
Khách hàng đến giao dịch tại Phòng Kế toán Nhà nước Kho bạc Nhà nước Bến Tre.
Kết quả năm 2022
Bám sát mục tiêu, phương châm hành động nêu trên và Đề án CĐS của tỉnh, hệ thống KBNN Bến Tre đã triển khai đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) trong cả 6 lĩnh vực: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Qua đó, góp phần quan trọng vào hoạt động CCHC của ngành.
Cải cách TTHC theo hướng lấy khách hàng là trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân và các đơn vị. Đối với thủ tục thuộc lĩnh vực thu ngân sách nhà nước (NSNN), KBNN Bến Tre đã triển khai nhiều giải pháp trong cải cách công tác thu NSNN. Mở rộng phối hợp thu với tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) có đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh. Đến tháng 12-2022, KBNN Bến Tre đã phối hợp thu với 9 NHTM gồm: BIDV, Agribank, Vietinbank, VPBank, MB bank, Vietcombank, Lienviet Post Bank, MSB và HDBank Chi nhánh Bến Tre. Thông qua đó, tất cả các khoản thu NSNN qua ngân hàng được ghi nhận trực tiếp ngay vào hệ thống qua các tài khoản chuyên thu của KBNN mở tại ngân hàng, bảo đảm tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời nguồn thu cho NSNN. Việc mở rộng phối hợp thu đã rút ngắn thời gian và thủ tục nộp tiền cho người nộp thuế (giảm từ 30 phút xuống còn 5 phút/giao dịch).
Việc triển khai Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được KBNN Bến Tre tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trên địa bàn tỉnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tại hệ thống KBNN Bến Tre, trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 7.000 chứng từ chi NSNN, tỷ lệ chứng từ thanh toán điện tử thông qua DVCTT đạt trên 99%. Các hồ sơ được giải quyết và trả kết quả đúng thời hạn theo quy định, được cá nhân và tổ chức đánh giá hài lòng, từng bước hướng tới kiểm soát chi điện tử.
Thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy của KBNN tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, chất lượng phù hợp với Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030, từ tháng 10-2019, KBNN Bến Tre thực hiện sắp xếp, kiện toàn các phòng thuộc KBNN tỉnh theo hướng tinh gọn, giảm các đầu mối trung gian, các nhiệm vụ chuyên môn được cụ thể hóa rõ ràng, không chồng chéo. KBNN tỉnh đã sáp nhập KBNN TP. Bến Tre về KBNN cấp tỉnh, đồng thời điều chuyển nhiệm vụ của các phòng theo cơ cấu tổ chức. Đến nay, cơ quan KBNN Bến Tre đã giảm từ 7 phòng nghiệp vụ xuống còn 5 phòng và giảm từ 9 KBNN cấp huyện xuống còn 8.
Công tác hiện đại hóa hành chính được triển khai hiệu quả và đồng bộ. Trong năm 2022, KBNN tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng ứng dụng phần mềm quản lý rủi ro trong thu NSNN nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thu NSNN. Với chương trình ứng dụng này, KBNN tỉnh đã quản lý chặt chẽ nguồn thu NSNN, đảm bảo cân đối và bố trí đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi phát triển và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nhiệm vụ năm 2023
Đối với hệ thống KBNN, mục tiêu và phương châm hành động năm 2023 là: “Tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030; đẩy mạnh CĐS vào các hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng phục vụ khách giao dịch”, KBNN Bến Tre tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể là tập trung cải cách TTHC theo hướng giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình, thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu số các giao dịch TTHC với các đơn vị sử dụng NSNN.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực để phục vụ cho các chức năng, nhiệm vụ mới của hệ thống KBNN trong thời gian tới. Tiếp tục kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với chiến lược, lộ trình cải cách của KBNN về: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; tạo tiền đề tiến tới sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình kho bạc 2 cấp (cấp Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức điều hành và cấp tỉnh là cấp thực hiện) theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS vào các hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ để nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của đơn vị và nâng cao chất lượng DVCTT phục vụ cho tổ chức, cá nhân, góp phần xây dựng, hoàn thành kho bạc điện tử, kho bạc số và Đề án CĐS của tỉnh.
Bài, ảnh: Hiền Trí