Tôn vinh văn hóa đọc và giá trị của sách

20/04/2022 - 12:57

BDK - Tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh vừa diễn ra lễ khai mạc chuỗi hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022. Chuỗi hoạt động sẽ diễn ra từ ngày 19 đến hết ngày 22-4-2022 với các hoạt động khuyến đọc như: không gian trưng bày, xếp sách nghệ thuật, sách số, cùng các cuộc thi robocon, thi cảm nhận sách… thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên và cộng đồng quan tâm, tham gia.

Bạn đọc trải nghiệm đọc sách điện tử.

Bạn đọc trải nghiệm đọc sách điện tử.

Nuôi dưỡng tri thức

Sách được xem là chiếc chìa khóa mở cửa kho tàng trí tuệ và tâm hồn con người, là người thầy, người bạn thân thiết của mỗi người. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc, từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chọn ngày 21-4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Các sự kiện của ngày sách góp phần tôn vinh vai trò của sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười nhấn mạnh: Một kho vàng không bằng một nang sách. Qua sách và văn hóa đọc, cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực được khẳng định, tôn vinh, các giá trị cao đẹp, nhân văn được nhân rộng, cái xấu, lạc hậu được đẩy lùi.

Chuỗi sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2022 chú trọng nhiều không gian trưng bày, giới thiệu sách, xếp sách nghệ thuật, mang đến cho bạn đọc những góc nhìn và cảm nhận mới đối với việc đọc sách. Ngoài ra còn có các nội dung sinh hoạt chuyên đề “Thanh niên với văn hóa đọc”, trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý, tọa đàm về thân thế và sự nghiệp Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và các tác phẩm văn học gắn với giá trị văn hóa truyền thống Bến Tre, giới thiệu tác giả, tác phẩm: Tác giả Võ Thành Hạo và tập thơ “Khúc tự tình của dòng sông”…

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre Đặng Thị Phượng nêu ý kiến: “Đọc sách có vai trò, tác dụng lớn với mỗi người, song phải đọc sách như thế nào, phương pháp đọc sách ra sao là vấn đề cần được đặt ra. Việc chọn sách để đọc, chọn môi trường để đọc, chọn kiến thức để tìm hiểu rất cần thiết”.

Bạn Phạm Nguyễn Bảo Trân, sinh viên năm 2 ngành Kỹ thuật xây dựng, Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại Bến Tre cho biết: “Việc đọc sách giúp cho em tìm ra nhiều ý tưởng mới, kiến thức mới bổ trợ thêm cho việc học của em. Em thường đọc các loại sách về lịch sử, giáo trình, sách về nghiên cứu khoa học”.

Tham dự các hoạt động tại chương trình, Thiếu úy Võ Hoàng Nhân, Đại đội Trinh sát, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: “Theo cảm nhận của tôi, ngày hội sách diễn ra rất vui. Sách giúp trau dồi thêm kiến thức ở rất nhiều mặt, góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc. Tôi cũng thường chọn đọc sách về khoa học công nghệ, sách về lịch sử truyền thống của dân tộc”.

Đọc sách thời công nghệ số

Công tác hơn 30 năm trong ngành thư viện, cô Nguyễn Thị Trinh, viên chức thư viện huyện Mỏ Cày Bắc chia sẻ: Việc đọc có ý nghĩa với mỗi người, làm gì thì mình cũng cần việc đọc. Nhưng các em thiếu nhi ngày nay bị chi phối nhiều bởi Internet và các trò chơi trên mạng, mạng xã hội, nên tổ chức các hoạt động này cũng góp phần vận động, thu hút thanh thiếu nhi đọc sách nhiều hơn.

Chị Phạm Thị Yến Vy (du khách Tiền Giang) cùng con trai học lớp 4 đến không gian sách chia sẻ: “Tôi muốn cho con trai đọc sách nhiều hơn chứ bây giờ điện thoại nhiều quá thì các con cũng ít đọc sách. Hôm nay, tôi cũng chọn mua cho con những sách về kỹ năng, cách học tự tin cho con. Tôi nhận thấy thị trường sách ngày nay cũng phong phú, đáp ứng nhu cầu của nhiều lứa tuổi”.

Tại không gian Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay còn có khu vực trải nghiệm đọc sách điện tử, kệ sách số, các thiết bị thư viện số, ngày hội công nghệ STEM, tranh tài robocon… Các hoạt động trải nghiệm số mang đến cho bạn đọc tiếp cận xu hướng đọc sách hiện đại, rộng mở hơn.

Trong thời đại công nghệ số, việc đọc hiện không chỉ gói gọn ở phương diện đọc sách in một cách truyền thống mà đã được phát triển thêm với các phương thức mới. Sách điện tử và việc đọc sách trực tuyến đã dần trở nên gần gũi với bạn đọc. Không nằm ngoài xu hướng vận động đó, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu đã đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, trong đó là số hóa sách, tài liệu, địa chí về Bến Tre để phục vụ bạn đọc.

Trải nghiệm đọc một ấn bản số tư liệu quý về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trên thiết bị công nghệ ngay tại chương trình, bạn Đặng Minh Duy Đạt, đoàn viên Trường Trung cấp Công nghệ Bến Tre (phường An Hội, TP. Bến Tre) chia sẻ: Việc đọc giúp em bổ sung cho mình kiến thức mới, em thấy sự kiện có nhiều sách mà trước nay em chưa biết. Ngoài sách in em cũng có đọc sách điện tử trên điện thoại. Em thích cả hai hình thức, sách điện tử thì có thiết bị thông minh, có thể đọc ở mọi nơi”.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 sẽ mang lại cơ hội và điều kiện để bạn đọc nâng cao tri thức. Xa hơn là góp phần xây dựng người dân Bến Tre, thế hệ trẻ nói riêng vừa hồng vừa chuyên, cùng nhau thực hiện công cuộc “Đồng khởi mới”, góp phần xây dựng quê hương xứ Dừa giàu đẹp.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN