Trung tướng Võ Viết Thanh và câu chuyện “không thể nào quên”

04/09/2015 - 07:15

Trung tướng Võ Viết Thanh (trái) cùng ông Trần Công Ngữ - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh (phải) trao tặng bức ảnh Đại tá Phạm Ngọc Thảo cho Bảo tàng tỉnh. Ảnh: A. Nguyệt

Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Viết Thanh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh là người đã từng “diện kiến” Đại tá Phạm Ngọc Thảo - liệt sĩ, nhà tình báo chiến lược, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với những tình huống, sự việc đã đi vào lịch sử.

Nhân dịp về Bến Tre dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuối tháng 8-2015 vừa qua, Trung tướng Võ Viết Thanh đã dành ít thời gian chia sẻ một vài kỷ niệm, sự kiện liên quan đến Đại tá - nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo mà ông chính là “nhân chứng”. Những sự kiện ấy mãi là mốc lịch sử đáng ghi nhớ không chỉ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của riêng Trung tướng Võ Viết Thanh mà cả trong dấu ấn lịch sử của quê hương xứ Dừa.

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tá Phạm Ngọc Thảo được giao một nhiệm vụ chưa có tiền lệ trong lịch sử tình báo: luồn sâu, leo cao, hoạt động đơn tuyến, lợi dụng mâu thuẫn để đánh địch từ trong ra. Nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo (giai đoạn cuối 1960-1962) nay là Nhà Bảo tàng tỉnh, vừa được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Thời gian Đại tá Phạm Ngọc Thảo ở Bến Tre tuy không dài nhưng đã làm được nhiều việc cho phong trào cách mạng tại Bến Tre. Ông chỉ đạo thả nhiều cán bộ cách mạng bị địch bắt, trong đó có đồng chí Võ Viết Thanh. Số cán bộ này là hạt nhân của các phong trào cách mạng ở Bến Tre và cả nước sau này.

Trung tướng Võ Viết Thanh chia sẻ: “Khi trở về đây (Nhà Bảo tàng tỉnh - nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo), tôi vô cùng xúc động. Đại tá Phạm Ngọc Thảo là một cán bộ tình báo của ta đã hoạt động bí mật trong lòng địch một thời gian dài và lập được nhiều chiến công oanh liệt. Khi công tác ở vị trí Thứ trưởng Bộ Công an, tôi có điều kiện đọc hồ sơ của những đồng chí hoạt động cách mạng trong lòng địch. Theo tôi, trong số những cán bộ hoạt động trong lòng địch lập được nhiều thành tích không ai khác là Đại tá Phạm Ngọc Thảo”.

Trung tướng Võ Viết Thanh kể tiếp: “Năm 1960, tôi (khi ấy là học sinh trung học) và một số đồng chí tham gia phong trào Đồng khởi ở Bến Tre. Trong một trận đánh đối đầu với địch, chúng tôi bị bao vây tại ấp 3, xã Hữu Định (thuộc huyện Châu Thành ngày nay), trong đó, có nhiều anh em hy sinh. Tôi cùng một số anh em khác bị thương, bị bắt làm tù binh. Chúng tôi không chỉ bị bọn chúng mắng chửi mà còn bị đánh đập rất nhiều, sau đó đem giam tại xà lim Ty Công an Bến Tre. Sau thời gian đánh đập, điều tra, bọn chúng đưa chúng tôi vào Khám Lá Bến Tre.

Có một lần, Phạm Ngọc Thảo vào thăm Khám Lá và cho lính vào các phòng giam đưa tù nhân chính trị ra ngồi trước sân của trại. Phạm Ngọc Thảo hỏi tên giám thị trại giam: Những em đó có ở đây không? (tức nhóm học sinh mới 16, 17 tuổi mà đã cầm súng đi theo giải phóng quân bị bắt chung vào đây). Tên giám thị bảo: “Dạ có”, rồi dẫn tôi lên đứng bên cạnh để Phạm Ngọc Thảo biết. Đó là buổi gặp gỡ đầu tiên của tôi với Đại tá Phạm Ngọc Thảo. Lần thứ hai Phạm Ngọc Thảo đến thăm trại giam, cũng như lần trước, tôi được gọi lên đứng cạnh chỗ ông ấy ngồi để ông ấy hỏi chuyện. Phạm Ngọc Thảo hỏi tôi: “Em ở trong tù có khổ lắm không?”. Lúc ấy, tôi cứ nghĩ ông ấy là người của địch nên trả lời theo kiểu nhát gừng, ngắn gọn là: “Khổ!”. Phạm Ngọc Thảo lại hỏi tiếp: “Em có chịu đựng nổi không?”. Tôi trả lời: “Không chịu nổi cũng phải ráng chịu!”. Sau đó thì ông không hỏi nữa.

Sau một thời gian tôi ở tại trại giam này đến ngày 7-7-1961, có một chiếc xe đến trại, họ gọi tên tôi và bảo mang đồ đạc cá nhân ra xe (tôi bị còng tay và đưa ra ngồi phía sau xe). Tôi đinh ninh rằng sẽ bị đưa ra tòa án hoặc là bị đày ra Côn Đảo gì đó, thời khắc ấy, tôi cũng chưa hình dung ra được là họ sẽ đưa tôi đi đâu nữa. Nhưng mà không bao giờ tôi có thể nghĩ rằng mình sẽ sắp được trả tự do. Chiếc xe chở tôi từ trại giam chạy khoảng 10 phút thì xe rẽ vào dinh Tỉnh trưởng. Tại đây, tôi lại được gặp mặt Phạm Ngọc Thảo một lần nữa. Sau vài câu trò chuyện, Phạm Ngọc Thảo nói với tôi: “Hôm nay, qua (tôi) trả tự do cho em. Nếu khi em ra tù, em muốn trở lại học văn hóa thêm, gặp khó khăn gì hãy đến gặp qua giúp đỡ”. Nói rồi, ông quay sang tên Trưởng Ty Công an bảo đưa quyết định trả tự do cho tôi. Tôi được trả tự do và sau đó tiếp tục trở về hoạt động cách mạng. Mãi đến sau này, tôi mới được biết, ông là người cán bộ cách mạng”.

Trung tướng Võ Viết Thanh bày tỏ: “Tôi rất xúc động khi hôm nay có dịp trở về đây - nơi mà tôi đã từng được gặp gỡ Đại tá Phạm Ngọc Thảo và được ông trao quyết định trả tự do, càng vui mừng hơn khi di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Tôi mong rằng, chúng ta sẽ cùng bảo tồn tốt di tích này. Chúng ta phát triển và hội nhập nhưng nhất định phải bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống, những nét văn hóa riêng của đất nước, của quê hương. Đối với Di tích cấp quốc gia nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo nói riêng và các di tích quốc gia khác nói chung, chúng ta phải có trách nhiệm bảo tồn cho thế hệ hôm nay và cho con cháu sau này”.

Ánh Nguyệt (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN