Từ Đồng khởi 1960 đến phong trào thi đua “Đồng khởi mới”

02/12/2019 - 06:49

BDK - Tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 15 về “tăng cường đoàn kết, kiên quyết, đấu tranh giữ gìn hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước”. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu, con đường của cách mạng miền Nam lúc này là “lấy sức mạnh của quần chúng dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”. Có thể nói, Nghị quyết số 15 là “pháo lệnh” cho công cuộc Đồng khởi ở Bến Tre ngày 17-1-1960 và sau đó lan ra toàn miền Nam.

Đồn Vàm Nước Trong - địa điểm Công sở Hội tề xã Định Thủy năm 1960, nơi cơ sở ta nổi dậy đánh chiếm vào ngày 17-1-1960. (ảnh PV chụp lại)

Đồn Vàm Nước Trong - địa điểm Công sở Hội tề xã Định Thủy năm 1960, nơi cơ sở ta nổi dậy đánh chiếm vào ngày 17-1-1960. (ảnh PV chụp lại)

Đồng khởi Bến Tre

Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được đồng chí Nguyễn Thị Định lúc này là Phó bí thư Tỉnh ủy truyền tải từ Hội nghị Liên Tỉnh ủy miền Trung Nam Bộ.  Tỉnh ủy thống nhất lấy 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh, huyện Mỏ Cày làm trọng điểm, rồi sau đó sẽ tiếp tục triển khai toàn tỉnh. Tuy quán triệt Nghị quyết số 15 chưa được đầy đủ, sâu sắc từng chi tiết, nhưng có sức hấp dẫn kỳ lạ. Mỗi thành viên tham dự vui mừng vô hạn vì đã được sử dụng bạo lực vũ trang đánh địch, phá thế kềm kẹp, giải phóng xóm làng, một cuộc đổi mới mà từ lâu hằng ấp ủ, mỗi người trở về vị trí công tác tuyên truyền, vận động tập hợp lực lượng sẵn sàng chờ lệnh “Ngày 17-1-1960”.

Ban chỉ đạo được thành lập, ý chí quyết tâm chiến đấu rất cao, khí thế cách mạng ngất trời, nhưng vũ khí đạn dược trong tay đều không có. Tổng đoàn dân vệ đóng ở Định Thủy là lực lượng hỗ trợ, là chỗ dựa cho lực lượng kềm kẹp ba xã này. Chỉ có cách mưu trí sáng tạo tiêu diệt Tổng đoàn này mới hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy. Tìm mọi cách điều chúng về đình Định Phước, xã Định Thủy, bố trí lực lượng ta bám sát, gặp những tên đi lẻ là tiêu diệt lấy súng. Đến 8 giờ sáng ngày 17-1-1960, được tin Đội trưởng cùng một lính dân vệ đến quán uống cà phê tại ngã tư Định Phước, lực lượng xung kích kẻ dao, người cuốc giả đi “tảo mộ” bất ngờ ập vô giết tên Đội trưởng và 1 lính, thu 1 Mimas và 1 súng trường Mas.

Khoảng 9 giờ sáng cùng ngày 17-1-1960, tại Vàm Nước Trong, lực lượng xung kích kết hợp với một cơ sở nội tuyến lấy gọn đồn Vàm Nước Trong thu 15 súng và đạn dược, giải tán toàn bộ tề xã. Số súng thu được liền trang bị cho một tiểu đội xung kích bao vây bọn Tổng đoàn sống sót. Hàng trăm quần chúng tham gia trợ lực. Bọn Tổng đoàn không còn chỉ huy, cũng không dám ra hàng, phân tán lùi theo ruộng lúa trốn chạy. Được nhân dân giúp sức, lực lượng xung kích vây bắt, đến 16 giờ cùng ngày ta diệt hết Tổng đoàn dân vệ, thu 24 súng, trong đó có 2 tiểu liên cùng nhiều đạn và lựu đạn.

Với vũ khí thu được ta tổ chức thành bốn đội vũ trang. Một tiểu đội ở lại xã Định Thủy chặn đánh địch đến phản kích, còn ba tiểu đội hỗ trợ cho hai xã Phước Hiệp và Bình Khánh. Tại xã Phước Hiệp, được tin Định Thủy nổi dậy, giành thắng lợi, Chi bộ xã huy động lực lượng bao vây đồn bót, trừng trị những tên ác ôn. Ban Chỉ đạo điều hai đội xung kích đến bao vây, vận động gia đình binh sĩ đến kêu gọi chúng đầu hàng. Bọn chúng hoang mang nhưng không chịu hàng, giằng co đến 2 giờ sáng ngày 18-1-1960, chúng tìm cách tháo chạy về Mỏ Cày. Xã Phước Hiệp hoàn toàn giải phóng. Tại xã Bình Khánh, cơ sở ta dùng mưu mẹo diệt hai tên Công an Ngô Quyền thu 2 súng. Khoảng 11 giờ đêm 17-1-1960, bọn tề, dân vệ xã Bình Khánh hoang mang, đông đảo quần chúng đánh trống mỏ, la ó vang trời, bọn tề, dân vệ hoảng hốt bỏ chạy, ta thu 8 súng. Xã Bình Khánh hoàn toàn giải phóng.

Như vậy, đêm “quy ước” Bến Tre nổi dậy, ta tiêu diệt 1 Tổng đoàn dân vệ, 2 đồn dân vệ, 1 đồn công sở xã, phá rã tề xã, tề ấp, giải tán các tổ chức phản động, do thám. Ta thu 42 súng, giải phóng hoàn toàn 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh chỉ trong một ngày đêm 17-1-1960. Ba xã điểm thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn lan tỏa ra toàn tỉnh như bão táp, đã mở ra trang sử mới của Bến Tre bằng thắng lợi cuộc Đồng khởi năm 1960.

Thi đua “Đồng khởi mới”

Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, trong niềm phấn khởi Đảng bộ và nhân dân vừa hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014, Tỉnh ủy nhận thấy có đủ điều kiện, thời cơ để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong những năm tới, do vậy, ngày 7-1-2015 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 16 về phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” (2015 - 2020), xem đây là điểm nhấn quan trọng để thực hiện thắng lợi cao nhất mục tiêu nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ tỉnh, tạo nền tảng cơ bản để thực hiện đạt mục tiêu giai đoạn 2015 - 2020 do Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra.

Thi đua “Đồng khởi mới” trên cơ sở vận dụng phương châm “hai chân, ba mũi” của cuộc Đồng khởi năm xưa. Đó là đẩy mạnh phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt gắn với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Trong đó, tập trung vào 3 khâu đột phá: Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đô thị, xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Qua gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 16, kinh tế - xã hội tỉnh phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước (năm 2015 đạt 5,1%, năm 2016 đạt 5,3%, năm 2017 đạt 6,7%, năm 2018 đạt 7,05%; GRDP bình quân đầu người tương ứng là 27 triệu đồng, 28,3 triệu đồng, 30,13 triệu đồng và 34,9 triệu đồng).

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được quan tâm. Cùng với phương châm hành động của toàn khóa “Dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, năng động, đổi mới”, hàng năm, Tỉnh ủy đều có nghị quyết chuyên đề, nhấn mạnh phương châm hành động về công tác tư tưởng để tạo xung lực, nêu cao quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong toàn hệ thống chính trị. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên từng bước được đẩy lùi. Công tác xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng con người mới, tinh thần “Đồng khởi mới” có sự chuyển biến rõ nét.

Về 3 khâu đột phá, đến nay TP. Bến Tre đã được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh (về trước 1 năm so với kế hoạch). Ba thị trấn: Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày đều được công nhận đô thị loại IV. Có 9/20 đơn vị được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V. Đến nay, tỉnh đã có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 62 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 30 xã đạt 5 - 9 tiêu chí, không có xã đạt dưới 5 tiêu chí. Diện mạo nhiều vùng nông thôn được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục - đào tạo, các điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân, chính sách ưu đãi người có công, gia đình chính sách được quan tâm kịp thời.

Phong trào Đồng khởi đã qua 60 năm nhưng giá trị những bài học kinh nghiệm quý báu của phong trào này đến nay vẫn còn nguyên vẹn. 60 năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh luôn giữ gìn, vun đắp tinh thần Đồng khởi, tạo thành động lực thúc đẩy các phong trào hành động cách mạng ở địa phương. Qua các cao trào thi đua “Đồng khởi mới”, diện mạo nông thôn, thành thị ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên. Đây là nền tảng vững chắc để Đảng bộ tỉnh tiếp tục phát động toàn Đảng, toàn dân bước tiếp những chặng đường “Đồng khởi mới” với khí thế mới, tiến công liên tục, bứt phá để xây dựng “quê hương Đồng khởi” ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 Thu Huyền (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN