Truy bắt nhanh đối tượng cướp giật

17/11/2009 - 08:42

Thời gian gần đây, địa bàn huyện Giồng Trôm đã xảy ra nhiều vụ cướp giật tài sản trên các tuyến giao thông. Điều đáng mừng là mặc dù số vụ cướp giật xảy ra nhiều, nhưng Công an huyện cũng đã tổ chức đấu tranh, điều tra làm rõ nhiều vụ, đã khởi tố bắt giam nhiều đối tượng gây án trên địa bàn.

Từ ngày 3-7 đến 12-11-2009, Công an huyện đã triệt phá 6 nhóm cướp giật gồm 10 đối tượng, qua đấu tranh, có nhóm đã khai nhận thực hiện trên 10 vụ cướp giật ở địa bàn huyện Giồng Trôm. Điển hình như nhóm cướp giật gồm hai đối tượng là: Nguyễn Hoài Nhân, sinh năm 1986 và Trương Hoàng Thái Vũ, sinh năm 1990, cùng ngụ ở thành phố Bến Tre. Nhân và Vũ bị bắt ngày 3-7-2009 khi đang thực hiện cướp giật. Qua đấu tranh, cả hai đều thừa nhận đã cùng nhau thực hiện cướp giật 12 vụ trên địa bàn huyện Giồng Trôm, 2 vụ thực hiện trên địa bàn thành phố Bến Tre. Tuy nhiên, có những nhóm đối tượng chỉ thực hiện cướp giật ở Giồng Trôm một lần thì bị bắt. Cụ thể như nhóm hai đối tượng: Nguyễn Thái Bảo, sinh năm 1982, thường trú ấp 1, xã Châu Bình (Giồng Trôm) cùng Nguyễn Đăng Khoa, sinh năm 1986, thường trú ở quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh). Bảo và Khoa bị bắt vào sáng 16-10-2009 ngay sau khi cướp giật sợi dây chuyền  2,4 chỉ vàng 18K của chị Nguyễn Thị Thúy Lan. Hay như nhóm gồm hai đối tượng Khấu Văn Tiến, sinh năm  1989, thường trú xã Định Thủy (Mỏ Cày Nam) cùng Đoàn Văn Thật, sinh năm 1985, thường trú xã Sơn Phú (Giồng Trôm); Tiến và Thật chỉ thực hiện cướp giật túi xách một lần thì bị bắt ngày 28-9-2009.
Các đối tượng cướp giật trên địa bàn huyện Giồng Trôm đều bị bắt do truy “nóng” (bị bắt ngay sau khi thực hiện cướp giật). Nói về kinh nghiệm trong truy bắt nhanh các đối tượng cướp giật trên địa bàn, Thượng tá Trần Văn Son-Phó Trưởng Công an huyện Giồng Trôm cho biết: Để bắt được đối tượng, Công an huyện phải nhận được tin và xử lý tin nhanh. Khi có vụ cướp giật xảy ra, người dân phải kịp thời báo tin cho Công an huyện về đặc điểm của đối tượng, đặc điểm của phương tiện gây án (xe mô-tô) cũng như hướng tẩu thoát của bọn chúng. Sau khi nhận được tin báo, Công an huyện triển khai lực lượng chia thành nhiều tổ công tác đuổi theo hướng tẩu thoát của đối tượng cũng như tổ chức chốt chặn, đón lõng bọn chúng ở các ngã đường. Kinh nghiệm cho thấy, nếu quần chúng báo tin kịp thời thì đối tượng càng dễ sa lưới hơn. Để có được những tin báo nhanh, kịp thời từ phía các bị hại và bà con nơi xảy ra các vụ án, Công an huyện đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, thông báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm ở những địa bàn thường xảy ra cướp giật trên sóng phát thanh của Đài Truyền thanh huyện, tuyên truyền trong những cuộc họp tổ NDTQ (do cán bộ công an tăng cường về địa bàn thực hiện). Bên cạnh đó, Công an huyện cũng đã tổ chức xây dựng các tổ chạy xe ôm ở các tuyến đường có ý thức cảnh giác với bọn cướp giật, sẵn sàng tham gia, phối hợp truy bắt các đối tượng khi phát hiện. Trường hợp xe ôm không đủ điều kiện đuổi bắt đối tượng thì kịp thời điện thoại báo cho Công an huyện về đặc điểm xe, đặc điểm của đối tượng gây án. Công an huyện sẽ có những đề xuất khen thưởng đối với những trường hợp tham gia truy bắt đối tượng gây án và cung cấp thông tin chính xác dẫn đến việc nhanh chóng bắt được bọn tội phạm.
Ngày 21-10-2009, Công an huyện Giồng Trôm đã triển khai phương án “Phòng ngừa, đấu tranh chống bọn tội phạm cướp giật trên tuyến giao thông đường bộ tại địa bàn” cho lực lượng công an trong toàn huyện. Trong phương án, đã xác định rõ tuyến, địa bàn, đối tượng và đề ra biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này. Trong công tác đấu tranh của phương án, có phân công rõ nhiệm vụ đối với từng lực lượng tham gia và trách nhiệm tham gia phối hợp của từng địa bàn… Về phòng ngừa xã hội, Công an huyện tiếp tục thông tin, tuyên truyền cho nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác trước thủ đoạn của bọn cướp giật bằng nhiều hình thức; phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm cướp giật; phối hợp với các ngành chức năng đưa ra xét xử lưu động về tội cướp giật tài sản, góp phần răn đe, phòng ngừa tội phạm trên địa bàn. Hàng tháng, Công an huyện sẽ tổ chức họp sơ kết, rút kinh nghiệm những thuận lợi, khó khăn và đề ra kế hoạch thực hiện tiếp theo.

Văn Thỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN