Chỉ thị thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân. Ảnh tư liệu
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
Cách đây 80 năm, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Với văn phong giản dị, ngắn gọn, súc tích bởi 318 từ, nhưng chỉ thị của Người đã hàm chứa đầy đủ nội dung của một Cương lĩnh quân sự lịch sử, vạch rõ nguyên tắc, phương châm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng; là những tư tưởng cơ bản, cốt lõi nhất, không chỉ có tác dụng chỉ đạo, định hướng việc xây dựng Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân lúc đó, mà còn nguyên giá trị trong định hướng, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.
Mở đầu, Bác viết: “Tên: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là một Đội tuyên truyền[1]”. Đây là tư tưởng xuyên suốt trong cả quá trình chuẩn bị, chỉ đạo và phương châm hoạt động của Đội sau ngày thành lập. Vì theo nhận định của Hồ Chí Minh: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy phong trào đi tới. Nhưng phát động khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp mới có thể đẩy phong trào tiến lên”.
Khi nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo về tên đội là “Đội Việt Nam Giải phóng quân”, Bác Hồ đã chỉ thị thêm vào hai chữ “Tuyên truyền” để mọi người ghi nhớ nhiệm vụ chính trị lúc này còn trọng hơn quân sự. Quán triệt Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, khoảng 17 giờ ngày 22-12-1944, tại khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đây là cột mốc, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng nước ta - bước chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để giành chính quyền.
Tầm quan trọng của công tác tuyên truyền
Trong bản diễn từ của đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên đọc tại buổi lễ đã nêu rõ: “Nhiệm vụ mà đoàn thể ủy thác cho chúng ta là một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời. Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này[2]...”.
Quang cảnh ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh tư liệu
Đã 80 năm đã trôi qua, tư tưởng “là đội tuyên truyền” đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt, để Quân đội ta luôn nắm vững chức năng: là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Đó là điểm khác biệt với quân đội nhà nghề của các nước, bởi mọi quân đội sinh ra đều làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ một chế độ, một tập đoàn chính trị, một nhà nước. Nhưng đối với Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, ngoài chức năng đó, đã đảm đương và làm tốt chức năng mà không phải một đội quân nào cũng có được. Đó là chức năng vận động quần chúng theo phương châm “chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”. Phương châm hoạt động đó không có nghĩa là Đội chỉ làm công tác tuyên truyền xung phong, chỉ giải thích đường lối, chính sách, mà còn là một đội quân chủ lực, vừa đánh giặc, vừa làm tốt nhiệm vụ vận động cách mạng trong quần chúng.
Chỉ sau ngày thành lập, Đội đã xuất quân và giành thắng lợi giòn giã trong hai trận đánh Phai Khắt và Nà Ngần, mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu đã ra quân là đánh thắng của quân đội ta. Tiếp đó, đội tiến hành hoạt động vũ trang tuyên truyền phát triển phong trào cách mạng ở Việt Bắc và chỉ chưa đầy nửa năm sau ngày thành lập, vừa chiến đấu vừa vũ trang tuyên truyền, từ đội quân chủ lực nhỏ bé với 34 chiến sĩ đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, xứng đáng với sự tin cậy của của Đảng, nhà nước và nhân dân.
Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay có bối cảnh khác với ngày đầu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; nhưng những nội dung trong Chỉ thị vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; tiếp tục soi rọi cho sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục khai thác, vận dụng một cách phù hợp.
Bài, ảnh: Văn Đường
----------------------------------
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.539.
[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 89.