Triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp

17/04/2023 - 05:23

BDK - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa ban hành Kế hoạch số 1082/KH-SNN triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực NN&PTNT năm 2023. Ngành đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, gắn với nhiệm vụ mà Ban Chỉ đạo Quốc gia về CĐS giao cho tỉnh năm 2023 là triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp (NN) và nền tảng truy xuất nguồn gốc.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, quý I-2023.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, quý I-2023.

Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh cho biết: CĐS ngành NN năm 2023 có 3 nội dung chính: Một là, phát triển nền tảng dữ liệu số NN. Hai là, triển khai thí điểm các thiết bị giám sát mặt đất phục vụ cho thu thập dữ liệu trong quá trình canh tác. Ba là, tăng cường triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu số và thực hiện các phân hệ phần mềm.

Để phát triển nền tảng dữ liệu số NN, ngành sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số phục vụ nhu cầu CĐS trong cơ quan nhà nước. Hình thành nền tảng dữ liệu số NN phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của sở, ngành và địa phương; phát triển thương mại điện tử, dịch vụ NN số, khai thác triệt để thông tin, dữ liệu đã có bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu tuân thủ theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh.

Tổ chức triển khai phần mềm quản lý NN số giúp quản lý về địa lý, bản đồ chuyên đề về NN, môi trường nước trong trồng trọt và thủy sản, quản lý tình hình diễn biến sâu hại và dịch bệnh. Đồng thời, triển khai phần mềm quản lý và phát triển kinh tế NN số giúp quản lý chuỗi cung ứng vật tư đầu vào đầu ra cho ngành NN. Xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi thú y: quản lý về tổng đàn vật nuôi (gia súc, gia cầm, vật nuôi khác); tình hình sản xuất, khả năng cung ứng các sản phẩm chăn nuôi; tỷ lệ tiêm phòng và tình hình dịch bệnh; hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc thú y - thức ăn chăn nuôi; kiểm soát giết mổ và kiểm dịch xuất, nhập tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành NN còn triển khai thí điểm các thiết bị giám sát mặt đất phục vụ cho thu thập dữ liệu trong quá trình canh tác. Trong đó, xây dựng mạng lưới giám sát tình hình sâu hại và thiên địch trên cây trồng. Phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với mã số vùng trồng, kết hợp với công nghiệp chế biến sâu, quản lý mã số cơ sở chế biến. Đồng thời, triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu số và thực hiện các phân hệ phần mềm, gồm: Quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản tỉnh. Bản đồ GIS giám sát và dự báo môi trường nước trong quản lý nghêu ở các huyện. Quản lý cơ sở dữ liệu chăn nuôi thú y. Quản lý, sử dụng và tạo lập dữ liệu bản đồ chuyên ngành NN quản lý vùng canh tác, gồm: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp và lắp đặt 3 trạm giám sát sâu rầy thông minh.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh, sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát, bám sát nội dung các chương trình, kế hoạch CĐS của Bộ NN&PTNT, khẩn trương thực hiện các hoạt động triển khai phù hợp với thực tiễn; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp có tính khả thi, phù hợp với lộ trình CĐS chung. Hiện sở có văn bản gửi Bộ để có hướng dẫn xây dựng, tổ chức, triển khai nền tảng dữ liệu số về NN, nền tảng truy xuất nguồn gốc hiệu quả, tích hợp, đồng bộ, dữ liệu thông suốt kết nối với nền tảng dữ liệu của Bộ NN&PTNT.

Ngoài ra, trong năm 2023, ngành NN triển khai tiếp tục xây dựng nền tảng dữ liệu số về NN, nền tảng truy xuất nguồn gốc. Tập trung chỉ đạo đơn vị (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) đẩy nhanh tiến độ phân hệ phần mềm quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản tỉnh.

Toàn ngành NN&PTNT và địa phương quyết tâm, tranh thủ tối đa thời cơ phát triển, khắc phục những khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

“Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương lựa chọn một số nông sản chủ lực, cây giống chủ lực, cây kiểng chủ lực của địa phương để triển khai xây dựng vùng sản xuất tập trung, phát triển công nghiệp chế biến sâu và phát triển thương hiệu sản phẩm NN tỉnh. Bên cạnh đó, sở còn tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của CĐS, tạo sự đồng thuận và tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ CĐS ngành NN”.

(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh)

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích