Trước đây, các chú, các anh, những nhà tuyên huấn đi trước tôi hay nói vui rằng:
- Cái thằng Tiền Phong, nó lớn lên là nhờ ăn cơm Tuyên huấn…
Nghĩ đúng lắm. Tôi tham gia cách mạng và trưởng thành từng “nấc thang” của ngành Tuyên huấn Bến Tre. Từ buổi đầu chỉ hiểu qua loa rằng: Tuyên - Văn - Giáo (Tuyên huấn) là cái nghề cờ - đèn - kèn - trống, đến nhận thức sâu hơn, rộng hơn đó là sự nghiệp, là mặt trận văn hóa tư tưởng, là cốt lõi của sự nghiệp cách mạng… thì đã trải qua một quá trình khá dài đối với tôi.
Ngược dòng đời. Vào một ngày đầu năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi, khi tôi đang “truyền” lại những bài hát, điệu vũ (mà tôi đã được bộ đội Giải phóng quân dạy cho thiếu niên nhi đồng hồi thời đình chiến năm 1954) cho đoàn thiếu nhi quận Hòa Đồng gởi qua ấp Bình Trung, xã Tân Phú Trung (Bình Đại) quê tôi nhờ tập luyện để về phục vụ ở tỉnh Gò Công, thì bỗng có lệnh rút tôi về huyện.
Buổi đầu về “xứ lạ”, ông Mười Thi (Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang) lúc bấy giờ là Bí thư Huyện ủy huyện Bình Đại hỏi tôi:
- Năm nay cháu được bao nhiêu tuổi rồi?
Tôi thưa đầy đủ:
- Dạ tuổi ta mười lăm, tuổi tây mười bốn.
Ông cười nói:
- Cái thằng nhỏ này nó thiệt như đếm vậy. Rồi ông xoa đầu, vỗ vai tôi:
- Kể từ nay tổ chức đưa cháu qua làm Tuyên Văn Giáo nghe hôn.
Tôi hỏi:
- Làm Tuyên Văn Giáo là làm gì cháu đâu có biết.
Ông lại cười:
- Thì làm mấy cái chuyện mà cháu làm ở xã trước giờ đó.
Tôi vui lắm, kể ra một loạt:
- Nếu mà… múa vũ, in bột, vẽ tranh, cờ, viết băng biểu ngữ, bích chương, khẩu hiệu, truyền đơn… thì cháu làm được hết. Vậy… làm mấy thứ đó là làm Tuyên Văn Giáo đó hả, ngộ hén!
Kể từ cái “đêm trước”, cũng như sau Đồng Khởi, ở Bến Tre hầu như nơi nào cũng sôi động phong trào “bề nổi, bề sâu, bề rộng” trong mỗi xã, ấp, khu dân cư. Đi bất cứ đâu cũng thấy băng, cờ, khẩu hiệu, bích chương, kể cả sát đồn giặc. Chúng càn vô đốt phá, chúng rút lui ta làm lại đẹp hơn. Tại cái ấp Bình Trung, cận nhà tôi có một cây cui cao, tàn rộng, đó là một loại cây mà người ta coi như là loại gõ quý ở xứ này. Cây cui che khuất miễu Bà, là điểm họp của các cán bộ nằm vùng ở lại sau đình chiến (hiệp định Giơnevơ). Một lần bà Nguyễn Thị Định ở nhà tôi và đã tổ chức họp “binh cơ bất khả lậu” với mấy chú, mấy anh địa phương dưới gốc cui này. Ngày Đồng Khởi, chúng tôi đã cắm là cờ đỏ “ngôi sao xanh” trên ngọn cây cui. Tàu của giặc, ghe đò của dân đi trên sông cửa Đại, của Tiểu nhìn lên, rồi hành khách đi trên xe Á Đông hay xe quân sự của giặc, đi lên xuống Bình Đại - Bến Tre - Mỹ Tho… đều thấy lồng lộng. Bọn dân vệ, bảo an không dám trèo lên gỡ vì cây cui đó “là của bà”, nên chúng sợ bà… bẻ cổ. Lúc bấy giờ tôi giữ vai chính về chuyện ca múa vũ và in bột, vẽ vời. Chung quanh nội dung tranh tôi vẽ, in bột rồi dán, rải khắp xã Tân Phú Trung như: “Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao là tên sen đầm quốc tế”, “Gia đình trị Ngô Đình Diệm”, “Đĩ quốc tế Trần Lệ Xuân”. Kế đó là tranh về phía ta như: Công – Nông – Binh – Trí thức, đốt bót, phá lộ, đốt cầu… gây xôn xao trong nhân dân, rúng động bọn tề làng. Đêm đêm, du kích, nam nữ thanh niên, thiếu nhi tập trung trên các sân rộng, đồng khô để múa vũ rộn ràng. Ở xã, ấp, cuộc mít-tinh nào cũng có phần liên hoan văn nghệ sau cùng.
