TP. Bến Tre, hành trình đi lên đô thị, Bài 1: Thị xã Bến Tre - dấu son ngời đỏ

17/12/2018 - 07:09

BDK - TP. Bến Tre ngày nay, thị xã Bến Tre trước đây, là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh. Với tiềm năng, lợi thế và cả những khó khăn nhất định, thị xã Bến Tre nỗ lực phấn đấu xây dựng thị xã đạt chuẩn đô thị loại III vào năm 2007; nâng cấp và tiến tới công nhận thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2009. Quá trình này đã góp phần tạo nên những tác động tích cực cho một giai đoạn lịch sử đáng nhớ của địa phương.

Phát triển TP. Bến Tre mở rộng về phía Nam (Mỹ Thạnh An). Ảnh: Phan Hân

Phát triển TP. Bến Tre mở rộng về phía Nam (Mỹ Thạnh An). Ảnh: Phan Hân

Trung tâm tỉnh lỵ lâu đời

Vào cuối thế kỷ thứ XVII, cách đây khoảng 400 năm, vùng đất của Bến Tre nói chung và thị xã Bến Tre bấy giờ còn nhiều hoang sơ, dân cư thưa thớt. Đến thế kỷ thứ XVIII, qua nhiều biến cố của lịch sử, nhiều tốp người từ miền Trung, các tỉnh lân cận bắt đầu di dân đến vùng này để khai khẩn đất hoang, họ tập trung nhiều ở các gò đất cao, ven sông rạch để dễ dàng khai khẩn, định cư sinh sống và lập làng.

Theo Địa chí Bến Tre, địa danh Bến Tre là một trung tâm hành chính kể từ khi thực dân Pháp đặt dinh tham biện đầu tiên bên bờ rạch Bến Tre vào tháng 6-1867. Ngày 1-1-1900, Toàn quyền Paul Doumer áp dụng nghị định đổi sở tham biện thành tỉnh. Từ đó, Bến Tre được gọi là tỉnh và chính thức đặt tỉnh lỵ, đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được đổi tên thành thị xã Bến Tre. Sau nhiều lần thay đổi, đến năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tỉnh Bến Tre giữ nguyên cho đến ngày hôm nay. Tính về tuổi, Bến Tre qua những tên gọi khác nhau đã tồn tại 151 năm (1867 - 2018), còn nếu là tỉnh lỵ của một đơn vị hành chính cấp tỉnh thì được 118 năm (1900 - 2018).

Trong những chặng đường phát triển ấy, mỗi giai đoạn đều có những thành tựu có ý nghĩa lịch sử riêng. Giai đoạn 1975 - 1985, là thời kỳ thị xã tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng một xã hội mới, một chế độ mới, nhất là một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, để làm động lực cho suốt quá trình xây dựng và phát triển về sau. Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thái Xây cho biết, từ sau ngày 30-4-1975, cơ sở hạ tầng thị xã gần như không có gì, chiến tranh tàn phá hết. Dân tản cư trong chiến tranh về cư trú sinh sống dọc bên tuyến sông Bến Tre với nhà cửa tạm bợ, tạo nên một hình ảnh nhếch nhác, thiếu văn minh, mất trật tự cho bộ mặt thị xã. Để giải quyết việc này là cả một bài toán không đơn giản của các lãnh đạo thời kỳ ấy.

Giai đoạn 1986 - 1996, là thời kỳ thị xã thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng do Đại hội VI khởi xướng, tạo những tiền đề cho bước phát triển mới của thị xã. Các cấp ủy bắt đầu thay đổi cả về kiến trúc đô thị đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho đô thị được tập trung đầu tư nâng cấp: công viên, cây xanh, chiếu sáng, cấp thoát nước, vệ sinh, bưu chính viễn thông, các chợ trung tâm, chợ khu vực đã xây dựng cơ bản phục vụ được yêu cầu. Bộ mặt đô thị đã từng bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội.

Nhịp nối thời gian

Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh Nguyễn Tấn Đạt - nguyên Bí thư Thành ủy cho biết, đặc biệt từ khi có Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy ngày 30-1-2002 về việc “Đẩy mạnh phát triển đô thị thị xã Bến Tre giai đoạn 2002 - 2005 và định hướng đến năm 2010”, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các sở, ngành tỉnh, Đảng bộ thị xã nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn, tận dụng tốt thời cơ, tập trung phát triển kinh tế - xã hội.

Lúc bấy giờ, các cấp ủy thị xã đã tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị; khắc phục, hoàn thiện những mặt yếu, làm cho diện mạo của thị xã có những bước thay đổi đáng kể. Trong đó, xác định cơ sở hạ tầng là khâu then chốt mang tính đột phá về cảnh quan đô thị. “Xác định xóa bỏ nhà sàn, mở rộng tuyến đường xương sống - đại lộ Đồng Khởi, chính quyền đẩy mạnh vận động bằng mọi cách giải phóng mặt bằng vì mục tiêu xã hội. Ba tuyến đường Hùng Vương, đại lộ Đồng Khởi, Đồng Văn Cống (ngày nay) phải giải phóng trên 2 ngàn hộ với 15 ngàn người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây là chủ trương đúng và phù hợp làm dấu ấn tiên quyết định vị chiến lược xây dựng đô thị của Tỉnh ủy và Thị xã ủy lúc bấy giờ”, ông Nguyễn Tấn Đạt cho hay.

Trong dòng hồi ức của nhiều người dân TP. Bến Tre ngày nay vẫn còn in dấu những dãy nhà xập xệ dọc theo đại lộ Đồng Khởi hay hàng bần hoang, những nhà sàn nhấp nhô trên sông Bến Tre dọc theo đường Hùng Vương. “Còn nhớ, lúc tuyến đường Hùng Vương mở rộng nối dài đến vàm (bến phà Hàm Luông cũ), nhiều người không tin vào mắt mình, có người vỡ òa trong niềm vui đường sá rộng lối, khang trang, xóm dân cư ngày ấy “lên đời”, ông Trần Ngọc Hà, sinh năm 1956, ở đường Hùng Vương gợi nhớ. Theo ông Hà, Khu phố 3, Phường 5, TP. Bến Tre nơi ông hiện sống trước năm 1975 là xã Mỹ Hóa còn hoang sơ, ít người sống, xung quanh là vườn tre và nghĩa địa.

Rồi từ đó, nhiều dự án, công trình dịch vụ công cộng với quy mô lớn, kiến trúc đẹp đặc trưng của thành phố văn hóa do tỉnh, thành phố đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau đã hoàn thiện như: Dự án cầu Bến Tre, kè chống sạt lở bờ Bắc sông Bến Tre, công viên cây xanh, cảnh quan dọc rạch Cái Cối, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Bến Tre… góp phần làm cho diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Với nhiều nỗ lực, cả những gian lao của chính quyền và người dân, năm 2007, thị xã Bến Tre được công nhận là đô thị loại III. Đánh dấu bước trưởng thành quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như phù hợp với chiến lược phát triển đô thị và định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị đến năm 2020. Năm 2009, Chính phủ ban hành nghị quyết thành lập TP. Bến Tre trực thuộc tỉnh. Năm 2012, Đại hội lần thứ XI của TP. Bến Tre quyết định xây dựng thành phố loại II.

Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, giai đoạn này vẫn lấy hướng trọng tâm là cơ sở hạ tầng, đặc biệt khâu phát triển kinh tế - thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Cán bộ, công chức làm việc không ngơi nghỉ tập trung xây dựng các chương trình, dự án và tuyên truyền đến người dân. Bản thân lãnh đạo lăn xả trên mặt trận tuyên truyền, vận động người dân giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình giao thông, tiếp tục thay đổi quan cảnh thị xã.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be đánh giá: “Từng giai đoạn, từng thời kỳ, các đồng chí lãnh đạo thị xã ngày ấy và thành phố hiện tại có những cố gắng và quyết tâm nhất định. Trong đó, có sự quyết đoán của người cán bộ, quan tâm đeo bám để thực hiện có hiệu quả và công nhận TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại III trực thuộc tỉnh, hướng tới công nhận đô thị loại II. Đây là bước đi đúng định hướng phát triển đô thị”.

T.Đồng - A.Nguyệt - Ph. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN