Trường Chính trị tỉnh: Vẻ vang truyền thống 75 năm thành lập và phát triển

07/03/2022 - 05:59

BDK - Theo đề nghị của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Trường Chính trị tỉnh, ngày 2-2-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành quyết định công nhận ngày 7-3-1947 (ngày khai giảng lớp đào tạo cán bộ tập trung đầu tiên của trường cán bộ Việt Minh - tiền thân của trường Đảng, nay là Trường Chính trị tỉnh) là ngày truyền thống của Trường Chính trị tỉnh. Năm nay, lần đầu tiên Trường Chính trị tỉnh kỷ niệm ngày truyền thống, theo quyết định công nhận của Tỉnh ủy, cũng là kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập trường (7-3-1947 - 7-3-2022).

Các đồng chí lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh qua các thời kỳ trước bia lưu niệm Trường Đảng Bến Tre ở cồn Bửng (Thạnh Phú). Ảnh: H. Thanh

Các đồng chí lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh qua các thời kỳ trước bia lưu niệm Trường Đảng Bến Tre ở cồn Bửng (Thạnh Phú). Ảnh: H. Thanh

Sau gần một thế kỷ dưới ách thống trị của chế độ thực dân Pháp, Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Song với dã tâm trở lại xâm lược nước ta lần nữa, rạng sáng ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công, đánh chiếm Sài Gòn, chính thức mở ra cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngày 8-2-1946, chúng đánh chiếm Bến Tre. Sau khi ồ ạt đóng đồn bót, từ cuối năm 1946 bị quân dân ta tấn công mạnh mẽ, địch phải co dần lại xung quanh thị xã, thị trấn và một số tuyến giao thông chính, phần lớn vùng nông thôn được giải phóng.

Đáp ứng yêu cầu cấp bách đào tạo cán bộ cho Đảng lãnh đạo kháng chiến tại địa phương, Tỉnh ủy đã quyết định thành lập trường Đảng lấy tên là Trường Cán bộ Việt Minh tại rừng Bần Mít thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.

Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống, chúng tôi - đoàn cán bộ giảng viên Trường Chính trị tỉnh về nguồn. Đoàn đến dâng hương nơi đặt bia kỷ niệm thành lập trường, trong khuôn viên Khu di tích lịch sử Quốc gia Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh trên biển tại cồn Bửng. Chúng tôi đến thăm lại nơi khi xưa trường Đảng khai giảng lớp học tập trung đầu tiên cho trên 90 học viên, được tổ chức vào một đêm trăng rằm tháng 2-1947 (nhằm ngày 7-3-1947). Hồi đó, trường xây dựng cạnh một con sông, ven rừng Bần Mít (rừng có rất nhiều cây bần mít, là cây bần mà lá giống như lá mít, trái khi chín có vị chua thanh, ăn ngon như bần ổi) nay thuộc ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Phong, nổi tiếng là khu căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến của huyện Thạnh Phú.

Đã hơn 75 năm trôi qua, vật đổi sao dời. Xưa ở đây toàn là bần mít, nay chỉ còn trong chuyện cổ tích. Cả một khu rừng căn cứ bạt ngàn và con sông nhỏ đầy tôm cá ngày xưa chảy qua, nay không còn tìm ra dấu tích. Dòng sông và rừng chồi ngập mặn đã thành giồng cát mênh mông. Nhà cửa kiên cố, cao ráo, sạch đẹp hai bên đường bê-tông rộng rãi thẳng tắp, xen lẫn vườn xoài tứ quý xanh mát mắt, làm tôi bồi hồi nhớ lời thơ bài  “Sông Lấp” của cụ Tú Xương:  “… Sông kia giờ đã lên đồng/ Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai…” Còn bây giờ ở đây thì: “Sông kia giờ đã lên giồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng trái cây…”.

Chứng nhân duy nhất chỉ còn cụ bà Võ Thị Bê, người đã cùng đội văn nghệ tại địa phương tham gia múa hát phục vụ lễ khai giảng, đêm trăng sáng, rằm tháng 2-1947, hồi ấy bà là một thiếu nữ 18, đôi mươi, bây giờ tuy vẫn còn minh mẫn nhưng đã là bà cụ trên 90 tuổi rồi.

Ghé thăm và ngồi trò chuyện với bà con nơi đây ở nhà cụ Võ Thị Bê, chúng tôi hình dung lại lớp học năm xưa. Không thể nào không xúc động khi nhắc đến các bậc tiền bối của trường mà tất cả nay đã thành người quá cố. Đồng chí Trần Trường Sinh, người hiệu trưởng đầu tiên, nhà lý luận sắc bén của tỉnh lúc bấy giờ, sau đó đã hy sinh tại xã Long Toàn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh vào năm 1951; đồng chí Lê Hoài Đôn là người hiệu trưởng kế tiếp, một cán bộ tuyên huấn trẻ tuổi tài hoa, đức độ, cũng đã anh dũng hy sinh cùng với đồng chí giảng viên Dương Xuân Trọng tại cánh đồng An Qui, xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam vào năm 1950. Ngoài ra, còn hàng chục cán bộ giảng viên đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, danh tính đã được tạc trên bia đá đặt tại Khu di tích ở Cồn Bửng.

 Thời gian, hai cuộc kháng chiến kéo dài hơn 20 năm; chiến tranh đã lùi xa, hòa bình thống nhất đất nước cũng đã gần 50 năm rồi, 75 năm qua biết bao nhiêu đổi thay! Nhưng sự hy sinh oanh liệt của các bậc tiền bối vẫn mãi mãi là tấm gương, là nguồn động lực thúc đẩy thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục đóng góp nhiệt huyết, trí tuệ của mình cho sự nghiệp đào tạo cán bộ của Đảng cho quê hương Bến Tre.

Trường Cán bộ Việt Minh tại xóm Bần Mít năm xưa, nay đã được Đảng và nhân dân đầu tư xây dựng, khang trang, rộng rãi trên một khuôn viên đẹp tại TP. Bến Tre. Trang thiết bị dạy và học được đầu tư hiện đại; đội ngũ cán bộ, giảng viên được chăm lo đào tạo cơ bản và chuyên sâu.

Kế thừa và phát huy thành quả những năm qua, cán bộ, giảng viên nhà trường luôn phấn đấu giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị và đạo đức cách mạng, không ngừng học tập, thường xuyên cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy, truyền cảm hứng đến người học; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học thiết thực phục vụ cho việc giảng dạy, góp phần lý giải những vấn đề thực tiễn đặt ra tại tỉnh nhà, xứng đáng truyền thống vẻ vang 75 năm tồn tại và phát triển của trường.

Vũ Hồng Thanh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN