gồm các ngành nghề: may mặc, da giày, chế biến thủy hải sản, điện - điện tử, chế biến các sản phẩm từ dừa và các ngành khác...

Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động thông qua kênh Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre.

Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động thông qua kênh Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre.

Tuyển nhiều lao động

Đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, số DN trong các khu công nghiệp (KCN) và Cụm công nghiệp (CCN) Long Phước hoạt động trở lại bình thường. Công nhân trở lại làm việc tại các DN đạt 98,58% so với trước Tết Nguyên đán.

Tỉnh có 2 KCN An Hiệp và Giao Long và CCN Long Phước, với 46 DN đang hoạt động. Các DN sử dụng 33.685 LĐ. Cuối năm 2022, có 12 DN xảy ra trình trạng thiếu hụt đơn hàng nên phải cắt giảm số LĐ đã hết hạn hợp đồng LĐ hoặc người lao động (NLĐ) tự nghỉ việc rơi vào thời điểm cận Tết Nguyên đán đã làm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của NLĐ với số LĐ cắt giảm 3.777 LĐ.

Tuy nhiên, đầu năm 2023, các DN hoạt động bình thường. Đơn hàng tăng, nhu cầu tuyển dụng LĐ của các DN tăng, tập trung chủ yếu các ngành nghề may mặc, chế biến thủy sản, sản xuất bộ dây điện dùng cho xe hơi… với nhu cầu tuyển dụng LĐ khoảng 2.961 LĐ.

Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre chủ động liên hệ với các DN đăng ký thông tin nhu cầu tuyển dụng LĐ thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre để làm cầu nối việc làm cho NLĐ với các DN. Đồng thời, sở còn chỉ đạo khảo sát các DN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng LĐ trước Tết Nguyên đán, trong quý I và đầu quý II -2023, với 52 DN, khoảng 4.920 LĐ, gồm các ngành nghề như: may mặc, da giày 2.810 người, chế biến thủy hải sản 660 người, điện - điện tử 1 ngàn người, chế biến các sản phẩm từ dừa 100 người và các ngành khác 250 người (cơ khí, điện công nghiệp, điện lạnh, kế toán, quản trị kinh doanh, tiếp thị, giúp việc gia đình, LĐ phổ thông).

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Trong năm 2022, trung tâm đã thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ theo quy định, đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 1.052 NLĐ trước và sau Tết Nguyên đán. Tổ chức đưa thông tin tuyển dụng của các DN lên báo, đài để thông tin tuyên truyền về việc làm cho NLĐ được biết. Phát hành tờ rơi, bản tin về LĐ việc làm, treo băng-rôn, áp-phích và đăng thông tin tuyển dụng LĐ lên website của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre tại địa chỉ www.vieclambentre.net để NLĐ và các DN truy cập tìm kiếm việc làm”.

Dự báo xu hướng

Do ảnh hưởng từ sự suy giảm của kinh tế thế giới, hoạt động tuyển dụng của nhiều DN trong nước đã chững lại từ quý IV-2022, xuất hiện tình trạng một số DN sản xuất khó khăn về đơn hàng buộc phải giảm giờ làm, cắt giảm LĐ. Tình hình LĐ năm 2023, theo đó, trở nên khó dự báo hơn.

Ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia dự báo nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực TP. Hồ Chí Minh dự đoán: “Trong thời gian tới sẽ nổi lên xu hướng gia tăng số lượng LĐ trên các nền tảng công nghệ chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm, LĐ giản đơn trở nên yếu thế, xu hướng LĐ phi chính thức gia tăng”.

Theo ông Tuấn, việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất và ứng dụng công nghệ số dần phổ biến và làm thay đổi hình thức việc làm trên thị trường LĐ. Động thái trên bắt nguồn từ sự dịch chuyển sang thời kỳ chuyển đổi số của Việt Nam và trở thành xu thế chủ đạo trong thời đại số hóa hiện nay. Trong bối cảnh tất cả các ngành nghề và lĩnh vực xã hội đều ứng dụng công nghệ hóa, hiện đại hóa thì LĐ muốn giữ vững việc làm phải thành thạo một kỹ năng chuyên môn nhất định, LĐ giản đơn dần ít có cơ hội việc làm và bị đào thải.

Bên cạnh đó, khi bước vào thế giới nghề nghiệp thì cũng đừng nghĩ rằng học đại học sẽ thành công rất cao còn những bậc học khác không thành công. Trong việc làm của thời kỳ kỷ nguyên số, then chốt nổi bật chính là sự phù hợp nghề với chính mình. Mỗi người có một năng lực, sở trường, một điều kiện để bước vào nghề nghiệp và thị trường LĐ.

“Hiện các ngành nghề đang có xu hướng thay đổi của công nghiệp 4.0 và gắn liền với kỷ nguyên số nên sự tương tác về ngành nghề đang rất rộng lớn, sự tích hợp nghề đan xen và mở rộng ra. Thị trường LĐ đang vận hành với rất nhiều ngành nghề. Theo đó, hệ thống đào tạo cũng đang hoàn chỉnh các ngành nghề mới theo hướng công nghệ số. Chúng ta đừng quá tưởng tượng rằng những ngành này sẽ tạo ra thu nhập, những ngành kia sẽ không tạo ra thu nhập. Không nên cho rằng những ngành nghề đó sẽ kiếm được nhiều tiền ở giai đoạn hiện hữu...”.

 (Chuyên gia dự báo nhân lực - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và phát triển nhân lực TP. Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn)

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN