Truyện Kiều và những giá trị nhân văn vượt thời gian

14/12/2015 - 08:02

Truyện Kiều do Hội Kiều học ở Việt Nam và NXB Trẻ vừa phát hành.

Đại thi hào Nguyễn Du là một danh nhân văn hóa thế giới, đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn chương bất hủ bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm, trong đó có kiệt tác Truyện Kiều. Tác phẩm này đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông. Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015), nhiều giáo viên, học sinh chia sẻ sự cảm thụ và tâm huyết đối với tác phẩm Truyện Kiều và tác gia Nguyễn Du.

Truyền tải những giá trị nhân văn của tác phẩm

Cô Trần Khánh Linh - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Chuyên Bến Tre nhận định: “Nói đến đại thi hào Nguyễn Du là nói đến một danh nhân văn hóa làm rạng danh dân tộc Việt, tác phẩm của ông có sức ảnh hưởng lớn trong văn hóa Việt, đi qua nhiều thế hệ. Ngay từ cấp tiểu học, các em đã được học một số câu thơ hay của Nguyễn Du. Rồi lớn lên, bước sang cấp THCS, tác gia Nguyễn Du được đưa vào chương trình với một bài giới thiệu hẳn hoi, trong đó có hoàn cảnh thời đại, quê hương, gia đình, và những tác phẩm bằng chữ Hán, chữ Nôm làm nên sự nghiệp sáng tác vĩ đại của Nguyễn Du. Lên cấp THPT, các em lại tiếp tục được học Truyện Kiều với những đoạn trích khác. Qua đó cho thấy, tầm quan trọng của việc giới thiệu tác gia Nguyễn Du trong chương trình phổ thông”.

Trong thơ của Nguyễn Du, người đọc không chỉ thấy được tài năng sáng tạo của ông mà còn cảm thụ được nội dung sâu sắc mà ông muốn chuyển tải. Nội dung mà đặt vào thế kỷ thứ XVIII - một thế kỷ loạn lạc, trong đó giá trị con người bị chà đạp. Qua tác phẩm của ông, chúng ta nhận thấy được ý thức đấu tranh đòi quyền sống cho con người, đặc biệt là người phụ nữ, nhất là những người phụ nữ tài hoa - đây chính là nét riêng của ông. “Từ tác phẩm Kim Vân Kiều truyện ít người chú ý, Nguyễn Du đã xây dựng lại một nội dung, một cốt cách của người Việt Nam, đó là phong cách của một Thúy Kiều: trung, hiếu, chung tình. Tôi tâm đắc nhất ở tác phẩm Truyện Kiều là ý nghĩa về tiếng kêu cứu lấy số phận con người và khẳng định phẩm giá con người, trong khi xã hội lúc bấy giờ thì coi thường phụ nữ, Nguyễn Du lại xây dựng tác phẩm mang giá trị chú trọng, đề cao người phụ nữ, tiếng nói về nỗi đau thân phận người phụ nữ - đây là một giá trị nhân văn hết sức sâu sắc”, cô Trần Khánh Linh nói.     

Cô Linh chia sẻ: “Mặc dù đã hơn 20 năm đứng lớp nhưng tác phẩm Truyện Kiều luôn có sức hút mạnh mẽ đối với tôi và tôi vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn với những gì mình tìm hiểu được mà cứ muốn tiếp tục nghiên cứu nhiều hơn nữa, muốn làm sao truyền tải đến các thế hệ học trò lĩnh hội được một cách sâu sắc nhất về tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du nói riêng và các tác phẩm văn học khác nói chung. Thời gian qua, để đứng lớp giảng dạy hiệu quả về Truyện Kiều, bản thân tôi đã học thuộc nhiều đoạn trích trong tác phẩm (để không cầm văn bản trong lúc giảng), việc đó cũng là làm gương cho học sinh là cũng cần phải thuộc lòng một số đoạn trích như thế. Cần tạo sự hấp dẫn, truyền lửa say mê Truyện Kiều cho các em qua việc minh họa về sức lan tỏa của Truyện Kiều trong dân gian như: người ta vịnh Kiều thế nào, bói Kiều thế nào… Ngoài ra, tổ bộ môn Ngữ văn còn sử dụng clip một vài đoạn trích cải lương (được chuyển thể từ đoạn trích văn bản trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du) để các em cảm nhận Truyện Kiều sinh động hơn, hoặc là chúng tôi cho các em ngâm thơ trong các đoạn trích Truyện Kiều, đọc truyền cảm”…

“Tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du không chỉ mang giá trị đỉnh cao nghệ thuật văn học mà còn chứa đựng ý nghĩa giáo dục đạo đức rất lớn cho học sinh như: giúp học sinh có cái nhìn toàn diện về tính cách, vẻ đẹp và thân phận của người phụ nữ. Cho đến nay, dù trong xã hội hiện đại nhưng chúng ta thấy đâu đó vẫn còn nạn bạo hành gia đình, nhất là bạo hành phụ nữ, không tôn trọng vị trí của người phụ nữ. Xã hội tiến bộ phải tiến bộ từ trong tư tưởng, trong đó, phải thừa nhận vị trí, vai trò của người phụ nữ trong cả gia đình và xã hội. Đồng thời, giá trị tác phẩm cho chúng ta học một điều là phải biết san sẻ những nỗi đau của người khác”.

(Cô Trần Khánh Linh - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Chuyên Bến Tre)

Cũng đồng quan điểm trên, cô Lê Thị Bích Thủy - giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết thêm: “Chương trình giảng dạy dành cho tác gia này trong văn học khối lớp 10 là 5 tiết. Trong đó, phần giới thiệu tác giả Nguyễn Du là 1 tiết, 4 tiết còn lại là giới thiệu các đoạn trích trong tác phẩm Truyện Kiều. Về phương pháp, chúng tôi đã áp dụng nhiều hình thức, cụ thể như đối với tiết giới thiệu tác gia Nguyễn Du thì chúng tôi sử dụng phương pháp chính là thuyết minh, giúp các em nắm bắt được những nội dung chính về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du, những đặc điểm nổi bật chung về nghệ thuật trong thơ của Nguyễn Du. Trong chương trình, các em được tìm hiểu 3 đoạn trích trong Truyện Kiều, khi giảng dạy các đoạn trích này thì chúng tôi sử dụng nhiều phương pháp như: giảng bình, đặt ra vấn đề để các em tìm hiểu, trình bày cảm nhận của mình nhằm phát huy sự sáng tạo, tư duy của các em về cảm thụ tác phẩm”.

“Bên cạnh đó, chúng tôi còn sử dụng phương pháp tích hợp môn Văn và môn Lịch sử, giới thiệu những nét đặc trưng của giai đoạn lịch sử thế kỷ XVIII, để từ đó các em hiểu rõ hơn về tác gia Nguyễn Du, nắm được giá trị về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm được dễ dàng. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng nhiều hình thức minh họa sinh động khác như: chọn một vài đoạn ngâm đặc sắc (được thu sẵn) phát cho các em nghe, xem đoạn trích diễn xướng cải lương về Vương Thúy Kiều… Điều đó cũng cho các em thấy sức ảnh hưởng của Truyện Kiều đối với các loại hình nghệ thuật khác. Bên cạnh đó, Đoàn trường còn kết hợp với giáo viên Tổ Ngữ văn tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các em tìm hiểu các danh nhân văn hóa, trong đó, có tìm hiểu về tác gia Nguyễn Du, thu hút đông đảo các em học sinh trong trường. Nhìn chung, trong chương trình giảng dạy, việc phân bố thời lượng như đã nêu đối với một tác gia lớn như Nguyễn Du thì không phải là nhiều nhưng chúng tôi cũng tìm mọi phương pháp tối ưu nhất để giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của tác gia Nguyễn Du và hiểu được giá trị của tác phẩm Truyện Kiều trong nền văn học nước nhà”, cô Lê Thị Bích Thủy cho hay.

Tạo sức hút đối với học sinh

Đối với học sinh, đây là một trong những tác phẩm đã tạo nên nhiều sức hút và ấn tượng sâu, khơi dậy niềm đam mê tìm hiểu văn chương. Em Huỳnh Đặng Kim Xuyến - lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Bến Tre, giải Ba học sinh giỏi Văn cấp tỉnh 2 năm liền (2014 và 2015) chia sẻ: “Để hiểu sâu hơn về tác phẩm Truyện Kiều, em đã tìm đọc thêm một số sách viết về Truyện Kiều ngoài sách giáo khoa, vì sách giáo khoa chỉ là những đoạn trích của tác phẩm. Theo em, trong bối cảnh lịch sử ở cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện tư tưởng nhân đạo rất sâu sắc và đó là tư tưởng tiến bộ, vượt thời đại. Vấn đề mà Truyện Kiều đề cập đến là vấn đề lớn trong xã hội phong kiến thời đó là về quyền sống, quyền tự do hạnh phúc của con người. Tác phẩm đã chứa đựng một giá trị nhân văn sâu sắc, một giá trị vượt thời gian.

Nữ sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đang đọc Truyện Kiều.

Là học sinh chuyên Văn, em không chỉ đơn thuần thích nội dung tác phẩm Truyện Kiều mà em đã dành nhiều thời gian để tìm đọc sách nghiên cứu về Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm của ông để làm nền tảng kiến thức cho mình. Trong tủ sách riêng, em cũng đã “sắm” cho mình tác phẩm Truyện Kiều toàn tập và một số sách viết về Truyện Kiều. Em thấy có một điểm đặc biệt của tác phẩm này là Truyện Kiều đã được rất nhiều tầng lớp nhân dân từ già tới trẻ biết đến, tác phẩm đã có sức ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt Nam ta. Từ Truyện Kiều, người dân đã hình thành nên những nét sinh hoạt văn hóa như: bói Kiều, vịnh Kiều, vẽ tranh Kiều… Những nhân vật trong Truyện Kiều đã đi vào trong lời ăn tiếng nói hàng ngày một cách rất thông dụng với những hình tượng như: Hoạn Thư (chỉ những người phụ nữ hay ghen), Sở Khanh (chỉ những người dối trá trong tình cảm), Tú Bà (chỉ những chủ chứa gái mại dâm)… Tư tưởng nhân đạo và lòng thương người trong tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du đã thể hiện “cái tình” của người Việt Nam”.

Em Nguyễn Đặng Anh Huy - lớp 121, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: “Qua học và tìm hiểu, em được biết, tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới, thậm chí đã đưa vào đề thi của bậc trung học và cả đại học ở nước ngoài. Em thực sự rất yêu thích và ngưỡng mộ tác phẩm này. Em đã có viết bài phân tích giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của một số đoạn trích trong sách giáo khoa. Việc tìm đọc thêm sách ngoài sách giáo khoa giúp em có cái nhìn toàn diện hơn, hiểu sâu sắc hơn về tác phẩm Truyện Kiều, từ đó, mình cũng có thể tìm hiểu những tư tưởng của Nguyễn Du gửi gắm trong tác phẩm”.

Hiện nay, tại Thư viện Nguyễn Đình Chiểu cũng có lưu giữ nhiều sách nghiên cứu về tác gia Nguyễn Du, tác phẩm Truyện Kiều nói riêng và các tác phẩm khác của Nguyễn Du nói chung. Bà Lê Ngọc Quý - Thủ thư Phòng mượn Thư viện Nguyễn Đình Chiểu cho biết: Các thể loại sách này cũng đã nhận được sự quan tâm của độc giả, nhất là giới học sinh, sinh viên, cán bộ, nhà nghiên cứu, thư viện sẵn sàng phục vụ bạn đọc khi có nhu cầu tiếp cận các tác phẩm này.

Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN