|
Tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh (ảnh chụp lại). Ảnh: NG.D |
Sau quá trình chuẩn bị, tỉnh sẽ chính thức tổ chức lễ trao Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu lần thứ I năm 2010, vinh danh những tác giả có nhiều đóng góp cho văn học - nghệ thuật tỉnh nhà vào đầu tháng 9 tới đây. Về các vấn đề liên quan đến Giải, ông Hồ Trường, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Giải cho biết:
- Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu là giải thưởng của tỉnh, được xét 5 năm một lần cho văn nghệ sĩ có thành quả lao động sáng tạo xuất sắc, có tác phẩm văn học - nghệ thuật mang giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh phong phú, chân thật và sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội, về vùng đất, con người Bến Tre trong kháng chiến chống ngoại xâm và trong xây dựng đất nước hôm nay.
* Một thành viên Hội đồng của Giải từng so sánh: Lần trao giải đầu tiên này như một cách để “trả nợ quá khứ”. Ông có đồng ý với ý kiến này không?
- Đúng vậy!
* Ông có thể nói rõ hơn?
- Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu lần thứ I (30 triệu đồng/giải) sẽ được xét trao cho những văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến, có tác phẩm xuất sắc phản ánh, động viên, cổ vũ quân dân trong hai cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1945-1975) được mọi người ghi nhận. Do khung thời gian kéo dài, đối tượng nhiều, nên Giải thưởng lần thứ I sẽ được chia làm 2 đợt: Đợt 1 xét trao giải vào ngày Lễ Quốc khánh 2-9-2010; đợt 2 dự kiến xét và trao giải vào dịp Lễ hội Truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre 1-7-2011.
Giải thưởng lần thứ I chỉ được xét trao cho những loại hình, thể loại phát triển mạnh trong tỉnh thời kỳ 1945-1975. Cụ thể, văn học: văn xuôi, thơ; âm nhạc: ca khúc, hợp xướng; múa: những điệu múa được biên đạo, trình diễn ở Đoàn Văn công tỉnh; nhiếp ảnh: tác phẩm còn lưu giữ bằng giấy ảnh hoặc được in trên sách, báo, tạp chí thời bấy giờ; mỹ thuật: tranh, ký họa; sân khấu: kịch bản cải lương. Trong những loại hình, thể loại này, nếu bản chính của tác phẩm không lưu giữ được do hoàn cảnh chiến tranh, Hội đồng giám khảo sẽ căn cứ vào tác phẩm viết lại được xuất bản sau ngày giải phóng hoặc từ văn bản giới thiệu của văn nghệ sĩ cùng thời với tác giả.
Ngày 12-8, Hội đồng Sơ khảo đã họp, bỏ phiếu kín bình chọn bước 1, để đề xuất lên Hội đồng Chung khảo quyết định trao giải đợt I.
* Để nhận giải thưởng cao quý này, một cá nhân phải đáp ứng được những yêu cầu nào, thưa ông?
- Tác giả tham dự giải với nhiều thể loại, loại hình nghệ thuật (mỗi thể loại, tác giả được tham dự xét giải tối đa 3 tác phẩm), Hội đồng Giải thưởng chỉ tặng thưởng cho một tác phẩm hoặc công trình văn học - nghệ thuật có giá trị cao nhất. Mỗi tác giả chỉ được nhận Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu một lần. Tác giả đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước không được xét trao giải này.
* Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Giải Nguyễn Quốc Bảo chỉ đạo tổ chức buổi lễ trao Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu phải thật trang trọng, xúc động và đáng ghi nhớ. Thời điểm diễn ra lễ trao giải không còn xa nữa, ông và các thành viên đã chuẩn bị như thế nào?
- Chúng tôi đang chạy đua với thời gian. Ngoài việc chuẩn bị: Logo, bằng chứng nhận Giải, bản thân thế và thẩm định tác phẩm của từng cá nhân được xét thưởng, chúng tôi còn tổ chức dàn dựng, biểu diễn những tác phẩm tiêu biểu (đối với loại hình sân khấu, múa, âm nhạc), triển lãm (đối với mỹ thuật, nhiếp ảnh)… Hy vọng, sự nỗ lực này sẽ góp phần tạo thêm một nét sinh hoạt văn hóa của tỉnh nhà trong chuỗi hoạt động chào mừng Lễ Quốc khánh.
UBND tỉnh đã ban hành Quy chế Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu và hướng dẫn thực hiện Quy chế; ra quyết định thành lập Ban tổ chức, Hội đồng Giải thưởng trước mỗi lần xét giải để bảo đảm tính dân chủ, khách quan. |