Truyền thống văn hóa hiếu học ở Bảo Hòa

04/08/2009 - 09:28
Thầy Lữ Minh Châu và học trò Mai Văn Ký. Ảnh: Cẩm Trúc

Chuyện kể vào khoảng năm 1920, ở làng hiếu học nọ, từ trẻ con đến thanh niên, ai muốn học chữ đều tập hợp về nhà ông đồ Trần Văn Lễ để được ông dạy học miễn phí và nuôi cơm. Về sau, có một trong nhóm học trò thành đạt này là ông Lê Văn Định cũng noi gương thầy mở lớp dạy chữ quốc ngữ miễn phí, khuyến khích làng phát huy truyền thống hiếu học. Thấy vậy, nhiều người từ các làng xa xôi khác trong huyện cũng kéo nhau về đây xin được học để biết chữ, mở mang kiến thức. Làng bấy giờ có tên gọi là ấp Bảo Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ba Tri).

Anh Mai Văn Ký, Phó Chủ tịch UBND xã nói: “Tôi nay gần tuổi năm mươi nhưng vẫn phải học. Học cho mình và để làm gương cho ba đứa con nữa. Chỉ tội cho vợ tôi, một mình gồng gánh trước sau mà không chút than phiền để chăm lo chuyện học cho một chồng với ba con cùng đang học đại học”. Anh kể, làng còn nhiều gia đình có con học cao, đỗ đạt tiến sĩ, thạc sĩ… qua nhiều thế hệ như ông Tư Mẫn - người đỗ tiến sĩ đầu tiên của ấp, nay đã ngoài bảy mươi tuổi; Tiến sĩ Dương Thành Đa, Tiến sĩ Dương Thị Cúc, Thạc sĩ Lữ Minh Châu... và còn nhiều nữa. Trung bình hàng năm, nếu xã Vĩnh Hòa có 10 em đỗ đại học thì ấp này đã có đến 5 em. Riêng năm học 2007-2008, toàn xã có khoảng 40% học sinh đỗ vào đại học, đạt tỷ lệ cao nhất huyện. Trong đó có khoảng 70% là học sinh của ấp Bảo Hòa. Còn ấp Bến Dựa, xưa kia là ấp có học vấn yếu nhất bởi họ quan niệm “lấy giạ đong lúa chứ không đong chữ”. Từ sự ảnh hưởng của làng hiếu học, nay bà con cũng rất quan tâm đến việc học của con em. Năm học rồi, ấp này có 3 em đỗ vào đại học. Ấp Vĩnh Đức Đông nay cũng có nhiều người có học vị cao.

Anh Ký khẳng định, hầu hết các mạnh thường quân góp quỹ khuyến học xã và tích cực tham gia đóng góp xây dựng địa phương đều là con em của làng sau khi học hành đỗ đạt đã tìm về nguồn cội. Đền thờ liệt sĩ xã có tổng kinh phí xây dựng khoảng 300 triệu đồng, trong đó 270 triệu đồng là đóng góp của con em trong làng. Các phong trào xây dựng đời sống văn hóa khác như giao thông nông thôn, nhà ở, cầu đường, đền ơn đáp nghĩa, phần lớn cũng nhờ vào các tấm gương hiếu học luôn biết hướng về giúp đỡ quê hương. Nhờ vậy, từ một ấp thuần nông nghèo khó, Bảo Hòa gần như có đến 95% nhà tường kiên cố, có trên 50% hộ khá, giàu, thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/năm.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN