Vượt gian khổ, tạo kỳ tích “Đường Hồ Chí Minh trên biển”

23/10/2023 - 16:59

BDK.VN - 62 năm kể từ ngày thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân đã trải qua 14 năm (1961 - 1975) đầy khó khăn, hy sinh, gian khổ với những chiến công dựng lên huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển” nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Một trong những chiếc tàu không số chuyển vũ khí đạn dược vào miền Nam trên đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh tư liệu

Một trong những chiếc tàu không số chuyển vũ khí đạn dược vào miền Nam trên đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh tư liệu

Tháng 1-1960, Bến Tre đồng khởi. Cùng với Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và bùng nổ thành cao trào đồng khởi rộng khắp. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, nhiệm vụ vận tải chiến lược phải theo kịp tình hình phát triển của chiến trường; nếu có điều kiện phải đi trước một bước. Tuyến đường chi viện Trường Sơn còn vài ba năm nữa mới vươn tới miền Đông Nam Bộ, còn đồng bằng Nam Bộ thì thật khó mà vươn tới. Song vũ khí cho chiến trường Nam Bộ đang là đòi hỏi cấp bách, có tính sống còn đối với phong trào cách mạng ở đây. Tiếp tế cho Nam Bộ, vào thời điểm này, không còn đường nào khác hơn là con đường biển.

 Trong khi chờ đợi một phương thức vận chuyển vũ khí từ miền Bắc đi bằng đường biển vào miền Nam, Trung ương Đảng chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ chuẩn bị bến bãi và cho thuyền ra miền Bắc, vừa thăm dò, mở đường, nghiên cứu phương tiện vận chuyển trên biển và báo cáo tình hình, nếu có điều kiện thì chở vũ khi về.

Chỉ thị của Trung ương Đảng phù hợp với lòng mong mỏi của các địa phương, do vậy, trong một thời gian ngắn, các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bà Rịa đã gấp rút bắt tay chuẩn bị, tổ chức các đội tàu, mua sắm thuyền lưới và chọn người để lên đường, vượt biển ra Bắc.

Bia kỷ niệm Bến Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), nơi đón nhận nhiều “chuyến tàu không số”. Ảnh: Văn Đường

Bia kỷ niệm Bến Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), nơi đón nhận nhiều “chuyến tàu không số”. Ảnh: Văn Đường

Nhận được chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy Bến Tre, nơi khơi mào phong trào đồng khởi, đã cử đồng chí Nguyễn Văn Khước (Năm Chung hay còn gọi là Mười Khước), Bí thư tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Thị Định, người đã vượt biển ra Bắc xin vũ khí từ năm 1946 lo việc tổ chức chuyến đi. Trong một thời gian ngắn, Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức được hai đội tàu.

Đội tàu thứ nhất do đồng chí Đặng Bá Tiên (Sáu Giáo) làm Đội trưởng, cùng 5 thủy thủ: Nguyễn Văn Tiến (Năm Kiệm), Huỳnh Văn Mai (tức Nguyễn Văn Giới, tức Tư Đen), Nguyễn Văn Bê (Hai Bê), Nguyễn Nhung (Hai Hùng), Ba Đức (Đức đen). Ngày 1-6-1961, thuyền xuất phát tại cồn Lợi (Thạnh Phong, Thạnh Phú). Sau 9 ngày đêm vật lộn với sóng gió và tránh sự kiểm soát của địch, ngày 9-6-1961, chiếc thuyền nhỏ chở 6 anh em đã cập vào Hà Tĩnh. Hai ngày sau, Trung ương biết tin, đã cho người vào Hà Tĩnh đón đoàn ra ra Hà Nội.

Đội tàu thứ hai do đồng chí Lê Công Cẩn (Năm Công) phụ trách, các thủy thủ gồm: Nguyễn Văn Hớn (Năm Thanh), Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Hải (Huỳnh Văn Hải), Văn Công Cưỡng, Trần Văn Ân (Năm Thăng), Nguyễn Văn Luông (Hai Sơn), Huỳnh Tiến (tức Huỳnh Văn Tiến, tức Năm Tiến), ngày 18-8-1961 thuyền xuất phát tại cồn Tra (Thạnh Phong, Thạnh Phú). Ngày 28-8-1961, thuyền cập vào bến ở Thanh Hóa. Mấy ngày sau anh em được đưa về Hà Nội.

​Tàu của Lữ đoàn 125 trực bảo vệ chủ quyền tại Nhà giàn DK1. Ảnh: Văn Đường

Tàu của Lữ đoàn 125 trực bảo vệ chủ quyền tại Nhà giàn DK1. Ảnh: Văn Đường

Những chuyến tàu đầu tiên vượt biển ra Bắc thành công đã xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam trở nên khẩn trương hơn. Ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QĐ-QP thành lập Đoàn vận tải biển 759 sưới sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng Tư lệnh, làm nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho cách mạng miền Nam. Đồng chí Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng. Lực lượng của Đoàn ban đầu có 38 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 20 đồng chí thuộc các thuyền của Bến Tre, Trà Vinh và Liên khu V vừa điều ra.

Việc thành lập Đoàn 759, mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã khai thông tuyến chi viện chiến lược trên biển cho chiến trường miền Nam, kết nối chặt chẽ hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, kịp thời cung cấp sức người, sức của cho các lực lượng, tiến hành đấu tranh vũ trang trên khắp các chiến trường. Với sự chủ động vận chuyển bằng nhiều hình thức độc đáo, sáng tạo, cùng tinh thần quả cảm, táo bạo, mưu trí, vượt muôn vàn khó khăn, đối mặt với sóng to, gió lớn và sự ngăn chặn gắt gao của quân thù, nhiều tấm gương anh dũng, chiến đấu, hy sinh giữa biển cả mênh mông để giữ bí mật con đường.

Trong 14 năm kháng chiến, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã huy động được 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam.

Khẩu đội pháo Tàu 501, Lữ đoàn 125 thực hành tiêu diệt mục tiêu trên biển. Ảnh: Văn Đường

Khẩu đội pháo Tàu 501, Lữ đoàn 125 thực hành tiêu diệt mục tiêu trên biển. Ảnh: Văn Đường

Đường Hồ Chí Minh trên biển thực sự là kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, thể hiện tầm nhìn chiến lược, cực kỳ độc đáo của Đảng ta, một trong những nghệ thuật quân sự tài tình, độc đáo và sáng tạo của chiến tranh nhân dân, cũng như bản lĩnh, lòng quả cảm của những chiến sĩ “Đoàn tàu Không số” trên con đường huyền thoại, đã đóng vai trò to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.

Trong 62 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Lữ đoàn 125 đã lập nên những chiến công đặc biệt xuất sắc, được Quốc hội hai lần tuyên dương danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều phần thưởng, danh hiệu vinh dự Nhà nước cùng với các danh hiệu thi đua khác; xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Mưu trí, dũng cảm; khắc phục khó khăn; vận tải đường biển; chi viện chiến trường, quyết chiến quyết thắng”.

Tự hào về truyền thống anh hùng của đường Hồ Chí Minh trên biển, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân hôm nay và mai sau phải luôn gìn giữ, phát huy; phấn đấu rèn luyện và quyết tâm vượt mọi khó khăn thử thách; nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ, góp phần xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; cùng với các lực lượng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc trong mọi tình huống; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đánh giá: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những chiến công anh hùng và sự hy sinh cao cả của các lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên Biển Đông, của các con tàu “không số” của quân và dân các bến bãi, làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta… Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao của những người đã làm nên kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Bài, ảnh: Văn Đường

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN