BDK - 63 năm đã qua, kể từ ngày “Đường Hồ Chí Minh trên biển” chính thức đi vào hoạt động và lập nên nhiều kỳ tích của một con đường huyền thoại, khẳng định một bước phát triển mới của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Trong đó, quê hương Bến Tre tự hào là nơi “khai sơn, phá thạch” với những con người đầu tiên rẽ sóng, mở ra con đường huyền thoại đó.
Một trong những chiếc tàu không số chuyển vũ khí đạn dược vào miền Nam trên đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh tư liệu
Chuyến vượt biển ra Bắc đầu tiên
Ngày 23-10-1961, để đáp ứng yêu cầu của tình hình cách mạng trong thời kỳ mới, kịp thời chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, Đoàn 759 - tiền thân của Lữ đoàn 125 chính thức được thành lập. Tuy nhiên, sự hình thành con đường tiếp vận vũ khí Bắc - Nam đã “khởi đầu” từ năm 1946.
Từ vùng ven biển xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy, Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức thành công chuyến vượt biển đầu tiên đưa đoàn cán bộ Khu 8 ra miền Bắc báo cáo với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình kháng chiến ở Nam Bộ, đồng thời xin Trung ương chi viện vũ khí cho miền Nam. Đây là chuyến vượt biển “mở đường” đầu tiên do nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Định, chỉ huy mở đường ra Bắc vào cuối tháng 3-1946 và sau đó cũng chính Nữ tướng Nguyễn Thị Định chỉ huy con tàu vượt trùng dương từ Phú Yên mang theo 12 tấn vũ khí đầu tiên về đến Bến Tre an toàn vào khoảng giữa tháng 12-1946 để bàn giao cho Khu 8. Sự táo bạo, dám nghĩ, dám làm, không sợ khó khăn, gian khổ của đoàn công tác Bến Tre với chuyến biển thành công đầu tiên là cơ sở cho việc mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển” trong kháng chiến chống Mỹ sau này.
Đến đầu năm 1960, cũng từ mảnh đất Bến Tre, phong trào Đồng khởi đã nhanh chóng lan rộng toàn Nam Bộ, đánh dấu một bước phát triển nhảy vọt, khởi đầu cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước. Ngày 20-12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập, yêu cầu về vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang chiến đấu trở thành bức thiết. Tuy nhiên, tuyến đường chi viện Trường Sơn còn chưa vươn tới miền Đông Nam Bộ, còn đồng bằng Nam Bộ thì thật khó mà vươn tới, bởi vậy để tiếp tế cho Nam Bộ, vào thời điểm này, không còn đường nào khác hơn là con đường biển.
Trong khi chờ đợi một phương thức vận chuyển vũ khí từ miền Bắc đi bằng đường biển vào miền Nam, Trung ương Đảng chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ chuẩn bị bến bãi và cho thuyền ra miền Bắc, vừa thăm dò, mở đường, nghiên cứu phương tiện vận chuyển trên biển và báo cáo tình hình, nếu có điều kiện thì chở vũ khí về.
Đường Hồ Chí Minh trên biển
Nhận được chỉ thị của Trung ương, với kinh nghiệm từ chuyến vượt biển 15 năm về trước, đồng chí Nguyễn Văn Khước (Năm Chung hay còn gọi là Mười Khước), Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Thị Định đã nhanh chóng tổ chức được hai đội tàu xuất phát ra Bắc thực hiện nhiệm vụ.
Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Ảnh: A. Nguyệt
Đội tàu thứ nhất do đồng chí Đặng Bá Tiên (Sáu Giáo), làm Đội trưởng. Cùng 5 thủy thủ: Nguyễn Văn Tiến (Năm Kiệm), Huỳnh Văn Mai (tức Nguyễn Văn Giới, tức Tư Đen), Nguyễn Văn Bê (Hai Bê), Nguyễn Nhung (Hai Hùng), Ba Đức (Đức đen). Thuyền xuất phát vào ngày 1-6-1961, tại cồn Lợi, Thạnh Phong, Thạnh Phú; sau 9 ngày đêm vật lộn với sóng gió và tránh sự kiểm soát của địch, ngày 9-6-1961, chiếc thuyền nhỏ chở 6 anh em cũng đã cập vào Hà Tĩnh. Trung ương biết tin, đã nhanh chóng cho người vào Hà Tĩnh đón đoàn ra Hà Nội.
Đội tàu thứ hai, do đồng chí Lê Công Cẩn (Năm Công) phụ trách, cùng 7 thủy thủ gồm: Nguyễn Văn Hớn (Năm Thanh), Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Hải (Huỳnh Văn Hải), Văn Công Cưỡng, Trần Văn Ân (Năm Thăng), Nguyễn Văn Luông (Hai Sơn), Huỳnh Tiến (tức Huỳnh Văn Tiến, tức Năm Tiến). Thuyền xuất phát vào ngày 18-8-1961 tại cồn Tra, Thạnh Phong, Thạnh Phú. Nhưng vì lạc hướng nên hành trình của thuyền khá vất vả, tới ngày 28-8, thuyền mới cập vào bến ở Thanh Hóa và được đón về Hà Nội mấy ngày sau đó.
Ra đến miền Bắc, những người con của Thành đồng Tổ quốc, được đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Quân ủy Trung ương đón tiếp ân cần. Anh em cũng đã báo cáo với Trung ương tình hình đấu tranh ở các tỉnh Nam Bộ và đề đạt nguyện vọng của bà con cô bác trong đó, muốn Trung ương cấp cho nhiều vũ khí để đánh giặc. Để thực hiện được nguyện vọng đó, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 - Đoàn Vận tải thủy có nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam bằng đường biển.
Kể từ ngày thành lập, cho đến tháng 4-1975, đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển 1.355 chuyến tàu vào bến Khu 5, Khu 8 và Khu 9, được 99.827 tấn vũ khí, đạn dược, hàng hóa cùng với hơn 30 ngàn cán bộ, chiến sĩ chi viện cho quân và dân miền Nam đánh Mỹ. Trong đó, Bến - Bến Tre từ tháng 6-1963 đến 30-4-1975 đã tiếp nhận và trung chuyển 28 chuyến, với 1.386 tấn vũ khí, đạn dược và hàng hóa an toàn đến các chiến trường. Với các chiến công này, ngày 22-11-2011, đơn vị A101 (Bến - Bến Tre) được tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Cồn Tra, Cồn Lợi, Vàm Khâu Băng trên bờ biển huyện Thạnh Phú đã trở thành những địa danh gắn liền với đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Nơi đây là điểm xuất phát của những con thuyền vượt biển ra Bắc, báo cáo kịp thời tình hình cách mạng miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ với Trung ương và cũng là đầu cầu tiếp nhận vũ khí của Trung ương chi viện cho chiến trường miền Nam.
Kỷ niệm 63 năm Ngày mở đường “Đường Hồ Chí Minh trên biển” (23-10-1961 - 23-10-2024), không chỉ lực lượng Hải quân mà toàn quân, toàn dân hiểu thêm, khâm phục hơn sự tài trí táo bạo, tư duy chiến lược, nghệ thuật quân sự của Bộ đội Cụ Hồ dưới sự lãnh đạo của Đảng, khắc ghi những chiến công oai hùng đã trở thành huyền thoại của những chiến sĩ Đoàn tàu “Không số” làm nên Đường Hồ Chí Minh trên biển và càng thêm tự hào, mến yêu hơn mảnh đất quê hương Bến Tre, nơi khởi đầu trong quá trình “mở đường”, “mở bến” cho con đường huyền thoại, mang sứ mệnh thiêng liêng tiếp vận vũ khí, con người trong kháng chiến, là mạch máu nối liền các chiến trường của Tổ quốc.