Ông Trần Thanh Phong thu hoạch rau đắng Nhật.
4 năm trước, ông Phong đã cải tạo lại 3 công đất thâm canh rau má để chuyển sang trồng rau đắng Nhật. Nguồn giống ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa về trồng, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Năm 2021, ông đã tận dụng 20 triệu đồng vay từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân phát triển mô hình, với diện tích 10 công đất.
“Khi mới trồng, tôi chưa có kinh nghiệm nhiều nên rau chậm phát triển, gặp khó về đầu ra và giá cả lại không ổn định. Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho tôi tham gia nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật và tự mài mò, tìm hiểu thêm tư liệu sản xuất trên sách báo. Nhờ đó, vườn rau đắng của nhà tôi dần phát triển tốt và có đầu ra ổn định”, ông Phong tâm sự.
Hiện tại, ông có 7 công đất trồng dừa và 1ha trồng rau đắng Nhật đang cho thu hoạch. Ông thuê thêm hơn 1ha để canh tác lúa cung cấp cho hợp tác xã nông nghiệp ở xã. Ngoài ra, nhờ trồng rau đắng Nhật nên ông lo chu toàn cho 3 người con gái: đầu lòng là du học sinh tại Nhật, thứ 2 là sinh viên Đại học Kiến trúc và út sẽ bước vào lớp 9.
“Tôi trồng rau lúc giá chỉ có 2 ngàn đồng/kg, kiên trì vượt khó và vững chí để duy trì đến nay. Lấy số lượng nhiều cùng công sức để tạo nên giá trị của sản phẩm và thu nhập. Rau đắng Nhật dễ trồng, thời gian chăm sóc ngắn, ít sâu bệnh và năng suất cao. 3 giờ sáng là vợ chồng tôi phải thức dậy cắt rau, đến 7 - 8 giờ hoàn thành”, ông Phong chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Ngãi Trần Quang Thân cho biết: Hội đánh giá rất cao mô hình trồng rau đắng Nhật của hộ Trần Thanh Phong. Hiệu quả kinh tế cao và ổn định về thu nhập. Nông dân Trần Thanh Phong đã đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã và huyện Ba Tri trong nhiều năm liền, phấn đấu để đạt cấp tỉnh và Trung ương.
Bài, ảnh: Lê Đệ