Khi được rút về Ban Tuyên Văn Giáo (Bình Đại), nghề của tôi được giao rộng hơn. Hàng ngày cùng với các anh lo chép tin đọc chậm của đài Hà Nội (Đài Tiếng nói Việt Nam), rồi in bột phát hành đến các xã và mọi ngành trong huyện; mang cả khuôn in, bột, giấy mực theo Ban lãnh đạo để phục vụ từng chiến dịch tấn công địch. Trong đó, đặc biệt có thêm nghề mới nữa là món ảo đăng (đèn chiếu) và vẽ tranh trong bản kẽm, rồi in bằng kéo quay guốc (in ronéo) tán phát tận đồn bót giặc. Sôi nổi nhất là món đèn chiếu (bà con gọi là chớp bóng, chiếu phim), chiếu bằng hình vẽ trong phim cũ của họa sĩ Hà Mãnh từ Ban Tuyên Văn Giáo tỉnh Bến Tre gởi tới tôi cùng anh Hai Thừa, nguyên cán bộ Tuyên Văn Giáo huyện Bình Đại, cán bộ Tỉnh Đoàn Bến Tre mang đèn măng-xông đi chiếu ở nhiều vùng trong huyện, kể cả vùng cận đồn giặc, lính dân vệ cũng lén ra coi…
Ở Ban Tuyên Văn Giáo huyện “tung hoành” một thời gian tôi được chuyển sang làm thư ký văn phòng Huyện ủy Bình Đại. Nơi đây đã tạo ra “bước ngoặt” cuộc đời tôi đến tận bây giờ. Tôi bắt đầu “bắt chước” theo báo Chiến Thắng để tập viết tin, làm thơ, viết chuyện gương điển hình, ca cổ, vẽ tranh… để gởi cho báo Chiến Thắng cùng tập san Văn Nghệ Đồ Chiểu. Dù được đăng hay không tôi vẫn cứ viết tới tới, không chán. Rồi một hôm có anh Chí Nhân, người Tổng quản Ban Tuyên Văn Giáo tỉnh Bến Tre và sau đó cả anh Nguyễn Hồ, cán bộ biên tập báo Chiến Thắng ghé căn cứ Huyện ủy tại một vùng rừng chà là gai làm việc và xin tôi về trên ấy. Tôi phải tập sự cho người thừa kế một thời gian để thông thạo cái nghề thư ký văn phòng rồi mới được lên đường.
Ngày tôi về Ban Tuyên Văn Giáo Bến Tre (năm 1964), người đầu tiên tôi gặp là anh Chí Nhân. Tôi rất mừng vì anh là người đồng hương quê Bình Đại với tôi. Anh nói liền:
- Ý định của Ban là đưa chú em mày qua công tác bên báo Chiến Thắng là phù hợp…
Tôi lại ngây ngô:
- Vậy là em không công tác Tuyên Văn Giáo nữa…
Anh cười nói:
- Báo Chiến Thắng là một bộ phận của ngành Tuyên Văn Giáo đó mà.
Thời gian đầu về báo Chiến Thắng, tôi được anh Năm Thông, phụ trách Tiểu ban Thông tin báo chí phân công nhiều việc như: đánh máy, minh họa báo, đi viết tin, bài theo từng chủ đề. Thỉnh thoảng, theo anh Nguyễn Hồ đi chiến dịch với Tiểu Đoàn 516 và đi phong trào… Sau khi học xong lớp báo chí thuộc Trung ương cục miền Nam (R) về (1964), tôi được phân công lo chuyện soạn bản “Tin Loa” hàng tuần, in ronéo (kéo quay guốc) để phát hành đến các xã trong tỉnh để phát loa và dán ở các phòng thông tin, kế đó là quản lý sử dụng, điểm tin các tờ tin tức xã, thị trấn trong tỉnh. Trong những năm sáu mươi, toàn tỉnh Bến Tre, xã, thị trấn nào cũng có tờ tin tức in bột ra hàng tuần với nội dung được chắt lọc, phong phú, mang tính cổ động cao. Được một thời gian không lâu, đến khoảng từ năm 1966, tôi được phân công chuyên làm phóng viên, đặc biệt là phóng viên chiến trường. Năm 1969, tôi được rút về làm phóng viên báo Giải Phóng, thuộc Ban Tuyên huấn khu 8 – Trung Nam bộ. Đến năm 1976, cấp khu giải thể, tôi được chuyển về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Tiền Giang, phụ trách báo Ấp Bắc, rồi Đài PT-TH Tiền Giang cho tới sau này.
Ngày 29 tháng 7 năm 2010, Bến Tre tổ chức họp mặt kỷ niệm lịch sử 80 năm Ngày Truyền thống ngành tuyên huấn của Đảng (1-8-1930 – 1-8-2010). Trong từng giai đoạn, ngành có tên gọi khác nhau như: thập kỷ 60 của thế kỷ 20 gọi là Tuyên Văn Giáo, kế đó là Tuyên giáo, rồi… Tuyên huấn. Cũng chung nghĩa là Tuyên Văn Huấn Giáo vậy. Cũng trong những ngày này, khắp nơi trong nước đều tổ chức lễ kỷ niệm ngày truyền thống lịch sử vẻ vang này của quê hương mình. Bao nhiêu người con xuất thân từ Tuyên huấn Bến Tre đã và đang công tác hoặc nghỉ hưu ở mọi miền đất nước cùng đông đảo đại diện gia đình liệt sĩ ngành Tuyên huấn cũng về họp mặt; trong đó có tôi, người từ nhỏ “ăn cơm tuyên huấn lớn lên”. Cả hội trường rộng thênh thang của Tỉnh ủy Bến Tre chật người gồm hai ba thế hệ Tuyên huấn, trong đó người tóc bạc của thế hệ Tuyên huấn 80 không còn mấy ai. Thế hệ Tuyên huấn bốn, năm mươi năm như tôi còn lại cũng không bao nhiêu, bởi lẽ thấp nhất những người còn lại cũng đã… sáu-mươi-cái-tuổi-xuân! Đội ngũ đông nhất là thế hệ hôm nay, tương lai của đất nước. Chúng tôi nói với nhau: “Đây là một cuộc họp mặt thế kỷ”. Bởi 80 năm, bởi ba bốn mươi năm Tuyên huấn ta mới có dịp gặp mặt nhau ngày trọng đại này. Đối với tôi, đây là lần kỷ niệm lịch sử trong đời (có ai đoán được chúng mình còn gặp gỡ nhau như vậy lần nào nữa không?). Xưa kia trong hiểm nguy gian khổ, đồng nghiệp động viên tư tưởng với nhau chỉ một câu ngắn gọn rằng: “Hễ đi làm cách mạng là đừng tính năm ngày tháng, chết vẫn luôn coi thường. Đảng là trên hết!”. Giờ tính lại là cả một thế kỷ. Nếu tính thế hệ kế tiếp như tôi thì cũng đã hơn bốn mươi năm Tuyên huấn. Thời gian, xương máu và nước mắt trôi đi theo chiều dài lịch sử như vậy nhưng khi gặp lại nhau, kể lại mỗi việc làm ở mỗi người nghe mà tưởng chừng như mới hôm qua. Chuyện cũ nào cũng mới nghe, cũng nóng hổi bởi chục chục năm trời chưa có dịp gặp gỡ nhau để kể cho nhau nghe bao chuyện chung - riêng của Tuyên huấn, của sự nghiệp đời mình.

Tác giả Tiền Phong (thứ ba, từ trái sang) cùng lãnh đạo Tuyên huấn tỉnh
và các nhà báo thời kháng chiến. Ảnh: A.NG
Về sự nghiệp chung, tôi thấy rằng lịch sử 80 năm của Tuyên huấn Bến Tre thật xứng đáng là huyền thoại. Huyền thoại riêng trong huyền thoại chung của quê hương Đồng Khởi Bến Tre. Nếu viết về biên niên sử của Tuyên huấn Bến Tre với đầy đủ con người và sự kiện có thể đến… vạn trang. Bởi từng bộ phận như Văn phòng Ban, nơi “tổng hành dinh” đến các tiểu ban: Tuyên truyền Giáo dục, Huấn học, Thông tấn, Báo chí, Văn nghệ, Trường Đảng Trần Trường Sinh, Văn công, Điện ảnh, Nhiếp ảnh, Triển lãm, Nhà in, Bảo tồn Bảo tàng… Đó là những bộ phận cấu thành cơ thể cường tráng, dẻo dai của một ban bệ nhà Tuyên. Và, mỗi nơi đều có những thành tựu “thế kỷ” về mình, về bao kỷ niệm chung - riêng, về bao tấm gương bất khuất, kiên trung, liêm khiết của người làm Tuyên huấn đã ngã xuống mà không hưởng được phút giây nào của Tổ quốc hòa bình.
Có thể nói, trên trái đất này hiếm có nơi nào như ở Việt Nam; và cũng hiếm có nơi nào như ở Bến Tre. Trong cuộc chiến tranh ác liệt, đau thương tang tóc tới đỉnh cao của loài người trong thế kỷ 20, vậy mà khi toàn dân Đồng Khởi nổi dậy chống chiến tranh không chỉ bằng vũ khí thô sơ, ong vò vẽ, mà có cả một thế trận văn hóa tư tưởng hùng mạnh, vững bền, làm động lực phi thường cho cuộc kháng chiến thần thánh. Tôi thuộc thế hệ hậu sanh, hậu duệ của các bậc tiền bối Tuyên huấn Bến Tre, song từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước tôi đã hưởng được bầu không khí rất Tuyên huấn khắp nơi ở tỉnh nhà. Trước, trong và sau Đồng Khởi, bộ đội chủ lực lo đánh giặc đi càn, đánh công đồn đã viện, mở màn, mở vùng theo từng trận đánh lớn; du kích lo vây bót, diệt đồn; đồng bào lo vót chông, nuôi ong vò vẽ, làm xã chiến đấu ngăn chặn giặc vô làng, đi đấu tranh chính trị… Riêng các binh chủng của ngành Tuyên huấn thì lúc nào cũng sẵn sàng với băng, cờ, truyền đơn, bích chương, biểu ngữ, khẩu hiệu... in bột phát hành tin chiến thắng ở khắp mọi nơi. Khi Đảng cần, họ sẵn sàng xếp binh thơ lại để trực tiếp cầm súng chiến đấu. Ấp nào cũng có dựng nhiều phòng thông tin, kể cả sát đồn giặc để trưng bày Báo Chiến Thắng, tờ báo Đảng in chữ chì đẹp nhất với nội dung phong phú nhất tỉnh nhà lúc bấy giờ cùng tin tức mới được thay đổi từng ngày cho nhân dân đến xem, kể cả lính đi càn cũng đứng coi trước khi đốt phá. Bà con còn bào láng cả thân cây dừa theo đường làng để sơn cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng, kẻ khẩu hiệu đả đảo Mỹ Diệm, kêu gọi binh lính quay súng về với nhân dân… Báo Chiến Thắng, cơ quan tranh đấu của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre, tập san Văn Nghệ Đồ Chiểu có mặt tới người xem tận xã, ấp. Ngoài đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Bến Tre còn có đoàn văn công huyện. Xã có ban văn nghệ, ấp có đội ca vũ kịch của nam nữ Thanh lao (Đoàn Thanh niên) thiếu niên nhi đồng… Mỗi khi bộ đội ta thắng trận trở về, du kích diệt xong đồn bót, các mẹ, các chị “Đội quân tóc dài” đi đấu tranh trực diện với kẻ thù giành thắng lợi là dứt khoát được phục vụ văn nghệ, chiếu phim hay ảo đăng. Ngoài Báo Chiến Thắng, tập san Văn Nghệ Đồ Chiểu, xã nào cũng có tờ tin in bột, hoặc sao y những tác phẩm hay, có nội dung cổ động tính chiến đấu, ra đều đặn để phục vụ xã nhà và giao lưu với xã bạn.
Đặc biệt Bến Tre có phong trào giáo dục mạnh nhất Nam bộ trong chiến tranh. Trường học mở ra từ cấp tỉnh, huyện đến xã, ấp. Trường lớp là từ nhà dân, dưới trản xê tránh bom pháo hay trong rừng. Dù không ít nơi bị giặc đốt phá trường lớp, tàn sát, hãm hiếp, bắt bớ học sinh một cách man rợ nhưng thầy trò vẫn không bỏ trường lớp, vẫn chiến đấu anh dũng để bảo vệ trường, bảo vệ học sinh thương yêu của mình. Học ban ngày trở ngại thì học ban đêm. Lớp lớp học sinh ra trường cũng là lớp lớp xuống đường đi bộ đội, đi thanh niên xung phong hay bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Trong đó không ít nhân tài nối nghiệp thế hệ Tuyên huấn cho đến hôm nay.
Người của các thế hệ Tuyên huấn cùng chung niềm tự hào về truyền thống Đồng Khởi của quê hương mình; tự hào về con đường mình đã chọn “làm cách mạng là làm tuyên huấn”. Nếu Bến Tre là một quê hương Đồng Khởi thì Tuyên huấn Bến Tre cũng là huyền thoại của Đồng Khởi Bến Tre.
Cuối năm 2010.