Tiếp tục phát huy giá trị lịch sử Di tích Ðường Hồ Chí Minh trên biển

29/04/2024 - 05:29

BDK - Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) được xem là một trong những “địa chỉ đỏ” trong giáo dục lịch sử, tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Đường Hồ Chí Minh trên biển đi vào lịch sử như là một bộ phận quan trọng của hệ thống vận tải quân sự chiến lược trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước. Trong chuyến thăm, khảo sát gần đây tại di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Lâm đã định hướng cần tiếp tục phát huy giá trị của di tích này.

Giảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh về nguồn tham quan tại Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Giảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh về nguồn tham quan tại Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tuyến đường vận chuyển vũ khí

Lịch sử đã ghi lại, để kịp thời chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam, ngày 23-10-1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn vận tải thủy 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), mở tuyến đường vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển, để vận chuyển vũ khí, cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là một quyết định lịch sử mang tầm chiến lược, táo bạo, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển có nhiều bến ở các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Bà Rịa. Riêng bến Bến Tre (tại Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) vừa là bến tiếp nhận vũ khí, đạn dược, vừa là trạm trung chuyển quan trọng của tuyến vận chuyển, đồng thời làm nhiệm vụ đầu mối cấp phát trang thiết bị cho lực lượng chiến đấu của Quân khu 8, Nam Sài Gòn và Đông Nam Bộ.

Chuyến tàu đầu tiên của Bến Tre vào tháng 8-1960, gồm 8 đồng chí đã vượt biển ra Bắc. Sau 2 năm học tập ở miền Bắc, tháng 11-1962, tàu chở 75 tấn vũ khí trở về miền Nam thành công. Từ năm 1963 - 1970 đã có 23 chuyến tàu của Đoàn 125 Hải quân vận chuyển hơn 1,4 ngàn tấn vũ khí cho quân, dân Khu 8 và miền Đông Nam Bộ, góp phần lập nên nhiều chiến thắng vang dội, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển được xây dựng từ năm 2013, nhiều năm qua, di tích đã đón tiếp hàng ngàn lượt khách đến viếng, thắp hương, tham quan, chụp ảnh. Để giúp người xem thuận lợi trong tìm hiểu về lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển và góp phần làm phong phú cho di tích, Bảo tàng Bến Tre đã thực hiện triển lãm chuyên đề “Đường Hồ Chí Minh trên biển, Bến Bến Tre” với hơn 120 hiện vật, tư liệu, hình ảnh về những công lao, sự hy sinh to lớn của ông cha trong cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc (không gian dưới khu tượng đài).

Phát huy giá trị di tích

Đến thăm, khảo sát tại Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển trong những ngày giữa tháng 4-2024, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Lâm đã chia sẻ kỷ niệm về chuyến “Hành trình theo dấu tích Đường Hồ Chí Minh trên biển” năm 2011 trong thời gian ông công tác ở Trung ương Đoàn. Khi ấy, với vai trò là Phó trưởng đoàn, ông cùng hơn 100 đại biểu, có cả hơn 10 người là nhân chứng lịch sử của Đường Hồ Chí Minh trên biển và nhiều đoàn viên, thanh niên tiêu biểu của cả nước tham gia các hoạt động của hành trình, xuất phát từ Hải Phòng, đi qua nhiều địa phương, trong đó có Bến Tre.

Với Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển, đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhận định, di tích ghi dấu những giá trị lịch sử quan trọng, để tưởng nhớ công lao và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Thời gian tới, địa phương phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đầu tư, nâng cấp, bảo tồn, phát huy tốt giá trị di tích.

Đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy gợi ý, bên cạnh những phần trưng bày hình ảnh, tư liệu về lịch sử, địa phương có thể xem xét, phối hợp cùng đơn vị chức năng để bổ sung thêm phần trưng bày mang chủ đề tiếp nối truyền thống, những nội dung về tình cảm của nhân dân cả nước đối với các cán bộ, chiến sĩ đã cống hiến, hy sinh trong hoạt động cách mạng Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đại diện Ban Quản lý di tích cho biết thêm, nơi đây cũng đã đón tiếp nhiều đoàn khách khắp các nơi trong cả nước (có cả khách quốc tế) về tham quan, tìm hiểu; đồng thời, nơi đây cũng là địa điểm gắn với các tour tuyến du lịch của tỉnh, huyện. Nhiều cơ quan, đơn vị cũng đã chọn nơi đây làm địa điểm để tổ chức về nguồn, sinh hoạt truyền thống, sinh hoạt chính trị…

“Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn chỉnh và trình thông qua UBND tỉnh 2 đề án: Đề án trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn, từ nay đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050; Đề án về xây dựng các tượng, bia tượng, đài tưởng niệm trên địa bàn.

Để khai thác tốt các di tích trên địa bàn tỉnh nói chung, trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tổ chức gắn kết các tour tuyến du lịch với các di tích lịch sử trên địa bàn để thu hút du khách; đồng thời phân bổ các hướng dẫn viên phù hợp, cũng như hướng đến nâng cao trình độ chuyên nghiệp của các hướng dẫn viên hiện nay”.

(Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Trung)

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN