Tượng chân dung kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tại sân trường trường THPT Huỳnh Tấn Phát. Ảnh: T. Đồng
Tôi lần theo danh xưng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát ở Châu Hưng này, gặt lại cho bản thân không chỉ là những lát cắt lịch sử về truyền thống cách mạng của một vùng đất mà còn may mắn kịp thời ghi lại bước chuyển mình thay da đổi thịt ở nơi đây.
1. Bên mái đình làng Tân Hưng
Ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại trước đây vốn là làng Tân Hưng, nơi cư dân tập trung sinh sống từ thuở khai hoang mở đất. Làng Tân Hưng có một mái đình đặc biệt. Đặc biệt không phải bởi vì kiến trúc cổ kính hay huyền thoại lạ lùng mà là bởi lý do hình thành của nó - một ngôi đình thờ nhân thần, được lập nên từ sự kính yêu, tri ân của nhân dân đối với một chí sĩ yêu nước có công lập làng mở ấp. Đình Tân Hưng là nơi nhân dân tôn kính thờ ông Huỳnh Văn Thiệu, một bộ tướng thân cận của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định.
Địa chí Bến Tre (bản in năm 1991) có ghi: “Trương Định hy sinh và cuộc chiến đấu của nghĩa quân do ông trực tiếp lãnh đạo không giành được thắng lợi, nhưng phong trào kháng chiến của nhân dân các tỉnh vẫn không vì thế mà bị dập tắt. Trái lại, nhiều nghĩa quân của Trương Định sau khi chủ tướng hy sinh, đã tản về các địa phương tiếp tục hoạt động chống Pháp. Riêng ở Bến Tre, lúc này nổi lên hoạt động của hai nhóm nghĩa quân: một nhóm của Trịnh Viết Bàng và một nhóm của Huỳnh Văn Thiệu”.
Hai nhóm nghĩa quân của ông Trịnh Viết Bàng và ông Huỳnh Văn Thiệu hoạt động ráo riết ở địa bàn cù lao An Hóa, thường xuyên tổ chức chiêu mộ nghĩa quân tham gia và lùng diệt những tên tay sai gian ác của giặc. Ông Huỳnh Văn Thiệu lãnh đạo nhóm nghĩa quân lập căn cứ kháng chiến, hoạt động tại vùng đất Châu Hưng này được một thời gian thì bị kẻ gian mật báo, ông bị giặc Pháp bắt, xử trảm tại địa danh Bàu Sấu. Di hài ông được chôn cất không toàn vẹn vì không còn thủ cấp. Ngưỡng mộ tấm gương yêu nước của người anh hùng, cũng là người có công với quê hương, người dân làng Tân Hưng mới lập một miễu thờ ông tại đây. Dần dần việc thờ cúng ngày càng phát triển, đến năm 1904, mái đình Tân Hưng được dựng lên, ông Huỳnh Văn Thiệu được nhân dân tôn kính như một Thành hoàng bổn cảnh của làng. Nơi yên nghỉ người anh hùng Huỳnh Văn Thiệu ngày nay cách không xa đình Tân Hưng, hàng năm luôn được nhân dân Châu Hưng chăm sóc, khói hương...
Cơ may cho tôi khi trở lại Châu Hưng lần này, không hẹn trước mà lại gặp được ông Năm Trung - Chánh bái của đình Tân Hưng ngay tại mái đình trăm tuổi. Câu chuyện ông Năm kể tôi nghe nơi sân đình rợp bóng cây xanh sáng hôm ấy chính là một mắt xích quan trọng để tôi lần tìm, hiểu hơn về chân dung Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Gia tộc họ Huỳnh ở Châu Hưng từ cội rễ đã nảy sinh những bậc anh hùng yêu nước. Từ ông Huỳnh Văn Thiệu đến đời sau, lịch sử một lần nữa ghi tên những người con trong gia tộc đã dấn thân cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát chính là cháu cố của anh hùng Huỳnh Văn Thiệu.
2. Con đường cách mạng là con đường vinh quang
Cuộc trò chuyện qua điện thoại ngắn ngủi với người con gái áp út của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - cô Huỳnh Xuân Thảo đưa tôi một bước nữa gần hơn với hình ảnh một nhân sĩ trí thức yêu nước đã dành trọn cuộc đời mình cho cách mạng. Qua điện thoại, giọng cô Xuân Thảo đầm ấm, nhẹ nhàng: “Ba tôi tính người trung thực, luôn lo nghĩ đến cộng đồng. Bản thân ông tham gia cách mạng không có thời gian chăm sóc gia đình, sau giải phóng, anh em chúng tôi cũng đã lớn, ba không bao giờ yêu cầu các con phải sống thế này thế kia nhưng anh em chúng tôi nhìn ba, con đường mà ba đã chọn rồi cảm phục mà học theo…”. 6 người con của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát hầu hết đều chọn theo con đường cách mạng của ông. Trong đó, cô Huỳnh Lan Khanh, người con gái lớn của ông được biết đến là một nữ liệt sĩ gan dạ, bất khuất. cô đã anh dũng chiến đấu cùng đồng đội, khi rơi vào ổ phục kích của giặc Mỹ vào năm 1968 tại Trảng Dầu, Tây Ninh, bị giặc bắt lên máy bay, vì không chịu khuất phục, cô đã nhảy xuống đất, hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi. Cô Xuân Thảo cho biết, ngày 25-4-2015, liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Con đường mà kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã đi là một con đường phi thường. Ông sinh ngày 15-2-1913, tại xã Châu Hưng, đến năm 6 tuổi thì ông về sống và học tập ở quê ngoại là xã Điều Hòa, Mỹ Tho, sau đó theo học tại Trường Petrús Ký ở Sài Gòn. Ông là một sinh viên ưu tú của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội), là thủ khoa ngành Kiến trúc năm 1938 và trở về Sài Gòn mở văn phòng kiến trúc sư đầu tiên của người Việt. Trong quá trình học tập, người thanh niên Huỳnh Tấn Phát khi ấy không chỉ nổi bật về tài năng và trình độ học vấn mà ông còn tham gia sôi nổi trong mọi hoạt động của Tổng hội sinh viên Đông Dương và Hội Ái hữu sinh viên Nam Kỳ.
Là một kiến trúc sư tài ba có tên tuổi ở Sài Gòn thời bấy giờ, thiết nghĩ ông có thể chọn lối sống dư dả, nhiều cơ hội bước chân vào giới thượng lưu nhưng ông đã sớm chọn cho mình con đường cách mạng, giải phóng dân tộc. Có lẽ truyền thống của gia tộc họ Huỳnh từ bao đời nay đã ngấm sâu vào tâm tưởng con người Huỳnh Tấn Phát, để ông chọn con đường yêu nước, phụng sự nhân dân. Một số tài liệu ghi chép về cuộc đời kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát cho thấy, từ trước Cách mạng tháng Tám, ông đã tham gia vận động trí thức, thợ thuyền tham gia Mặt trận Liên Việt, tổ chức các phong trào đấu tranh chính trị đòi hòa bình. Từ năm 1943, ông là chủ nhiệm của tuần báo Thanh niên với khuynh hướng chống Pháp - Nhật, góp phần sáng lập và cổ động phong trào truyền bá chữ quốc ngữ. Ông vinh dự được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 3-1945, sau đó trực tiếp tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn vào ngày 25-8-1945.
Con đường cách mạng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã đi qua nhiều chông gai, nhiều lần bị địch bắt tù đày. Với vai trò là đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trong hoàn cảnh lao tù, ông luôn nêu cao ý chí đấu tranh cách mạng. Trong khám, ông được bầu làm trưởng đại diện “Liên đoàn tù chính trị Khám Lớn Sài Gòn”, cùng anh em tù chính trị đấu tranh chống chế độ hà khắc của thực dân và biến nhà tù thành trường học văn hóa, chính trị, quân sự, đào tạo được nhiều cán bộ cốt cán cho cách mạng.
Là một nhà cách mạng yêu nước, ông được Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm trao giữ nhiều trọng trách trong cả giai đoạn chiến tranh và sau giải phóng: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(còn tiếp)
Nhà văn Thép Mới phác họa rõ nét chân dung vị kiến trúc sư tài ba Huỳnh Tấn Phát trong bài viết đăng trên Báo Nhân Dân ngày 14-10-1989, sau ngày ông mất:
“Phong thái anh không lẫn với ai khác được. Anh đã sống nhiều năm ở vùng Tam Giác Sắt không khác gì các chiến sĩ đồng bào. Lính trẻ Củ Chi chịu anh tình thương lính tráng. Cô bác Phú Hòa Đông, Nhuận Đức quý anh như bạn, như người cao tuổi trong gia đình. Ai cũng trọng anh nhưng không coi anh là nhân sĩ. Anh là người vận động cụ thể, tổ chức cụ thể, chăm lo thể hiện những chủ trương cụ thể về công tác Mặt trận và vận động trí thức ở thành. Anh đã là anh rồi nên không nghĩ đến cá nhân nhiều... Cái cách anh quan hệ ứng xử với các bạn trí thức, đến với cách mạng cũng có những nét riêng. Anh không hùng biện không sắc cạnh, không bắt ai phục mình. Ánh sáng là ánh sáng chung của cuộc đời. Tự anh không phát sáng. Nhưng anh biết làm cho “than hồng nhen thành lửa ngọn”. Anh thuyết phục họ bằng chính con người anh, một con người Sài Gòn, lẽ ra có thể sống ít nhiều vương giả lắm chứ, nếu muốn. Vậy mà anh dấn thân vào trường kỳ kháng chiến, dấn thân đến cùng, sống cách mạng một cách chân thật, tự nhiên, trong trẻo”.
|
Thanh Đồng